Nói đi nói lại mãi không xong
Cho đến thời điểm này, khi xuất hàng sang Nhật Bản, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam phải có cam kết đi kèm là không sử dụng muối i-ốt.
“Đáng ra, doanh nghiệp không cần phải làm thêm một thủ tục như vậy. Chúng tôi đã đề nghị sửa đổi gần 3 năm nay, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo sửa đổi, nhưng vẫn chưa xong”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ khi nói về những rào cản mãi không gỡ được.
Đây không phải mối lo riêng của VASEP và các hội viên. Những rắc rối mà Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đem đến cho nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm bắt nguồn từ yêu cầu muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt và tăng cường hàm lượng sắt, kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm.
Vấn đề là, i-ốt là chất dễ bị ô xy hóa, dễ bị bay hơi trong quá trình chế biến, ảnh hưởng đến màu sắc, mùi vị, cảm quan của sản phẩm sau khi chế biến. Nhiều doanh nghiệp đã tự kiểm tra và thấy, cho dù sử dụng muối i-ốt trong chế biến, nhưng thành phẩm lại không có vi chất này.
Hơn thế, yêu cầu này sẽ thay đổi quy trình sản xuất của một số ngành, làm tăng giá thành sản phẩm. Đơn cử, doanh nghiệp chế biến nước mắm theo cách truyền thống, nếu bị bắt phải dùng muối i-ốt, ngoài việc làm thay đổi cách sản xuất nước mắm là bằng muối biển tự nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải mua muối i-ốt với giá gấp 3 lần (giá muối biển tự nhiên là 800 đồng/kg; giá muối i-ốt là 2.500 đồng/kg). Đương nhiên là giá thành sản xuất nước mắm lên rất lớn, do công thức sản xuất nước mắm truyền thống là 3 cá - 1 muối...
Nhưng, vấn đề là một số thị trường lớn của ngành thực phẩm chế biến như Nhật Bản, Australia lại từ chối nhập khẩu thực phẩm có bổ sung thêm các vi chất như i-ốt, sắt, kẽm... Để tuân thủ, nhiều doanh nghiệp buộc phải tổ chức sản xuất riêng và có cam kết như trong trương hợp hàng xuất sang Nhật Bản như trên.
Đây là lý do các doanh nghiệp chế biến thực phẩm kiên trì để xuất bỏ các yêu cầu trên suốt thời gian qua.
Không chỉ điều kiện kinh doanh cây, mà còn cành, lá
Phải nhắc lại, lần gần nhất mà VASEP được Bộ Y tế mời tham gia trao đổi lên quan đến vấn đề của Nghị định 09/2016/NĐ-CP là cuối tháng 5/2019. Buổi làm việc tại Cục An toàn thực phẩm, để thảo luận về báo cáo kết quả cuộc khảo sát của Bộ Y tế về sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Nhưng với thông báo kết luận tóm tắt của nhóm khảo sát mà chúng tôi được nghe, thì cuộc khảo sát không đủ độ tin cậy, cả về tính độc lập, khách quan đối với các sản phẩm thủy sản, vì chỉ khảo sát 1 cơ sở nước mắm tại TP.HCM, không đủ tính đại diện. Không hiểu việc sửa đổi Nghị định 09 bao giờ sẽ xong”, ông Nam búc xúc.
Câu hỏi này cũng được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt ra trong các đợt rà soát độc lập của mình. Trong báo cáo tháng 6/2019 gửi Chính phủ, lần đầu tiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa khái niệm điều kiện kinh doanh cây, cành, lá mà CIEM đã sử dụng để kiểm đếm số điều kiện kinh doanh mà các bộ, ngành đang thực hiện rà soát.
Điều kiện kinh doanh mà các doanh nghiệp đang phải gánh rất rắc rối, phức tạp. Nhiều khi, cũng một quy định, nhưng lại có những nhánh nhỏ.
CIEM đã phát hiện, điều kiện kinh doanh mà các doanh nghiệp đang phải gánh thực sự rất rắc rối, phức tạp, và nhánh, lá li ti.
Tuy nhiên, phần lớn các bộ mới đang rà soát ở mức độ cây, cành, chứ chưa rà soát tới các cấp độ nhỏ hơn. “Nhiều khi, cũng một quy định, nhưng những nhánh nhỏ của điều kiện kinh doanh, chia ra các ngành, nhóm doanh nghiệp, thì tác động lại khác, nếu không làm rõ, việc sửa đổi có thể lại gây thêm rào cản lớn”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh (CIEM), người trực tiếp được giao nhiệm vụ rà soát hiện trạng điều kiện kinh doanh phân tích.
Nhưng, để giải quyết đòi hỏi của doanh nghiệp trong các nhóm ngành hàng khác nhau, thì việc rà soát, đánh giá tác động của điều kiện kinh doanh cũng như đánh giá các phương án sửa đổi phải được thực hiện trên cơ sở phân tích chi tiết các nội dung quy định hiện hành; từ đó nhận diện các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, không đạt hiệu quả quản lý để tiếp tục kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi.
Trong danh sách các điều kiện kinh doanh được bãi bỏ của một số bộ, ngành, CIEM phát hiện có những sửa đổi chỉ là câu chữ, cách diễn đạt...
“Vẫn còn nhiều dư địa để các bộ, ngành tiếp tục cải cách và cần nỗ lực cải cách thực chất hơn nữa về điều kiện kinh doanh”, bà Thảo đề xuất.
Cũng phải nhắc tới tiến độ của các công việc trên rất chậm. “Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi từ năm ngoái, trong Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhưng đến giờ vẫn chưa xong. Mặc dù, Bộ Y tế đã có hướng dẫn không kiểm tra doanh nghiệp chế biến thực phẩm đối với chỉ tiêu i-ốt, nhưng như vậy là chưa đủ. Bởi quy định bắt buộc bổ sung i-ốt trong thực phẩm vẫn còn. Doanh nghiệp cần phải biết rõ rốt cuộc quy định là thế nào để có phương án sản xuất lâu dài. Chúng tôi đã gửi kiến nghị này tới Văn phòng Chính phủ”, ông Nam nói.