MẠNG LƯỚI FTA TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC TỚI XUẤT KHẨU
Lần đầu tiên, quy mô ngoại thương của Việt Nam chạm mốc 800 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khoảng 403 tỷ USD, xuất siêu 23 tỷ USD. Ông bình luận thế nào về những con số này?
Sau sự sụt giảm trong hoạt động xuất nhập khẩu của năm 2023, Việt Nam đứng trước nhiều thách thức trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu năm 2024. Thách thức đó càng phức tạp hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2024 có nhiều yếu tố không thuận, trong đó xung đột diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực, căng thẳng thương mại, xu hướng thắt chặt tiền tệ trong thời gian dài hơn dự kiến ở Mỹ và một số nước phát triển…
Trong bối cảnh ấy, kết quả xuất nhập khẩu mà Việt Nam đạt được là rất tích cực, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều tăng trưởng. Đáng lưu ý, khu vực doanh nghiệp trong nước đạt mức tăng trưởng tới 19,8% trong 11 tháng của năm 2024 (so với cùng kỳ năm 2023), cao hơn so với khu vực FDI với mức tăng tương ứng là 12,6%. Điều đó cho thấy, dù doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thích ứng với các xu hướng mới của thị trường.
Xuất siêu cả năm 2024 có thể đạt 23 tỷ USD. Cùng với gia tăng dòng vốn FDI, kết quả xuất siêu đã góp phần tạo ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Dấu ấn hội nhập kinh tế quốc tế trong năm qua không thể không nhắc tới sự kiện Việt Nam - UAE ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA), đưa tổng số FTA ký kết của nước ta lên con số 17. Đánh giá của ông về những nỗ lực đàm phán, ký kết các FTA của Chính phủ, các bộ, ngành, tiếp sức cho công cuộc phát triển kinh tế, cải cách thể chế?
Năm 2024 đã chứng kiến những nỗ lực quan trọng của Việt Nam trong việc đàm phán, ký kết các FTA, mà CEPA là một ví dụ điển hình. CEPA có thể giúp mở rộng cánh cửa cho các sản phẩm Halal (sản phẩm đạt yêu cầu của thị trường Hồi giáo) của Việt Nam thâm nhập thị trường UAE. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhìn nhận tầm quan trọng của việc Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Vương quốc Anh vào tháng 6/2024.
Mạng lưới FTA đã giúp các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp FDI, có thêm cơ hội và sự lựa chọn để gia tăng xuất khẩu, qua đó đóng góp vào “cỗ xe tam mã” cho tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, Việt Nam cũng thu hút được sự quan tâm đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh họ cần đa dạng hóa địa điểm sản xuất để giảm thiểu tác động từ chiến tranh thương mại - công nghệ, gián đoạn chuỗi cung ứng...
|
Nâng cao chất lượng, tận dụng tốt ưu đãi từ các FTA sẽ giúp hàng hóa Việt Nam giữ vững thị trường xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh |
ĐẦU TƯ CHO CHẤT LƯỢNG LÀ SỰ LỰA CHỌN KHÔN NGOAN
Hiện nhiều quốc gia trong khu vực cũng đàm phán FTA với EU, Canada… có nghĩa là hàng Việt sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn tại các thị trường mà chúng ta vẫn được coi là có lợi thế nhờ FTA. Làm sao để vẫn duy trì được lợi thế của “người đi trước”, thưa ông?
Các FTA có thể mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp, trong đó có lợi thế từ thuế quan ưu đãi. Khi trao đổi với doanh nghiệp, tôi thường nhấn mạnh, lợi thế được duy trì trong ngắn hay dài hạn phụ thuộc chủ yếu vào cách tiếp cận của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp chỉ tập trung khai thác lợi thế từ cạnh tranh về giá khi được hưởng thuế quan ưu đãi vào thị trường đối tác FTA, dù được lợi ngay, nhưng có thể sẽ gặp rủi ro về dài hạn khi thị trường này nâng cao tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa hoặc bổ sung các quy định phi thuế quan, hoặc có thêm các nhà cung ứng trong cùng phân khúc.
Vì thế, cách khôn ngoan là gia tăng đầu tư vào chất lượng hàng hóa để đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn, để bán với mức giá tương đương với mức khi chưa được ưu đãi thuế quan. Làm được như vậy, doanh nghiệp sẽ chuyển lợi thế của “người đi trước nhờ FTA sớm” thành lợi thế dài hạn của “người đi trước nhờ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao hơn”.
Xuất khẩu tăng tốc, nhưng khối FDI vẫn chiếm tới 73% và vẫn phụ thuộc vào một số thị trường lớn. Rõ ràng, cần có giải pháp để thúc đẩy sự trưởng thành của khu vực trong nước. Theo ông, cần khơi thông những điểm nghẽn cố hữu gì để doanh nghiệp nội bứt phá nhanh hơn?
Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chương trình, sáng kiến để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Tiêu biểu, Bộ Công thương và Samsung Việt Nam phối hợp thực hiện các dự án hỗ trợ và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt kể từ năm 2015, qua đó giúp tăng đáng kể số lượng nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2.
Dù vậy, Việt Nam cần những giải pháp mạnh mẽ và có trọng tâm để doanh nghiệp Việt vươn lên đảm nhận các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Theo tôi, cần có ba giải pháp.
Thứ nhất, sớm cụ thể hóa chính sách công nghiệp quốc gia và tổ chức thực hiện đủ hiệu quả, qua đó giúp củng cố năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thứ hai, tập trung xây dựng các thương hiệu mạnh của quốc gia, gắn với phát triển đa dạng hóa sản phẩm, thường xuyên đổi mới để tăng sự hấp dẫn và thích ứng với các xu hướng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh). Nhà nước tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trên thị trường quốc tế để tránh bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký trước. Mạnh dạn xây dựng khung pháp lý cho thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới (kinh tế tuần hoàn) cũng sẽ giúp khơi dậy tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ ba, các cơ quan, địa phương cần chủ động “xúc tác” cho mối quan hệ hợp tác lành mạnh giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
Ông từng nhận xét, cùng với quy mô xuất khẩu lớn dần, bài toán cốt lõi là phải nâng được chất lượng. Hiện nay, khi các thị trường nhập khẩu lớn tiếp tục nâng tiêu chuẩn với hàng nhập khẩu, yêu cầu cao về kinh tế tuần hoàn, cắt giảm phát thải, công nghệ sản xuất… ông có lo ngại doanh nghiệp Việt bị “đuối” trong cuộc đua này?
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), ông Klaus Martin Schwab từng nhận định: “Trong thế giới mới, không phải cá lớn nuốt cá bé, mà là cá nhanh nuốt cá chậm”. Tôi rất tán thành nhận định này.
Đối với doanh nghiệp, cạnh tranh và thích ứng với bối cảnh, yêu cầu mới luôn là yêu cầu thường trực. Các xu hướng mới về quy định phát triển bền vững và tiêu chuẩn giảm phát thải ở các thị trường có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp nếu họ không kịp thời tìm hiểu, điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Cần lưu ý, các xu hướng này cũng ảnh hưởng đến cả các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp đã bỏ nhiều vốn đầu tư và/hoặc đang khai thác tốt lợi thế theo các tiêu chuẩn, quy định cũ. Chính ở đây, tôi hy vọng rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ giữ tâm thế tích cực, hành động đủ nhanh, với chiến lược kinh doanh phù hợp để thích ứng với cuộc đua mới.
Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp đang lo ngại về xuất khẩu sang các thị trường lớn, nhất là Mỹ trong năm 2025 và những năm tới sẽ khó hơn bởi các biện pháp phòng vệ thương mại. Thưa ông, trong bối cảnh nhiều ngành hàng của ta tuy có kim ngạch xuất khẩu lớn, song tỷ trọng tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị lại thấp, làm sao để “né” được các biện pháp phòng vệ thương mại, duy trì xuất khẩu bền vững?
Năm 2025 dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức từ thị trường quốc tế, trong đó có các kịch bản khác nhau liên quan đến việc sử dụng công cụ thuế nhập khẩu ở Mỹ, điều chỉnh chính sách ứng phó ở các thị trường chủ chốt khác… Dù vậy, cũng có không ít cơ hội đối với xuất khẩu. Nếu tiếp tục tạo cơ hội cho doanh nghiệp khai thác các thị trường mới, các thị trường ngách (thông qua các FTA) kết hợp với các giải pháp mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, Việt Nam có thể tự tin hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 2 con số trong năm 2025.
Để hoạt động xuất khẩu có chất lượng hơn, theo tôi cần cân nhắc một số yêu cầu, định hướng.
Thứ nhất, tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo sát nhu cầu của các thị trường nhập khẩu, cùng với các quy định mới, quy định sắp có hiệu lực có thể ảnh hưởng đến hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trên cơ sở đó, cập nhật thông tin, hướng dẫn cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp, kịp thời.
Thứ hai, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng và hoạt động xuất khẩu nói chung. Rà soát, đánh giá và hoàn thiện các điều kiện về pháp lý và hạ tầng, tạo thuận lợi thương mại.
Thứ ba, nhanh chóng cụ thể hóa các tư duy, sáng kiến mới liên quan đến xuất khẩu như khu thương mại tự do, chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics...; cải thiện năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp.
Thứ tư, thường xuyên trao đổi, đối thoại với các đối tác để củng cố niềm tin, tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại một cách minh bạch, ít gián đoạn trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên.