Doanh nghiệp khản tiếng kêu cứu - Bài 2: Liêu xiêu trong cảnh 'trăm dâu đổ đầu'

0:00 / 0:00
0:00
Mỗi nơi áp thuế một kiểu. Nộp thuế chậm bị phạt, nhưng cơ quan thuế chậm hoàn thuế thì không ai bị xử lý. Hóa đơn của đối tác bị giải thể hoặc công ty “ma”, cơ quan thuế đẩy hết về cho doanh nghiệp đang kiểm tra phải chịu trách nhiệm.
Khu cách ly khỉ xuất khẩu của Công ty Phúc Lộc Phát bị đình chỉ vì quy định không được xây dựng trên đất nông nghiệp Khu cách ly khỉ xuất khẩu của Công ty Phúc Lộc Phát bị đình chỉ vì quy định không được xây dựng trên đất nông nghiệp

Áp thuế mỗi nơi một kiểu

Theo đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Thu Hiền, việc áp mã thuế suất ở mỗi cảng áp dụng một kiểu khác nhau, khiến doanh nghiệp “điên đầu”. Chẳng hạn, sản phẩm rong biển Hàn Quốc nhập khẩu tại TP.HCM thì áp mã 2006 do Bộ Công thương quản lý, nhưng cũng sản phẩm này, nhập khẩu tại các địa phương khác lại áp mã 2008, thuộc quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Một ví dụ nữa, Hải quan TP.HCM không thu phí soi chiếu hàng nhập khẩu theo quy định, nhưng một số địa phương khác vẫn thu.

Không riêng câu chuyện của doanh nghiệp trên, theo Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP.HCM, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% rất cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập. Đơn cử, với máy móc lĩnh vực công nghệ thông tin, điều khiển kỹ thuật số, cơ quan hải quan cho nhập với mức thuế 8%, xong lại truy thu thêm 2%. Doanh nghiệp đã nộp 10% thì không được khấu trừ, doanh nghiệp nộp 8% thì bị truy thu và bị phạt.

Không chỉ sản phẩm trên, trong kiến nghị mới đây với Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM cho rằng, cần thực hiện Luật Thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu sửa đổi một cách triệt để, không để tình trạng nhập nguyên liệu máy móc thì thuế nhập khẩu 0 - 10%, hoặc miễn thuế, trong khi thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu, linh kiện phụ tùng lên đến 15% như hiện nay.

Theo Hội Doanh nghiệp quận 10, đã có trường hợp áp mã thuế suất trước - sau khác nhau của cán bộ thuế, hải quan, đưa doanh nghiệp vào tình trạng khó xử, dẫn đến thua lỗ, giải thể.

Đó là chưa nói, theo Hội Tự động hóa TP.HCM, mức giảm 2% thuế GTGT cho doanh nghiệp của ngành tự động hóa chưa rõ ràng. Việc này khiến doanh nghiệp nhập các mặt hàng cơ khí không biết phải nộp mức thuế 8% hay 10%, dẫn tới đến nay, hồ sơ quyết toán thuế vẫn “treo ngược”.

Trăm dâu đổ vào đầu

Vấn đề bức xúc khác, theo Hội Doanh nghiệp quận 10, khi kiểm tra quyết toán thuế tại doanh nghiệp, nếu phát hiện có hóa đơn của đối tác đã giải thể hoặc công ty “ma”, thì cơ quan thuế đẩy hết về cho doanh nghiệp đang kiểm tra phải chịu trách nhiệm. Điều này là rất vô lý, bởi doanh nghiệp không thể biết trước được đối tác có thể… giải thể để mà tránh.

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ việc xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là nhu cầu chính đáng và phù hợp trình độ sản xuất hiện nay, vì vậy, Chính phủ cần bổ sung mức nghĩa vụ cho “đất nông nghiệp công nghệ cao” để người dân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hội Doanh nghiệp quận 10 cho rằng, việc cơ quan thuế không kiểm soát, xử lý được vấn nạn mua hóa đơn bất hợp pháp, mà buộc doanh nghiệp có liên quan (vô tình là đối tác) phải đóng lại số thuế từ các hóa đơn bất hợp pháp cũng rất phi logic.

“Cơ quan chức năng phải phát hiện, kịp thời cảnh báo danh sách công ty “ma” để doanh nghiệp tử tế tránh giao dịch, chứ không phải quy hết trách nhiệm cho họ”, một doanh nghiệp (xin không nêu tên) bức xúc.

Không chỉ vậy, theo Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP.HCM, tình trạng giải quyết hoàn thuế GTGT chậm rất phổ biến và kéo dài. Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp “sống mòn”, mà thậm chí lâm nguy trong bối cảnh kinh tế chung suy thoái.

Điều nghịch lý là, doanh nghiệp chậm nộp thuế thì bị xử phạt nặng, trong khi cơ quan thuế chậm hoàn thuế thì không ai xử. Đây là sự bất bình đẳng trách nhiệm giữa cơ quan thu thuế và người nộp thuế.

Không chỉ cơ quan thuế, mà lĩnh vực hải quan cũng gây bức xúc. Theo một doanh nghiệp, cán bộ hải quan buộc họ phải mang hàng mẫu xuất nhập khẩu đi tìm cơ quan kiểm tra chuyên ngành, khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, chi phí lưu hàng tại kho cảng...

Nguyên nhân bởi các ngành liên tiếp ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện khiến cán bộ thực thi nhầm lẫn (không cập nhật và nhớ hết văn bản của các ngành). Thậm chí, cán bộ buộc kiểm tra những mặt hàng không còn thuộc danh mục phải kiểm tra và sau đó không ai chịu trách nhiệm về thiệt hại của doanh nghiệp.

Thủ tục “hành là chính”

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Lập Phúc (quận 7), doanh nghiệp này ký hợp đồng thuê đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nộp thuế ổn định. Khi doanh nghiệp đổi tên, UBND TP.HCM có quyết định với yêu cầu cơ quan chức năng “có trách nhiệm cập nhật hồ sơ địa chính theo quy định”.

Oái oăm là, cơ quan thuế lại yêu cầu Công ty phải ký lại hợp đồng thuê đất và xin cấp lại “sổ đỏ” mới, không như chỉ đạo của UBND Thành phố.

Theo Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, cán bộ, công chức thừa hành ít quan tâm đến khó khăn hoặc tình trạng đóng cửa doanh nghiệp, gây mất việc làm cho người lao động. Có trường hợp lợi dụng các điều kiện quy định bất hợp lý, mức phạt cao... để làm khó doanh nghiệp.

Không chỉ riêng câu chuyện trên, theo đại diện Câu lạc bộ Tổng thư ký TP.HCM (tổ chức tự nguyện của những người làm công tác văn phòng, thư ký các hiệp hội, các hội ngành nghề, hội doanh nghiệp quận, huyện, câu lạc bộ doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM), việc tổ chức thực thi pháp luật của một số cơ quan còn kém hiệu quả, không đồng bộ, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Lĩnh vực khó khăn hiện nay là chuyển mục đích sử dụng đất, cấp sổ đỏ, sổ hồng, cấp phép xây dựng, giải phóng mặt bằng, thủ tục hoàn công xây dựng. Đặc biệt, thủ tục xin đầu tư khai thác khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dự án đầu tư còn khó hơn trước đây.

“Thành phố cần nghiên cứu thay đổi phương pháp thực hiện cải cách hành chính theo hướng giảm động tác thừa, công việc không cần làm... trong các cơ quan để tinh giản bộ máy. Hạn chế, đơn giản hóa cơ chế xử lý hồ sơ theo hội đồng, lấy ý kiến nhiều cơ quan theo kiểu chia trách nhiệm”, Câu lạc bộ nêu ý kiến với lãnh đạo TP.HCM.

Báo cáo với Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 11/2023, UBND TP.HCM cũng thừa nhận, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp còn thấp. Hồ sơ thủ tục hành chính chưa được kiểm soát, chưa đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, cũng như tỷ lệ hồ sơ quá hạn vẫn còn rất cao.

Doanh nghiệp nghề nông “đói” đất sản xuất

Sau khi TP.HCM buộc phải chấm dứt thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp theo Kết luận kiểm tra số 48/KL-KTRVB ngày 7/10/2022 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), nhiều doanh nghiệp nông nghiệp rất khốn đốn.

Điển hình, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Phúc Lộc Phát - một trong 3 doanh nghiệp của Việt Nam gây nuôi xuất khẩu khỉ đuôi dài cho nghiên cứu vắc-xin, được CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) cấp phép, có nguy cơ bị đẩy tới bờ vực phá sản.

Nguyên nhân, bởi yêu cầu của một đơn hàng lớn, Công ty đã cho lắp ráp tạm một căn nhà và cải tạo hơn 374 m2 thành khu cách ly khỉ. Nhưng vì quy định không cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp nên chính quyền địa phương cấm việc cải tạo khu vực cách ly. Tình thế dẫn tới khỉ không đạt quy định xuất khẩu, nguy cơ vỡ hợp đồng, dẫn tới mất uy tín và phá sản.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM cũng phải kêu trời tại một hội nghị đối thoại với lãnh đạo TP.HCM. Doanh nghiệp này có khoảng 3.300 ha đất nông nghiệp và rất vất vả khi xin cấp phép xây dựng công trình phụ. Thiếu đi nhà kho, nhà vệ sinh cho công nhân… khiến hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn.

Một trường hợp khác là Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Lộc (quận 12) có nhiều đất nông nghiệp, cũng gặp khó trong việc xin cấp giấy phép xây dựng nhà kính, nhà lồng, chuồng trại chăn nuôi. Điều này dẫn đến đơn vị chưa thể tổ chức sản xuất quy mô công nghệ cao, bởi các dự án này cần đầu tư hàng tỷ đồng, không thể vướng pháp lý.

Theo Hội Doanh nghiệp huyện Củ Chi, hiện nay đất nông nghiệp bị bỏ hoang rất nhiều ở ngoại thành. Vì vậy, Hội khẩn thiết đề nghị UBND TP.HCM tháo gỡ ách tắc xây dựng trên đất nông nghiệp cho doanh nghiệp; xem xét trường hợp đối với nhà tiền chế lắp dựng ở nông thôn phục vụ sản xuất.

Liên quan bức xúc về thuế, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị sửa đổi các chế tài xử phạt hành chính, hình sự đối với các hành vi mua bán trái phép hóa đơn, đảm bảo minh bạch, bình đẳng, công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh chấp hành tốt pháp luật nhà nước.

Bổ sung một số nội dung Luật Quản lý thuế quy định rõ ràng, quy định trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các hành vi gian lận trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế. Bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế đảm bảo cơ quan thuế được quyền điều tra, xác minh khi có dấu hiệu rủi ro trong quản lý thuế nói chung và hoàn thuế nói riêng. Bổ sung quy định về thanh tra trước, hoàn thuế sau đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế có tính phức tạp, rủi ro rất cao, số tiền lớn.

(Còn tiếp)

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục