Môi trường pháp lý đang nóng nhất, vướng nhất
Những thông tin mà các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp mang đến Hội thảo Chất lượng của thông tư, công văn với hiệu quả cải cách thể chế, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện đã vượt quá đề nghị của những người tổ chức.
Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã mang đến danh mục 14 nhóm bất cập trong hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở, bất động sản, trong hoạt động xây dựng, sử dụng đất, phát sinh do các quy định từ luật, nghị định đến thông tư.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, đồng thời là Trưởng nhóm tư vấn chính sách của VCCI, những liệt kê này chỉ là vài ví dụ.
“Muốn kêu gọi doanh nghiệp FDI, muốn phục hồi kinh tế tư nhân, để Việt Nam tăng trưởng thì đầu tiên cần môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch. Nhưng hệ thống văn bản pháp lý của ta hiện nay vô cùng rắc rối. Vừa rồi, hai Phó thủ tướng đã có cuộc làm việc với các doanh nghiệp bất động sản phía Nam và phía Bắc, vì lĩnh vực này đang đóng góp 12% GDP của đất nước đang ách tắc, mà nguyên nhân số một là vướng mắc về pháp lý”, ông Hiệp tâm tư.
Song, điều ông Hiệp lo ngại nhất là bao lâu nay nguyên nhân vẫn thế, song lại chưa thể giải được. Khi thống kê những văn bản luật tác động đến bất động sản, các doanh nghiệp đếm được 12 luật, nhưng 12 luật này không luật nào đồng thuận với luật nào.
“Doanh nghiệp tuân theo Luật Đất đai thì vướng Luật Đầu tư, tuân theo Luật Xây dựng thì vướng Luật Quy hoạch... Kể cả các văn bản luật có cùng cơ quan chủ trì soạn thảo cũng không thống nhất được với nhau”, ông Hiệp thẳng thắn.
Bộ Xây dựng là cái tên được nhắc đến khi ông Hiệp nêu quy định về thời hạn bảo hành của chủ đầu tư. Luật Nhà ở quy định 60 tháng với nhà chung cư, Luật Xây dựng lại quy định thời hạn bảo hành đối với công trình cấp đặc biệt và cấp 1 chỉ tối đa là 24 tháng.
“Hai văn bản luật này đều do Bộ Xây dựng được giao chủ trì soạn thảo. Tôi đã chất vấn Bộ Xây dựng, nhưng không ai trả lời được”, ông Hiệp nói.
Khốn khổ trong mớ bòng bong thủ tục
Câu hỏi doanh nghiệp sẽ tuân thủ thế nào trong bối cảnh mà ông Hiệp gọi là mớ bòng bong không chỉ là nỗi khổ của nhà thầu xây dựng và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, mà các doanh nghiệp ngành khác cũng phải nếm trải.
Bà Trần Ngọc Ánh, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đã kể trường hợp một loại hàng hóa, cơ quan hải quan xác định là mỹ phẩm, cơ quan y tế xác định là thiết bị y tế. Thậm chí, cứ sản phẩm dạng lỏng là cơ quan hải quan sẽ quy về đồ uống và nước giải khát.
“Vấn đề là hai hàng hóa khác nhau nghĩa là sẽ bị áp thuế khác nhau. Công văn của các ngành dù mâu thuẫn với nhau, nhưng một khi đã được ký, đóng dấu thì hải quan địa phương cứ tiến hành truy thu thuế doanh nghiệp trước, việc doanh nghiệp muốn chứng minh thế nào thì tự làm”, bà Ánh chia sẻ.
Cho đến giờ, các doanh nghiệp nhập khẩu trong lĩnh vực y tế vẫn nhớ chặng đường 5 tháng của năm 2021, khi 40 triệu USD tiền thuốc, thiết bị y tế bị giữ lại cửa khẩu vì cơ quan hải quan yêu cầu chứng minh hàng hóa đó là thiết bị y tế, dù các thủ tục này đã được Bộ Y tế cắt bỏ.
Bà Trần Ngọc Anh kể, suốt 5 tháng làm giải trình, kêu lên các hiệp hội, các cơ quan liên quan để có hướng giải quyết, thì tiền lưu kho doanh nghiệp phải bỏ ra là gần 5 tỷ đồng, chưa kể tiền phạt hợp đồng do hàng giao chậm cho bệnh viện.
Lo ngại mới chực chờ
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) mang đến một lo ngại đang có nguy cơ xuất hiện, khi ông Nguyễn Hồng Uy, đại diện Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng nhắc đến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải (ERP).
Dự thảo đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện, sẽ ban hành trong tháng tới để kịp thực thi từ ngày 1/1/2023.
Để bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp, nhưng ông Uy nói, các doanh nghiệp đang lo hàng ngàn tỷ đồng/năm không được thực hiện đúng mục đích, thiếu minh bạch. Khi đó, doanh nghiệp thì nộp tiền, giá người tiêu dùng phải trả cao lên, mà môi trường vẫn bẩn.
“Nhưng còn e ngại nữa là với quy định của Dự thảo dễ nảy sinh tiêu cực. Chẳng hạn, không có cách nào chấm điểm các tiêu chí quy mô lớn hơn, tỷ lệ tái chế cao hơn hay ít hơn mà Dự thảo quy định, doanh nghiệp muốn nhận hỗ trợ có lẽ phải mất hoa hồng”, ông Uy thắng thắn đặt vấn đề khi phân tích các quy định xét duyệt đối tượng được hỗ trợ.
Đặc biệt, Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định Văn phòng ERP có sự có mặt của doanh nghiệp để giám sát việc sử dụng các khoản đóng góp này của doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, nhưng Dự thảo thông tư không đề cập.
“Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đang đề nghị được tham gia. Chúng tôi cho rằng, công tác xây dựng văn bản cần có cơ chế giám sát độc lập, nhất là cần sự độc lập giữa lập pháp và hành pháp, trước mắt có thể Trưởng ban soạn thảo không nên là người của cơ quan thực thi, mà là của Bộ Tư pháp chẳng hạn”, ông Uy đề nghị.
Theo bà Chu Thị Hoa, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), có 8 tiêu chí để đánh giá một văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng, đó là:
- Xuất phát từ nhu cầu thực tế, thực tiễn của xã hội.
-Bảo đảm tính rõ ràng, nhất quán với chính sách chung của Nhà nước trong lĩnh vực mà dự thảo điều chỉnh.
-Hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
-Đảm bảo tính khả thi (các điều kiện bảo đảm thi hành văn bản như nguồn tài chính, nguồn nhân lực; các biện pháp đảm bảo thực hiện nội dung các chính sách của văn bản… phải được quy định cụ thể, đầy đủ và hợp lý).
-Minh bạch, cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện (đối tượng chịu sự tác động của văn bản phải biết được họ phải làm gì, được phép làm gì, không được phép làm gì; cơ quan nhà nước chỉ được phép làm gì, đến mức độ nào…).
-Có tính dự báo và tính ổn định tương đối.
-Phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
-Chế tài đặt ra phải hợp lý, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi vi phạm.