Tại Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vải thiều chín sớm diễn ra tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang diễn ra ngày 27/5, đại diện một số doanh nghiệp hiến kế giải bài toán tiêu thụ vải thiều Tân Yên tại các thị trường trong và ngoài nước nhằm sớm đưa quả vải thiều lên sàn thương mại điện tử.
Ông Jose Mestre, Giám đốc Thương mại thực phẩm tươi sống (Tập đoàn Central Retail) cho biết: “Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều chín sớm, từ nhiều tháng qua, đội ngũ thu mua của Central Retail đã thường xuyên có mặt ở Bắc Giang để hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp của tỉnh về các điều kiện, thủ tục, giấy tờ đưa sản phẩm vải thiều và các nông sản chủ lực của tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị bán lẻ thực phẩm của Central Retail”.
Dự kiến, mùa vải thiều năm 2024 các siêu thị GO!, Tops Market, Mini Go! của Central Retail sẽ tiêu thụ khoảng 300 tấn vải, tương đương mùa vải năm 2023 (do ảnh hưởng thời tiết bất thường, năm nay vải thiều mất mùa, sản lượng vải dự kiến giảm một nửa so với năm trước, giá bán dự kiến tăng khoảng 40%).
Bên cạnh đó, nhằm tạo thêm giá trị gia tăng cho trái vải, Central Retail giới thiệu đến người tiêu dùng các món ăn, thức uống được chế biến từ trái vải như: Bánh bông lan phần trái vải, trà vải đào, trà vải hạt sen,… Ngoài ra, Central Retail còn đẩy mạnh hợp tác với các trang thương mại điện tử và thông qua các app GO!, Big C, Tops Market để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều trên kênh online.
Ông Jose Mestre khẳng định, sản phẩm vải thiều chín sớm Tân Yên luôn có chất lượng vượt trội, bảo đảm an toàn thực phẩm và được thị trường các nước, người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn sử dụng.
Đối với thị trường Trung Quốc, huyện Tân Yên tập trung chỉ đạo, quản lý chặt chẽ sản xuất đối với 17 mã vùng đã được thị trường Trung Quốc chấp thuận tại các xã Phúc Hòa, Liên Sơn, Hợp Đức, Tân Trung, thị trấn Cao Thượng, với tổng diện tích 856 ha, sản lượng 9.400 tấn.
Vải thiều Tân Yên chín sớm đảm bảo chất lượng vượt trội. |
Hiện tại, các siêu thị GO!, Tops Market của Central Retail trên toàn quốc đã bố trí những vị trí đẹp ngay lối vào siêu thị để trưng bày các ụ vải thiều chín sớm trông bắt mắt; tạo điểm nhấn, thu hút người tiêu dùng lựa chọn mua sắm những chùm vải đầu mùa có mẫu mã đẹp, chất lượng cao.
Vụ vải năm nay, Central Retail tiếp tục xúc tiến xuất khẩu vải thiều của tỉnh Bắc Giang sang thị trường Thái Lan thông qua hệ thống bán lẻ của tập đoàn tại Thái Lan. Đặc biệt, ngày 30/6 tới đây, Central Retail sẽ triển khai “Ngày hội trái cây” trên toàn bộ hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market trên toàn quốc, trong đó, vải thiều sẽ là một trong những sản phẩm chủ lực.
“Dù chỉ là một quả vải thiều nhỏ của Tân Yên, nhưng với sự hợp tác của toàn bộ các bộ phận nội bộ trong tập đoàn, chúng tôi sẽ đưa sản phẩm này từ miền Bắc vào đến tận miền Nam, từ Lào Cai đến Trà Vinh… Không chỉ dừng lại ở đó, chúng tôi sẽ đưa trái vải Tân Yên sang thị trường Thái Lan.”, ông Jose Mestre khẳng định.
Cũng tại hội nghị, ông Đinh Cao Điền, Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Giang, đại diện sàn thương mại điện tử Co.opmart cho biết, thời gian qua việc hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang trên sàn thương mại buudien.vn đã thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là vải thiều.
Theo ông Điền, việc hợp tác với sàn thương mại điện tử không chỉ giúp nông dân tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng mà còn mở rộng thị trường, đưa sản phẩm của Bắc Giang vươn xa hơn ra các tỉnh thành khác trong cả nước, thậm chí xuất khẩu ra quốc tế.
“Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho nông dân từ khâu thu hoạch, đóng gói, cho đến vận chuyển. Buudien.vn sẽ đồng hành cùng bà con nông dân để đảm bảo sản phẩm của họ được tiêu thụ kịp thời và đạt giá trị cao nhất. Đồng thời, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường”, ông Điền nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Chí, Phó giám đốc kinh doanh, đại diện sàn thương mại điện tử Alibaba.com tại Việt Nam. |
Bà Nguyễn Thị Chí, Phó giám đốc kinh doanh, đại diện sàn thương mại điện tử Alibaba.com tại Việt Nam khẳng định Alibaba sẽ mang đến nhiều giải pháp mới cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp khu vực Bắc Giang đem sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Bà Chí chỉ ra khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải là do họ chỉ tập trung vào mô hình truyền thống, cụ thể tỉnh Bắc Giang chỉ xuất khẩu theo đường bộ và chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ có một số ít sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản nhưng chưa thực sự mang lại con số đáng mơ ước.
Tiếp đến là thiếu nhân sự vận hành nên không biết xây dựng một sàn thương mại điện tử thế nào, đưa sản phẩm lên ra sao, hình thức vận chuyển và thanh toán qua hình thức nào để đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp.
Đại diện sàn thương mại điện tử Alibaba.com tại Việt Nam khẳng định có thể giải quyết vấn đề này. “Thứ nhất, khi đưa sản phẩm vải thiều Bắc Giang lên sàn thương mại điện tử Alibaba, đơn vị sẽ xây dựng nền tảng, thương hiệu của Bắc Giang trên toàn cầu.
Thứ hai, Alibaba cam kết thu hút khách hàng đến từ hơn 200 quốc gia trên toàn cầu để họ tìm hiểu về các sản phẩm vải thiều của Bắc Giang. Thứ ba, khi khách hàng có nhu cầu về sản phẩm vải thiều và để lại thông tin, chúng tôi sẽ hỗ trợ kết nối khách hàng đó với doanh nghiệp. Thứ tư, khi doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh toán, chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ rủi ro cho doanh nghiệp theo cách tối ưu nhất.”, bà Chí nêu rõ.
Dưới góc độ là công ty lữ hành, ông Trần Quốc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết, những năm gần đây, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên trồng vải sớm rất hiệu quả, năng suất cao, được xuất khẩu quốc tế và tiêu thụ mạnh mẽ trong nước.
Cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm nay sẽ xây dựng thêm một số tour du lịch miệt vườn, ví dụ như tham quan trải nghiệm vườn vải sớm Tân Yên. Hiện nay đã xây dựng một số tour, tuyến khoảng 2 ngày như: thăm khu vườn vải thiều Tân Yên; thăm vườn sâm Nam núi Dành; thăm di tích xóm Điều và kết hợp với khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám.
“Từ những sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiềm năng của huyện kết hợp với tour du lịch, chúng tôi mong rằng Tân Yên sẽ có cơ hội quảng bá sâu rộng hình ảnh, thương hiệu của quả vải thiều tới du khách trong và ngoài nước.”, ông Dũng cho hay.
Tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, thời gian tới UBND huyện sẽ phối hợp với Sở Công Thương, các đơn vị liên quan xây dựng phương án tiêu thụ trong và ngoài nước. Cùng với đó xây dựng các tour du lịch, tổ chức chương trình kích cầu, ưu đãi, quà tặng tri ân nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm vải thiều trên các sàn thương mại điện tử.