Doanh nghiệp giảm sản xuất, dân ít đi lại, Dung Quất và Nghi Sơn tồn kho lớn

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đang chủ động điều tiết giảm công suất hoạt động, nhưng mức độ tồn kho vẫn cao và có nguy cơ phải dừng hoạt động.
Đường phố rất ít người tham gia giao thông sáng ngày 23/8 tại TP.HCM. Ảnh VNE Đường phố rất ít người tham gia giao thông sáng ngày 23/8 tại TP.HCM. Ảnh VNE

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét cho chủ trương ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước để đảm bảo cân đối cung cầu thị trường trong nước, giảm thiểu nguồn nhập khẩu xăng dầu, nhằm hỗ trợ ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của các nhà máy lọc dầu trong nước.

Đề nghị này xuất phát từ thực tế tiêu thụ xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bị chững lại và đi xuống khi nhu cầu tiêu thụ tại thị trường trong nước bị giảm sút mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh gần đây.

Với thực tế số ca nhiễm tăng cao, lan rộng hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và đang diễn biến phức tạp hơn các đợt dịch trước, với thời gian kéo dài đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế xã hội. Các tỉnh phía Nam và các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đã áp dụng các biện pháp mạnh để kiểm soát dịch bệnh từ đầu tháng 7 và đang tiếp tục kéo dài, khiến cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu nội địa sụt giảm mạnh và dự kiến sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuối năm.

Việc thị trường giảm sức mua do người dân nhiều địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và nhiều doanh nghiệp tại các vùng trọng điểm kinh tế ở phía Nam tạm dừng sản xuất hoặc giảm hoạt động xuống dưới 50% so với mức công suất thường ngày khiến xăng dầu bị ế.

Điều này khiến các thương nhân đầu mối đã giảm/dừng nhận hàng tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với khối lượng rất lớn. Riêng tháng 7/2021 là khoảng 230.000 m3. Tiếp đó, các thương nhân lại giãn lịch nhận hàng nên tồn kho của Nhà máy tiếp tục tăng nhanh.

Dự kiến lượng hàng nhận trong tháng 8/2021 chỉ là khoảng 50-60% sản lượng của hợp đồng dài hạn, thậm chí, nhiều thương nhân đầu mối không có kế hoạch nhận hàng.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Điều này khiến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bị tăng tồn kho khoảng 200.000 m3 sản phẩm xăng dầu (tương đương với 1,2 triệu thùng) và trên 400.000 m3 dầu thô (tương đương 2,4 triệu thùng).

Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) cũng đã giảm dần công suất xuống còn 98% và tiếp đó từ ngày 3/8/2021 giảm xuống mức 90% - là mức công suất kỹ thuật tối thiểu.

Đồng thời, BSR cũng đã tiến hành gửi kho 25.000 m3 xăng RON 95 và có kế hoạch gửi thêm 100.000 - 120.000 m3 trong tháng 8 này để đảm bảo duy trì vận hành Nhà máy.

Việc giảm tiêu thụ này không chỉ làm giảm hiệu quả kinh tế do phải giảm công suất nhà máy mà còn khiến doanh nghiệp đối diện với rủi ro không còn sức tồn chứa, dù đã phải đưa hàng đi gửi đối tác cũng như do hệ thống kho trên thị trường đã đầy.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, trước tình hình dịch bệnh tiếp tục có diễn biến phức tạp và việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại nhiều tỉnh, thành phố lớn khiến tình hình kinh doanh các sản phẩm xăng dầu của Petrolimex sụt giảm nghiêm trọng, cụ thể sản lượng tiêu thụ mặt hàng xăng E5 RON92 và dầu DO 0,05% bằng khoảng 50% so với bình quân cùng thời điểm tháng 6 năm 2021; mặt hàng xăng RON95 bằng khoảng 30% so với bình quân cùng thời điểm tháng 6 năm 2021 và tiếp tục giảm nếu các địa phương kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Tình hình sụt giảm tiêu thụ xăng dầu của thị trường nội địa khiến Petrolimex buộc phải hạn chế tiếp nhận xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu, dừng nhập khẩu các mặt hàng mà 02 nhà máy lọc dầu trong nước sản xuất được do tồn kho tăng cao.

Thực tế này khiến các nhà máy lọc dầu đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động do không còn chỗ chứa hàng nếu tình hình tiêu thụ xăng dầu vẫn ở mức thấp như hiện do dịch bệnh tại nhiều địa phương vẫn chưa được kiểm soát và đẩy lùi.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục