Doanh nghiệp khó chứng minh nguồn thu để được tái cơ cấu nợ

(ĐTCK) Ngày 29/5/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tổ chức hội nghị tại TP.HCM để thông tin kết quả triển khai các giải pháp hỗ trợ của hệ thống ngân hàng đối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Ông Thái Bá Cần, Phó tổng giám đốc Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng phát biểu tại hội nghị Ông Thái Bá Cần, Phó tổng giám đốc Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng phát biểu tại hội nghị

Ngân hàng sớm gỡ khó để ngăn nợ xấu tăng

Thông tin tại hội nghị, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, với hoạt động ngân hàng, do tác động của dịch Covid-19, tín dụng những tháng đầu năm có xu hướng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước: tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4/2020 tăng 1,42%  so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 4,44%). Đến 20/5, dư nợ tín dụng tăng 1,32%.

Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào các ngành như: Công nghiệp chế biến-chế tạo, Vận tải, Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, Giáo dục và đào tạo..., tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Kết quả sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt, đến 25/5/2020, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 223 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 151 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ  gần 1,14 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 767 nghìn tỷ đồng cho hơn 196 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 150 nghìn khách hàng với dư nợ trên 3.800 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 680 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 25 nghìn tỷ đồng.   

Riêng trên địa bàn TP.HCM, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 158.726 khách hàng với dư nợ 48.325 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 17.448 khách hàng với dư nợ 45.096 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 166.082 tỷ đồng cho 43.487 khách hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, kết quả hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn 5 tháng đầu năm nay gồm: Hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp cho doanh nghiệp (theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN) đến cuối tháng 4/2020 đạt: 290.577 tỷ, cho 223.990 khách hàng.

Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 162.745 khách hàng với dư nợ đạt 51.803 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 17.758 khách hàng với dư nợ đạt 48.771 tỷ đồng; Cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 cho 43.487 khách hàng với doanh số đạt 190.003 tỷ đồng.

fig come hereNguồn hỗ trợ từ phía ngân hàng không phải từ gói nào cả, mà từ sự huy động của chính các ngân hàng thương mại hiện nay, huy động từ gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán... Còn gói lãi suất từ 1% - 2% cũng là cắt giảm từ chi phí, lợi nhuận thậm chí là tiền lương của nhân viên ngân hàngnPhó thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Cho vay lãi suất ưu đãi ngắn hạn bằng VNĐ (lãi suất không quá 5%/năm) đối với 05 nhóm ngành, lĩnh vực bao gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Dư nợ đến cuối tháng 4/2020 đạt 164.966 tỷ đồng, với 31.538 khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 117.035 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng 71% trong tổng dư nợ cho vay ngắn hạn VNĐ đối với 05 nhóm ngành, lĩnh vực này.

Năm 2020, có 12 thương hiệu ngân hàng đăng ký gói tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp là 274.450 tỷ đồng. Đến cuối tháng 4/2020, thực hiện giải ngân gói tín dụng đạt 35.855 tỷ đồng đối với 4.571 khách hàng.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, thời gian qua NHNN vẫn nhận được một số kiến nghị, phản ánh về việc tiếp cận các chính sách tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giữ nguyên nhóm nợ…

Trước tình hình đó, NHNN đã tổ chức khảo sát thực tế, làm việc trực tiếp với một số chi nhánh NHTM để nắm bắt tình hình triển khai, các khó khăn vướng mắc để có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng.

Đồng thời, đã chỉ đạo các TCTD, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thiết lập ngay đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời, triệt để từng trường hợp doanh nghiệp gặp vướng mắc.

Doanh nghiệp không chứng minh được nguồn thu do dịch bệnh

Mặc dù phía ngân hàng đã có nỗ lực, song phía doanh nghiệp cho biết, còn một số khó khăn. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, doanh thu luôn tăng từ 30 - 50%, nhưng sau dịch, để chứng minh doanh thu để được giãn, hoãn nợ và giảm lãi suất thì doanh nghiệp không chứng minh được, đây là đặc thù của ngành.

Theo bà Chi, ngành cùng với thành phố đảm bảo cung ứng đủ, các doanh nghiệp cam kết không tăng giá. Tại TP. HCM, ngành lương thực thực phẩm ổn định cho 13 triệu dân của thành phố, tham gia 50 - 70% mặt hàng, cam kết giữ giá cả.

"Câu chuyện là doanh nghiệp trong ngành lấy hết nguyên liệu dự trữ ra, bây giờ nguồn nguyên liệu dự trữ kế tiếp gặp khó khăn vì một số nguyên phụ liệu tăng giá, chi phí nhập kho vào cũng tăng lên. Như vậy, hơn lúc nào hết, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của ngân hàng, tái cơ cấu lại sản xuất, muốn được nằm trong ngành được hỗ trợ, như các ngành khác dịch vụ, dịch vụ", bà Chi nói.

Các ngân hàng cổ phần cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất cho vay, do đó cần được hỗ trợ phân loại doanh nghiệp. Với các gói vay, trong đó tập trung ưu tiên các ngành trọng yếu như du lịch, lương thực, thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận tạo điều kiện ổn định.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Việt Thắng Jeans, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may TP.HCM cũng cho hay, Việt Thắng jeans đã được giảm lãi 1,3-1,5%, hỗ trợ bởi Vietcombank và Agribank.

"Agribank đã cắt giảm tất cả chi phí để hỗ trợ chúng tôi về thanh toán và các khoản. Ngân hàng đã có sự thay đổi, đó là sự chủ động hỗ trợ doanh nghiệp bởi trước kia doanh nghiệp phải làm báo cáo để đạt các tiêu chí", ông Thắng nói. 

Tuy nhiên, theo ông Việt, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may nói chung, NHNN điều chỉnh tỷ giá giảm hỗ trợ xuất khẩu; Giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay hiện hữu xuống 2%, trong thời gian hỗ trợ lên đến 24 tháng, vì doanh thu giảm rất mạnh.

Đồng thời, ngân hàng cũng cần hỗ trợ tỷ lệ ký quỹ, giảm chi phí thanh toán xuất khẩu, hỗ trợ kéo dài vay vốn lưu động, do khách hàng không nhập hàng và giãn thời hạn thanh toán; điều chỉnh thời gian trả nợ không vượt quá 24 tháng, tạo điều kiện cơ cấu nợ, tiếp tục dự báo ảnh hưởng 6-12 tháng, sau đó doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Còn như Thông tư 01 quy định chỉ trong 12 tháng.

Đại diện liên hiệp Hợp tác xã TP.HCM, ông Trần Lâm Hồng cũng cho rằng, doanh thu sụt giảm 30% so với trước đây. Nhưng hiện nay, do yếu tố phải đảm bảo tính thiết yếu, thiết bị chống dịch nên hàng hóa tồn kho rất lớn, khẩu trang, dung dịch nước sát khuẩn theo yêu cầu của sở, ban, ngành nên tồn khoảng 400 tỷ đồng.

Theo tính toán của ông Hồng, không biết đến bao nhiêu lâu mới giải phóng được nhưng vì trách nhiệm vẫn phải làm.

Trong khi đó, ông Thái Bá Cần, Phó tổng giám đốc Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng đưa ra kiến nghị, việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cần thủ tục đơn giản, nhanh gọn hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức tại TP.HCM được xem là điển hình thành công trong nhiều năm qua, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho cả 2 phía nên NHNN đã nhân rộng hoạt động cả nước. 

Theo ông Tú, trận đại dịch vừa qua, chúng ta có sự thắng lợi và đáng tự hào chính là sự điều hành của Chỉnh phủ, sự quyết liệt của tất cả các bộ, ngành, tổ chức, chúng ta không thiệt hại về người, nhân dân được đảm bảo cao nhất.

Mục tiêu kép đặt ra là không để dịch bùng nổ, lây lan, đồng thời phải ngăn chặn câu chuyện khó khăn trong kinh tế. Ngành ngân hàng là một trong những ngành tổng hợp, là huyết mạch của nền kinh tế nên ngay từ khi dịch mới bắt đầu bùng phát công bố ngày 23/1/2020, ngành đã sớm vào cuộc chia sẻ khó khăn cùng với khách hàng.

Tuy nhiên, theo ông Tú, nguồn hỗ trợ từ phía ngân hàng không phải từ gói nào cả, mà từ sự huy động của chính các ngân hàng thương mại hiện nay, huy động từ gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán... Còn gói lãi suất từ 1% - 2% cũng là cắt giảm từ chi phí, lợi nhuận thậm chí là tiền lương của nhân viên ngân hàng.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục