Doanh nghiệp khóc ròng trong vòng xoáy thủ tục - Bài 3: Ôm “trái đắng” chờ giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ

0:00 / 0:00
0:00
Đến thời điểm này, cả chủ đầu tư là Công ty TNHH Hòa Bình và các chủ sở hữu căn hộ tại Dự án Khu phức hợp Hòa Bình xanh Đà Nẵng vẫn không rõ hàng trăm căn hộ tại Dự án có được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ hay không và nếu có, thì bao giờ được cấp.
Dự án Khu phức hợp Hòa Bình xanh Đà Nẵng Dự án Khu phức hợp Hòa Bình xanh Đà Nẵng

Xung đột giữa chủ đầu tư và chủ căn hộ

Cuộc xung đột lợi ích giữa Công ty TNHH Hòa Bình (gọi tắt là Công ty Hòa Bình) và các chủ sở hữu căn hộ tại Dự án Khu phức hợp Hòa Bình xanh Đà Nẵng (còn gọi là Hòa Bình Green Đà Nẵng, hay Đà Nẵng Golden Bay) vẫn đang diễn ra “kịch tính” và không biết khi nào đến hồi kết.

Theo phản ánh của các chủ sở hữu căn hộ tại Khu phức hợp Hòa Bình xanh Đà Nẵng, năm 2017, họ mua căn hộ của Công ty Hòa Bình (đã trả 95% tổng giá trị căn hộ) và cho doanh nghiệp này thuê lại căn hộ. Hơn 6 năm qua (2017 - 2023), Công ty Hòa Bình không trả lợi nhuận như cam kết trong hợp đồng đã ký với các chủ sở hữu căn hộ.

Chính vì lẽ đó, năm 2023, một số chủ sở hữu khởi kiện Công ty Hòa Bình ra Tòa án Nhân dân quận Sơn Trà. Tại đây, Công ty Hòa Bình đồng ý trả lại căn hộ trước thời gian thỏa thuận trong hợp đồng đối với các chủ sở hữu.

Tuy nhiên, khi Công ty Hòa Bình trả lại căn hộ cho các chủ sở hữu, thì việc kinh doanh của họ không được thuận lợi. Cụ thể, khách hàng của các chủ sở hữu không được sử dụng tiện tích tại khách sạn; gặp khó khăn khi đăng ký tạm trú, tạm vắng.

Sau nhiều lần phản ánh, tại cuộc họp giữa chủ đầu tư và các chủ sở hữu căn hộ vào ngày 11/6/2024, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Hòa Bình cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho chủ sở hữu kinh doanh thuận lợi. Các chủ sở hữu được sử dụng tiện ích tại khách sạn. Công ty Hòa Bình sẽ phối hợp thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng cho khách lưu trú của các chủ sở hữu. Khoản tiền lợi nhuận mà chủ đầu tư còn nợ các chủ sở hữu sẽ được chốt công nợ và lên phương án thanh toán theo từng giai đoạn.

Ông Đường cũng cam kết, đầu tháng 7/2024, chủ đầu tư sẽ có văn bản trả lời về việc trả giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho các chủ sở hữu và cập nhật tình hình làm việc với cơ quan chính quyền Đà Nẵng đến các chủ sở hữu.

Liên quan đến tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ, qua nhiều cấp tòa, một số chủ sở hữu đã thắng kiện Công ty Hòa Bình. Tại Bản án phúc thẩm ngày 30/8/2023, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà L.T.T.H, tuyên bố Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư 2520 tại Dự án Hòa Bình Green Đà Nẵng số 326/HĐMB/HĐGĐN - 2520, ngày 10/5/2017 giữa bà L.T.T.H và Công ty Hòa Bình vô hiệu do giao dịch bị lừa dối.

Tòa xác định, lỗi hoàn toàn thuộc về Công ty Hòa Bình, buộc công ty này phải thanh toán cho bà L.T.T.H số tiền thiệt hại thực tế bà H. phải chịu cộng với số tiền mua căn hộ đã thanh toán là hơn 2,3 tỷ đồng.

Theo ông V.K.T (người mua căn hộ tại Dự án Khu phức hợp Hòa Bình xanh Đà Nẵng), Công ty Hòa Bình hứa hẹn nhiều lần, nhưng không thực hiện đúng cam kết bàn giao giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ.

“Chúng tôi khẩn cầu các cấp chính quyền Đà Nẵng vào cuộc quyết liệt, xử lý tồn tại, vướng mắc để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, tạo điều kiện kinh doanh tốt nhất cho cư dân theo đúng quy định của pháp luật”, ông V.K.T đề nghị.

Nguồn cơn sai phạm từ đâu?

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, vào năm 2019, đã nhận thấy thời hạn sử dụng đất “so le” với thời gian hoạt động của Dự án, nên có ý kiến với UBND TP.

Đà Nẵng cần phải gia hạn sử dụng đất cho phù hợp và chủ đầu tư phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính phát sinh.

Những tranh chấp giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu căn hộ tại Dự án Khu phức hợp Hòa Bình xanh Đà Nẵng dù căng thẳng, nhưng chưa phải gốc rễ của vấn đề. Nguồn cơn chính có lẽ xuất phát từ việc cấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, khu đất xây dựng Dự án Khu phức hợp Hòa Bình xanh Đà Nẵng trước đây của Công ty cổ phần Địa ốc Seaprodex Thuận Phước (gọi tắt là Seaprodex Thuận Phước). Công ty này được UBND TP. Đà Nẵng cấp 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 21/6/2011.

Cụ thể là, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BE 601575, diện tích 4.581 m2 (thửa đất số 11, tờ bản đồ số 78); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BE 601576, diện tích 3.640 m2 (thửa đất số 10, tờ bản đồ số 78); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BE 601577, diện tích 3.016 m2 (thửa đất số 7, tờ bản đồ số 78).

Điều lạ của 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này là, mặc dù đây là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhưng lại có thời hạn sử dụng lâu dài. Sau đó, Công ty Hòa Bình nhận chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng 3 thửa đất nói trên từ Seaprodex Thuận Phước và được Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Đà Nẵng đăng ký biến động vào ngày 30/6/2016.

Ngày 12/10/2016, UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6916/QĐ-UBND cho phép Công ty Hòa Bình được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất cơ sở kinh doanh sang đất ở đô thị đối với diện tích 4.283 m2 trong tổng diện tích 11.237 m2 tại Dự án Khu phức hợp Hòa Bình xanh Đà Nẵng, với thời hạn sử dụng đất 50 năm.

Tiếp đến, tại Công văn số 8815/UBND-SXD của UBND TP. Đà Nẵng ban hành ngày 25/10/2016 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu phức hợp Hòa Bình xanh Đà Nẵng có nêu, khách hàng (chủ sở hữu) của 960 căn hộ thương mại có quyền sở hữu và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ để ở; 768 căn hộ khách sạn có quyền sở hữu và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu giống như căn hộ chung cư thương mại.

Điều đáng nói là, tại công văn này, UBND TP. Đà Nẵng ấn định thời gian hoạt động của Dự án Khu phức hợp Hòa Bình xanh Đà Nẵng là 50 năm. Trong khi đó, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BE 601575, BE 601576, BE 601577 được UBND TP. Đà Nẵng cấp cho Seaprodex Thuận Phước, thì thời hạn sử dụng đất là lâu dài.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, vào năm 2019, đã nhận thấy thời hạn sử dụng đất “so le” với thời gian hoạt động của Dự án, nên có ý kiến với UBND TP. Đà Nẵng cần phải gia hạn sử dụng đất cho phù hợp và chủ đầu tư phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính phát sinh. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.

Cần phải nhắc lại, tại Kết luận số 2852/KL-TTCP ngày 2/11/2012 của Thanh tra Chính phủ, 5 khu đất của Seaprodex Thuận Phước thuộc danh sách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất sản xuất, kinh doanh được cấp thời hạn lâu dài) không đúng quy định. Ba thửa đất mà Công ty Hòa Bình nhận chuyển nhượng từ Seaprodex Thuận Phước nằm trong 5 khu đất này.

Trong văn bản ngày 5/6/2024 gửi UBND TP. Đà Nẵng, Công ty Hòa Bình phản ánh, từ ngày Dự án Khu phức hợp Hòa Bình xanh Đà Nẵng đi vào hoạt động đến nay vẫn chưa có căn hộ nào được cấp sổ. Điều này dẫn đến việc, Công ty bị Ngân hàng Indovina và các chủ sở hữu căn hộ khởi kiện. Công ty đề nghị UBND TP. Đà Nẵng trả lời 2 câu hỏi.

Thứ nhất, trong giai đoạn Covid-19, thực hiện quy định của Nhà nước, Công ty buộc phải đóng cửa khách sạn. Việc này làm cho khách sạn phải chịu lỗ liên tiếp trong 3 năm (2020, 2021, 2022). Phần thiệt hại này, theo Điều 5, Luật Doanh nghiệp, Nhà nước phải có chịu trách nhiệm đền bù cho doanh nghiệp. Vậy, phần đền bù này do cơ quan nào trả?

Thứ hai, Công ty Hòa Bình đã bỏ tiền mua đất thực hiện Dự án, đã đóng đầy đủ tiền sử dụng đất, công trình hoàn thành từ tháng 10/2017, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng. Người mua nhà và ngân hàng đã khởi kiện Công ty. Bởi vậy, Công ty Hòa Bình đề nghị UBND TP. Đà Nẵng trả lời cho Công ty và những người mua nhà được biết, bao giờ các căn hộ tại Dự án Khu phức hợp Hòa Bình xanh Đà Nẵng mới được cấp sổ hồng theo quy định tại Văn bản số 8815/UBND-SXD, ngày 25/10/2016 của UBND TP. Đà Nẵng .

Ngày 11/6/2024, phóng viên Báo Đầu tư đã mang thắc mắc này của Công ty Hòa Bình gửi đến ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. Ông Nam đề nghị phóng viên liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, khi phóng viên trao đổi lại rằng, vào năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo vấn đề này tới UBND Thành phố, quan điểm xử lý của Thành phố như thế nào?

“Nội dung này, tôi chưa nắm được. Nếu phóng viên cần thông tin, thì có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, UBND TP. Đà Nẵng sẽ cung cấp theo đúng Luật Báo chí”, ông Nam trả lời.

Báo Đầu tư đã gửi công văn đề nghị cung cấp thông tin theo yêu cầu, với mong muốn sớm nhận được câu trả lời xác đáng từ chính quyền TP. Đà Nẵng, để “khơi thông” những bế tắc của chủ đầu tư và các chủ sở hữu căn hộ tại Dự án Khu phức hợp Hòa Bình xanh Đà Nẵng.

Ngày 24/6/2024, Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng có Công văn số 2461/VP-ĐTĐT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng thông báo ý kiến của lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng. Theo đó, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung công văn của Báo Đầu tư để trả lời theo đúng quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cũng đã thông tin tới Báo Đầu tư, Sở “đang xử lý” theo chỉ đạo trên và sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.

(Còn tiếp)

Nhóm phóng viên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục