Doanh nghiệp khốn đốn vì sự bất nhất của chính quyền - Bài 1: Khi đất vàng bị “phỗng tay trên”

Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Đào Anh Kiệt thời đương chức đã tước đi quyền thuê đất, cơ hội đầu tư của Công ty Thuận Hưng, khi mảnh đất mà doanh nghiệp đã đền bù giải tỏa được Thành phố hoán đổi, nhưng lại đem đất hoán đổi đó giao doanh nghiệp khác. Chưa kể, UBND TP.HCM hứa giao một phần đất còn thiếu cho doanh nghiệp trong 1 tháng, nhưng tới nay đã 25 năm vẫn chưa xong sổ đỏ.
Khu đất 8,3 ha của Công ty Thuận Hưng nằm sát Trung tâm thương mại - chợ đầu mối Bình Điền. Khu đất 8,3 ha của Công ty Thuận Hưng nằm sát Trung tâm thương mại - chợ đầu mối Bình Điền.

Bài 1: Khi đất vàng bị “phỗng tay trên”

Năm 1992, Dự án Tổng kho tồn trữ lương thực trên khu đất hơn 10,6 ha tại cụm E trên tuyến đường Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh của Công ty TNHH Chế biến nông hải sản Thuận Hưng (Công ty Thuận Hưng) được phê duyệt. Nhưng dù đã bỏ tiền bồi thường cho dân, nộp một phần lệ phí sử dụng đất mà đến nay công ty này vẫn trắng tay.

Trắng tay

Sau khi được phê duyệt Dự án, Công ty Thuận Hưng, ngoài việc bỏ tiền ra bồi thường cho dân, nộp trước 50% lệ phí sử dụng đất, còn đầu tư hơn 10 triệu USD nhập khẩu 15 bộ khung kho tiền chế Zamil Steel để chuẩn bị thi công.

Nhưng thời điểm đó, TP.HCM cho phép liên doanh Phú Mỹ Hưng xây dựng dự án khu đô thị mới (là khu Phú Mỹ Hưng hiện nay). Xét dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là dự án liên doanh lớn giữa Thành phố với nước ngoài, đã được Chính phủ phê duyệt, UBND TP.HCM đề nghị “hoán đổi khu đất khác có diện tích tương đương”, để Công ty Thuận Hưng xây dựng tổng kho. Khu đất 10,6 ha của Công ty Thuận Hưng sẽ giao lại cho liên doanh Phú Mỹ Hưng. Mọi thủ tục hoán đổi phải thực hiện hoàn tất trong 1 tháng kể từ ngày 12/9/1994 (ngày UBND TP.HCM ra thông báo kết luận họp về việc hoán đổi đất).

Nhưng thay vì 1 tháng, Thuận Hưng phải chờ đến 10 năm sau. Đến tận năm 2003, nhằm giải quyết cho Công ty Thuận Hưng tiếp tục thực hiện dự án tổng kho, Thủ tướng Chính phủ đã phải chỉ đạo UBND TP.HCM giao đất cho doanh nghiệp. Và phải chờ đến 2 năm sau, năm 2005, UBND TP.HCM mới giải quyết cho Công ty Thuận Hưng thuê đất hàng năm trên diện tích 8,3 ha tại quận 8, còn thiếu 2,3 ha, Thành phố hứa sẽ hoán đổi ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh cho doanh nghiệp xây dựng khu dân cư.

Khu đất 8,3 ha mà UBND TP.HCM cấp sổ đỏ giao cho Công ty Thuận Hưng nằm cạnh quy hoạch Trung tâm Thương mại Bình Điền. 

Sau khi nhận được 8,3 ha đất hoán đổi, để giải quyết các vấn đề liên quan công nợ của Công ty Thuận Hưng đối với ngân hàng, tháng 3/2006, UBND TP.HCM ra thông báo cho phép Thuận Hưng bán tài sản cho Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) - chủ đầu tư chợ đầu mối Bình Điền kề bên khu đất của Thuận Hưng.

Tuy nhiên, thay vì thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Satra lại không thực hiện trực tiếp việc ký hợp đồng mà lập ra Công ty cổ phần Bình Điền (Satra chiếm 29% vốn điều lệ) để ký mua bán với Công ty Thuận Hưng.

Công ty Thuận Hưng đành phải ký Hợp đồng số 66/HĐ-2007 ngày 27/3/2007, giao khu đất 8,3 ha cho Công ty Bình Điền. Giá chuyển nhượng là 186 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí san lấp (8 tỷ đồng) và tiền thuê đất 38 năm (28,5 tỷ đồng), Công ty Bình Điền chỉ trả cho Thuận Hưng 149,5 tỷ đồng để dùng vào việc trả nợ ngân hàng.

Nhưng sau đó, Thanh tra TP.HCM cho rằng, đất trên là Nhà nước cho Công ty Thuận Hưng thuê thì chỉ có thể chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là Satra. Công ty Thuận Hưng không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Bình Điền (71% vốn góp của tư nhân) vì trái Luật Đất đai 2003.

Ngày 5/6/2013, UBND TP.HCM có Công văn số 2729 cho phép Công ty Thuận Hưng nhận lại 8,3 ha đất và hoàn trả tiền cho Công ty Bình Điền. Thành phố cũng giao Ban Quản lý khu Nam xem xét nếu thấy phù hợp quy hoạch thì cho chuyển chức năng từ kho của Công ty Thuận Hưng thành trung tâm thương mại, thay đổi thời gian thuê đất từ 30 năm lên 50 năm.

Ban Quản lý khu Nam đã có văn bản ủng hộ việc điều chỉnh chức năng khu vực 8,3 ha này.

Vị trí ngay chợ đầu mối Bình Điền, nên 8,3 ha của Thuận Hưng trở thành “vàng ròng”.

Nhưng trong khi Thuận Hưng đang thực hiện các thủ tục để nhận lại 8,3 ha đất và triển khai phương án tài chính hoàn trả lại tiền cho Công ty Bình Điền thì bất ngờ, ngày 4/9/2015, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM ra Văn bản số 6607 tham mưu cho UBND TP.HCM thu hồi đất của Công ty TNHH Thuận Hưng và giao cho Công ty Bình Điền thuê đất.

Ngày 8/12/2015, ông Nguyễn Hữu Tín đã ra Quyết định số 6525/QĐ-UBND thu hồi 8,3 ha đất của Công ty Thuận Hưng và cho Công ty Bình Điền thuê.

Tham mưu và ký tá bất thường?

Cơ sở để ông Đào Anh Kiệt tham mưu thu hồi đất vì “Công ty Thuận Hưng không có khả năng tài chính để hoàn trả lại cho Công ty Bình Điền và cũng chưa chứng minh được năng lực để thực hiện dự án mà dựa vào sự chấp thuận của ngân hàng cho vay”.

Ông Lâm Trúc Nhỏ, Giám đốc Công ty Thuận Hưng cho rằng, việc Sở Tài nguyên và Môi trường họp rồi ra văn bản tham mưu cho Thành phố mà Công ty Thuận Hưng là chủ khu đất, chủ dự án lại không được mời tham dự là bất thường. 

Mặt khác, Công ty Thuận Hưng đang chuẩn bị tài chính để thực hiện dự án, Ngân hàng VCB chi nhánh Nam Bình Dương đã đồng ý về nguyên tắc tài trợ vốn đầu tư. Doanh nghiệp thế chấp tài sản vay ngân hàng để phát triển kinh doanh được pháp luật cho phép, nên không thể lấy lý do để nói theo chủ quan cá nhân của ông Kiệt là “dựa vào sự chấp thuận của ngân hàng cho vay”.

Đó là chưa kể, tiếng là “thuê đất Nhà nước”, nhưng thực chất đây là tài sản của Công ty Thuận Hưng, bởi đây là đất được UBND TP.HCM hoán đổi từ đất trước đó mà Công ty đã bỏ tiền túi ra đền bù cho dân, đóng thuế trước 50%. 

Đáng lưu ý, tham mưu của ông Đào Anh Kiệt và duyệt ký của ông Nguyễn Hữu Tín trái ngược hoàn toàn với các chỉ đạo trước đó của chính quyền Thành phố.

Cụ thể, chính quyền Thành phố đã hủy việc mua bán 8,3 ha đất giữa Công ty Thuận Hưng và Công ty Bình Điền bởi vi phạm Luật Đất đai 2003. 

Ngày 19/11/2008, khi họp cùng nhiều sở, trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng đã kết luận: Công ty Thuận Hưng chỉ được bán tài sản trên đất và chỉ bán cho Satra vì Satra là doanh nghiệp nhà nước, không thể tự ý giao Công ty Bình Điền là doanh nghiệp cổ phần có 71% vốn góp tư nhân.

Tại kết luận của Thanh tra TP.HCM cũng như hàng loạt văn bản chỉ đạo năm 2010 của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ đích danh Satra là đơn vị thuê hoặc giao đất trong trường hợp phải thu hồi 8,3 ha của Công ty Thuận Hưng. Thế nhưng ông Đào Anh Kiệt vẫn tham mưu, rồi ông Nguyễn Hữu Tín ký quyết định thu hồi đất giao cho Công ty Bình Điền.

Được biết, ông Nguyễn Hữu Tín ký quyết định thu hồi 8,3 ha đất của Công ty Thuận Hưng và cho Công ty Bình Điền thuê vào ngày 8/12/2015, sau khi Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng nghỉ hưu được hơn 1 tháng.

(Còn tiếp)

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục