Doanh nghiệp khản tiếng kêu cứu - Bài 1: Tới đâu cũng nghe bức xúc

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực tại TP.HCM cất lên nhiều tiếng than thở. Chưa khi nào, doanh nghiệp lại khốn khó đến vậy.
Doanh nghiệp thép gặp khó khăn vì TP.HCM chưa có quy hoạch kho bãi, nhà xưởng cho ngành thép. Trong ảnh: Một xưởng sản xuất thép tại TP.HCM. Doanh nghiệp thép gặp khó khăn vì TP.HCM chưa có quy hoạch kho bãi, nhà xưởng cho ngành thép. Trong ảnh: Một xưởng sản xuất thép tại TP.HCM.

Lời Tòa soạn: Từ doanh nghiệp ngành thép, vàng, quảng cáo, tới doanh nghiệp ngành y tế… đều cất tiếng kêu cứu bởi đã quá khó khăn vì kinh tế suy giảm, lại thêm khốn đốn bởi vướng mắc về thuế, hải quan, về quy hoạch, cùng những thủ tục hành chính. Gỡ nhanh cho doanh nghiệp, cũng có nghĩa sẽ tiếp thêm sức lực cho họ vượt qua giai đoạn này.

Bài 1: Tới đâu cũng nghe bức xúc

Doanh nghiệp cơ khí - điện 3 năm không nhận được tiền bù lãi đúng tiến độ nên nguy cơ phá sản hoặc bị thâu tóm. Doanh nghiệp thép “lang thang” bởi TP.HCM không có quy hoạch cho họ. Doanh nghiệp vàng nguy cơ sai bất kỳ lúc nào, còn doanh nghiệp y tế kêu trời vì thời gian đi xin giấy phép.

Doanh nghiệp thép “sống lang thang”

Tổng hợp kêu cứu của doanh nghiệp trên địa bàn, đại diện Câu lạc bộ Doanh nghiệp thép TP.HCM cho hay, Thành phố chưa có quy hoạch được kho bãi, nhà xưởng, khu vực tập trung cho ngành sắt thép. Do vậy, các doanh nghiệp thép phải tự mua đất rải rác trên tuyến quốc lộ và tỉnh lộ tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, quận 12... để đầu tư xây dựng nhà xưởng.

Ngặt nỗi, đa số đất doanh nghiệp thép mua là đất nông nghiệp chưa chuyển được sang đất sản xuất kinh doanh và đất ở. Điều này dẫn tới tình trạng, dù đã có nhà xưởng, nhưng đất chưa được chuyển mục đích sử dụng và hợp thức hóa, nên doanh nghiệp không thể thế chấp vay ngân hàng để đầu tư kinh doanh.

Có trường hợp Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thép Khương Mai (Công ty Thép Khương Mai), chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu thép xây dựng, thép chuyên dùng cho các ngành cơ khí chế tạo máy, đã được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, song lại gặp khốn khổ khác.

Luật này “đá” luật kia, làm khổ doanh nghiệp quảng cáo

Hội Quảng cáo TP.HCM nêu thực tế, hiện nay, Thành phố chưa có quy hoạch quảng cáo ngoài trời, nên tất cả các hoạt động quảng cáo ngoài trời đều gặp khó khăn vì không có cơ sở cấp phép theo quy hoạch. Trong khi đó, luật lệ liên quan lại chồng chéo, không thống nhất như: Luật Giao thông đường bộ cho phép khai thác tạm thời trong hành lang an toàn đường bộ, trong khi Luật Xây dựng lại không cho phép xây dựng công trình kiên cố trong hành lang an toàn giao thông. Tất cả những điều này khiến doanh nghiệp quảng cáo gặp khó khăn, còn cơ quan chức năng khi thực thi cũng lúng túng.

Liên quan vấn đề này, theo Sở Giao thông - Vận tải, đơn vị cũng chỉ biết ghi nhận một số bất cập trong việc lắp đặt tạm công trình quảng cáo trên đất đường bộ, hành lang an toàn đường bộ và đã có báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM xem xét.

Theo đó, Công ty Thép Khương Mai trúng đấu giá 1.798,5 m2 đất nông nghiệp trên địa bàn quận 7. Số tiền mua đấu giá là 41 tỷ đồng, vay từ ngân hàng, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả 300 triệu đồng tiền lãi.

Từ tháng 10/2019, Công ty Thép Khương Mai xin chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà xưởng. Tới cuối tháng 8/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã duyệt cho doanh nghiệp chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở đô thị.

UBND quận 7 tiếp nhận hồ sơ xin chuyển mục đích đất của doanh nghiệp, nhưng rồi liên tiếp trả lại tới… 5 lần với nhiều lý do, khi thì thiếu giấy này, lúc thiếu giấy khác. Lần cuối cùng trả hồ sơ, doanh nghiệp nhận được hồi đáp lý do là… chưa được Thành phố phê duyệt chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất của quận, nên phải chờ.

Đến tháng 10/2022, UBND TP.HCM mới phê duyệt chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất của quận 7. Tới tận tháng 2/2023, chính quyền quận 7 mới cho doanh nghiệp chuyển… 300 m2 đất ở, còn lại hơn 1.498 m2 vẫn cứ để là đất nông nghiệp.

“Việc kéo dài không cho chuyển mục đích sử dụng 1.798,5 m2 đất, rồi lại chỉ cho chuyển 300 m2 là một tổn thất lớn cho doanh nghiệp. Tại sao cơ quan chức năng không thực hiện theo nguyên tắc, khi diện tích đất đã được Thành phố phê duyệt thì quận, huyện chỉ cần căn cứ vào đó để làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất?”, đại diện Công ty Thép Khương Mai bức xúc phản ánh tới Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA).

Còn với Công ty cổ phần Thép Thủ Đức, thuê được đất sản xuất, kinh doanh, nhưng kinh tế khó khăn chung đã khiến doanh nghiệp chỉ sản xuất được 50% sản lượng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải gồng lưng trả tiền thuê đất đã tăng 3 lần từ năm 2020 tới nay.

Doanh nghiệp vàng bạc đều có thể “dính” án

Đại diện Hội Mỹ nghệ - Kim hoàn - Đá quý TP.HCM chia sẻ, doanh thu ngành mỹ nghệ - kim hoàn - đá quý Thành phố đã giảm tới 70%, nhưng sự sụt giảm này không đáng sợ bằng việc hầu hết doanh nghiệp đều có nguy cơ sai phạm dù họ muốn làm đúng.

Dự án dậm chân tại chỗ tới… 23 năm

Công ty TNHH Minh Hòa phản ánh, doanh nghiệp này được cấp dự án bến cung ứng vật liệu xây dựng và sản xuất bê tông từ khu đất do chính doanh nghiệp đầu tư, theo quy hoạch tổng thể 1/5.000 trên 2.600 ha ở Khu đô thị mới Nam Sài Gòn.

Từ năm 2011, doanh nghiệp đã lập đồ án quy hoạch 1/500 trình Ban Quản lý khu Nam, nhưng không được trình lên UBND TP.HCM. Sau đó cơ quan Thanh tra TP.HCM đã thanh tra toàn diện việc thực hiện dự án và kết luận chỉ đạo Ban Quản lý khu Nam thực hiện điều chỉnh cục bộ đồ án tỷ lệ 1/5.000 tại dự án.

Doanh nghiệp cũng đã lập đồ án tỷ lệ 1/5.000 theo yêu cầu của Ban Quản lý dự án khu Nam. Tuy nhiên, Ban Quản lý khu Nam vẫn chậm trễ, không trình UBND TP.HCM vì phải chờ xin kinh phí. Việc này dẫn tới Dự án đã 23 năm dậm chân tại chỗ, không thu hồi vốn được, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.

Nguyên nhân, theo Hội Mỹ nghệ - Kim hoàn - Đá quý TP.HCM, hiện nay đầu vào và đầu ra sản phẩm kim hoàn không minh bạch. Doanh nghiệp muốn duy trì nghề chế tác kim hoàn buộc phải mua hàng trôi nổi, gặp nhiều rủi ro.

Trong khi đó, cơ quan chức năng quản lý vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012. Nghị định đã tồn tại trên 11 năm, có nhiều bất cập và không còn phù hợp. Hội Mỹ nghệ - Kim hoàn - Đá quý TP.HCM mong muốn chấp hành đúng pháp luật, đã nhiều lần kiến nghị, nhưng chưa có thay đổi gì. Tình thế này thì khi các cơ quan chức năng vào cuộc thanh - kiểm tra, hầu hết các doanh nghiệp đều bị vướng về mặt pháp lý.

“Ngành này đóng góp ngân sách lớn, nhưng chưa được quan tâm”, đại diện Hội Mỹ nghệ - Kim hoàn - Đá quý TP.HCM phản ánh.

Doanh nghiệp cơ khí - điện trước nguy cơ phá sản

Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM (HAMEE) cho hay, Hội có 10 doanh nghiệp được UBND TP.HCM phê duyệt tham gia Chương trình Kích cầu đầu tư. Nhờ vậy, các doanh nghiệp đã vay ngân hàng để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, doanh nghiệp lại không được bù lãi vay theo đúng tiến độ của Chương trình Kích cầu đầu tư.

Sau 3 năm ròng rã, tới nay, cả 10 doanh nghiệp đã không còn khả năng trả lãi và nợ đến hạn. Tất yếu dẫn tới nợ vay ngân hàng sẽ trở thành nợ xấu, khiến doanh nghiệp rơi vào nguy cơ phá sản, hoặc bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm.

Trong khi đó, từ khi Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được thông qua, cho đến nay chưa thấy Thành phố có giải pháp cuối cùng cho các dự án kích cầu đầu tư đã được phê duyệt.

Các doanh nghiệp khẩn thiết đề nghị, trong khi chờ HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết mới về Chương trình kích cầu đầu tư, thì lãnh đạo Thành phố cần nhanh chóng có giải pháp ứng vốn bù lãi vay thì mới kịp cứu các doanh nghiệp đang mất cân đối ngoài dự kiến.

Doanh nghiệp y tế “kêu trời” khi xin giấy phép

Doanh nghiệp ngành y tế cũng gặp khó khăn không kém các ngành khác. Theo Hội Thiết bị y tế TP.HCM, doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn về tài chính để đầu tư công nghệ, tìm hiểu và kết nối với các nhà cung cấp công nghệ, nguyên liệu.

Điều bức xúc hơn, giấy phép lưu hành trang thiết bị y tế giảm thời hạn từ 2 năm xuống còn 1 năm, nhưng hồ sơ cấp phép lại được giải quyết rất chậm. Doanh nghiệp phải thường xuyên đi lại nhiều lần đến Bộ Y tế xin cấp phép, thời gian kéo dài đến 1 năm mới được giải quyết.

Từ đó dẫn tới, khi giấy phép lưu hành trang thiết bị y tế được cấp thì các nước khác đã hoàn tất việc cấp giấy phép lưu hành, do đó trang thiết bị y tế trong nước luôn lạc hậu.

Các doanh nghiệp khẩn thiết mong Bộ Y tế cải cách thủ tục, quy trình cấp phép, ứng dụng số hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi theo dõi được hồ sơ và đặc biệt nên phân cấp, phân quyền giải quyết các thủ tục hành chính nhiều hơn cho các sở y tế địa phương để rút ngắn thời gian cấp giấy phép.

Theo nguồn tin của chúng tôi, các bức xúc của doanh nghiệp đã được UBND TP.HCM giao đích danh từng sở, ngành phải giải đáp theo chuyên môn và chức năng.

(Còn tiếp)

Kinh tế đêm: bên khuyến khích, bên “trói” lại

Theo các doanh nghiệp du lịch, quy định xử lý vụ việc khách hàng trốn lại ở nước ngoài thường xác định doanh nghiệp lữ hành vi phạm vì “Để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài trái pháp luật” theo quy định tại Nghị định 45/2019/NĐ-CP, mà không xem xét tới động cơ, hành vi. Vấn đề này chỉ nên xem xét trách nhiệm doanh nghiệp lữ hành nếu khi có sự cấu kết, móc nối với đối tượng bỏ trốn.

Mặt khác, TP.HCM đang đẩy mạnh du lịch, kinh tế ban đêm, hình thành nhiều tuyến phố ẩm thực, nhưng hầu hết vẫn mang tính đặc trưng của các quốc gia khác như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà thiếu đi nét đặc trưng vùng miền của Việt Nam.

Đáng nói, theo Hội Doanh nghiệp quận 1, nhiều nhà hàng hoạt động về đêm, nhưng quy định bắt buộc đóng cửa vào lúc 24h đêm, nếu quá giờ thì bị xử phạt. Việc này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục