Giải trình về tình trạng cổ phiếu ACM giảm sàn liên tục trong những ngày qua, CTCP Tập đoàn khoáng sản Á Cường (mã ACM) cho biết, nguyên nhân là do một số trang mạng đưa tin về việc xả thải trực tiếp ra môi trường của nhà máy thuộc ACM, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của các cổ đông, nhà đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Theo ACM, Công ty vẫn đang thực hiện quy trình xử lý nước thải theo đúng quy trình và tiêu chuẩn, nên không có chuyện đưa nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất đã xảy ra sự cố rò rỉ tại thân đập bể lắng, nên nước thải theo mạch nứt rò rỉ ra ngoài môi trường và Công ty đã tạm dừng hoạt động sản xuất để khắc phục sự cố này.
Được biết, UBND tỉnh Bắc Giang mới có công văn yêu cầu ACM dừng ngay các hoạt động sản xuất, tránh gây thêm ảnh hưởng xấu đến môi trường tại địa phương. Trong khi đó, ACM cũng có thông báo dời ngày thanh toán 2,5% cổ tức đợt 1/2015 từ ngày 12/7 sang ngày 29/7 do Công ty đang gặp một số lý do bất khả kháng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất-kinh doanh.
Một thông tin đáng chú ý khác là ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACM trong thời gian từ 13/7-20/7 đã bị bán giải chấp 4,99 triệu cổ phiếu ACM và giảm sở hữu từ 19,61% xuống còn 9,81% (tương đương 5 triệu cổ phiếu). Gần như đồng thời, từ 15/7-20/7, hai ủy viên HĐQT ACM là ông Phạm Văn Tiến và ông Nguyễn Văn Hiền cũng bị bán giải chấp tổng cộng hơn 430.000 cổ phiếu.
Trước đó, cổ phiếu DRH của CTCP Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước cũng có những diễn biến giật cục khi tăng trần liên tục vài phiên, sau đó lại giảm sàn vài phiên liên tiếp. Do liên tục giảm từ 19/7-26/7, trong đó có 5 phiên giảm sàn từ 20/7-26/7, giá cổ phiếu DRH đã “bốc hơi” khoảng 30% giá trị. Theo giải trình của DRH, Công ty cũng như các thành viên Ban lãnh đạo, những cá nhân, tổ chức liên quan đều không có phát sinh sự việc hoặc giao dịch nào gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và cổ phiếu của Công ty. DRH cho biết thêm, Công ty đã triển khai những dự án bất động sản tiềm năng nên tự tin vào kết quả kinh doanh 2 quý cuối năm.
Trên thực tế, không có quy định cụ thể nào về giải trình của DN. Có nhiều nguyên nhân khiến DN phải giải trình, nhưng việc giải trình liên quan đến giá cổ phiếu tăng trần/giảm sàn liên tục trong nhiều phiên thường là để… cho có, bởi các lý do được đưa ra theo kiểu “vô thưởng, vô phạt” như: do thị trường và nhà đầu tư tự định giá, do diễn biến chung của thị trường, ngoài tầm kiểm soát của Công ty.... Thậm chí, có DN còn chưa kịp tìm ra lý do vì sao cổ phiếu tăng trần, thì đã phải đi tìm nguyên nhân cổ phiếu giảm sàn.
Liên quan đến vấn đề chất lượng giải trình của DN, rất khó để định nghĩa DN giải trình như thế nào là hợp lý. Theo quy định, khi nhận được bản giải trình của DN, hai Sở GDCK sẽ kiểm tra xem những thông tin đó có sai sót cơ bản như có sai sự thật hay sai về mặt số liệu hay không, sau đó sẽ phải công bố trên website của các Sở để nhà đầu tư có thể tham khảo. Làm thế nào để nâng cấp chất lượng giải trình của DN hiện nay vẫn là một câu hỏi ngỏ. Có lẽ, câu trả lời chỉ đến từ sự trung thực, minh bạch của DN.