Doanh nghiệp giải trình sơ sài do luật không có quy định?

(ĐTCK) Tôi thấy nhiều công ty giải trình nguyên nhân biến động kết quả kinh doanh rất sơ sài. Chẳng hạn, lợi nhuận quý này giảm so với cùng kỳ năm trước là do doanh thu giảm, chi phí tăng. Nhìn báo cáo kết quả kinh doanh, ai mà chẳng thấy như vậy. Cái nhà đầu tư cần là tại sao doanh thu giảm, tại sao chi phí tăng? Phải chăng, giải trình sơ sài như trên là do pháp luật không có quy định cụ thể, hay công ty không muốn chia sẻ lý do?
Doanh nghiệp giải trình sơ sài do luật không có quy định?

Ông Phạm Văn Thượng, Chuyên viên Tư vấn quản trị doanh nghiệp CTCP Chứng khoán FPT:

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 11, Thông tư 155/2015/TT-BTC, khi công ty đại chúng quy mô lớn, tổ chức niêm yết công bố báo cáo tài chính quý, bán niên soát xét, năm kiểm toán theo thời hạn tại khoản 1, 2, 3 Điều này phải đồng thời giải trình nguyên nhân khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của kỳ công bố thay đổi từ 10% trở lên so với báo cáo cùng kỳ năm trước;

b) Lợi nhuận sau thuế trong kỳ báo cáo bị lỗ; hoặc chuyển từ lãi ở kỳ trước sang lỗ ở kỳ này hoặc ngược lại;

c) Số liệu, kết quả hoạt động kinh doanh lũy kế từ đầu năm tại báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong báo cáo tài chính quý II đã công bố so với báo cáo tài chính bán niên được soát xét; hoặc tại báo cáo tài chính quý IV đã công bố so với báo cáo tài chính năm được kiểm toán có sự chênh lệch từ 5% trở lên; hoặc chuyển từ lỗ sang lãi hoặc ngược lại;

d) Số liệu, kết quả hoạt động kinh doanh tại báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo có sự chênh lệch trước và sau kiểm toán hoặc soát xét từ 5% trở lên.

Như vậy, công ty đại chúng quy mô lớn và tổ chức niêm yết phải giải trình nguyên nhân gây ra một trong các biến động nêu trên. Luật không quy định cụ thể các công ty phải giải trình thế nào, tuy nhiên qua giải trình, cổ đông cũng có thể đánh giá được phần nào chất lượng công bố thông tin, quản trị công ty của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhà đầu tư, cổ đông để đảm bảo quyền lợi của mình có thể liên hệ trực tiếp tới công ty (cán bộ phụ trách công bố thông tin, người đại diện theo pháp luật, hội đồng quản trị) yêu cầu giải trình chi tiết hơn, hoặc tham khảo thêm báo cáo phân tích doanh nghiệp của các công ty chứng khoán, các nguồn khác (nếu có) để nắm rõ hơn tình hình của doanh nghiệp, từ đó cân nhắc quyết định đầu tư của mình vào doanh nghiệp cho phù hợp.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục