Doanh nghiệp giải thể, nợ ngân hàng tính sao?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty Hưng Quỳnh bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, phải giải thể trong khi còn nợ ngân hàng. Viện kiểm sát nói không, song tòa buộc cổ đông sáng lập phải liên đới trả nợ.
Doanh nghiệp giải thể, nợ ngân hàng tính sao?

Vừa qua, TAND tỉnh Hải Phòng xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa CTCP Thương mại và Đầu tư Hưng Quỳnh và Ngân hàng VietinBank.

Chưa dứt nợ, doanh nghiệp bị giải thể

Theo hồ sơ, năm 2011, Công ty Hưng Quỳnh vay vốn ngân hàng 85 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Đảm bảo cho khoản vay trên, Công ty thế chấp nhà đất, xe ô tô, xe cần trục, xe cần cẩu, hàng hóa là sắt thép.

Do công ty vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên ngân hàng khởi kiện ra tòa án, buộc Công ty Hưng Quỳnh trả nợ gốc và lãi gần 88 tỷ đồng.

Quá trình tố tụng, Công ty đã trả 69,7 tỷ đồng. Đến nay, ngân hàng còn yêu cầu công ty này trả nợ gốc và lãi còn lại là 45,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, khoản nợ trên chưa được giải quyết thì năm 2017, Công ty Hưng Quỳnh bị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Căn cứ theo quy định pháp luật, ngân hàng đề nghị tòa án buộc công ty cùng 4 thành viên HĐQT phải liên đới chịu trách nhiệm nợ ngân hàng.

Tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu trên của ngân hàng. Viện kiểm sát kháng nghị cho rằng, tòa buộc các cổ đông phải liên đới trả nợ là không có căn cứ.

Cổ đông sáng lập phải liên đới trả nợ

Khi xem xét, tòa phúc thẩm cho rằng, theo điểm d, khoản 1, Điều 201, Luật Doanh nghiệp 2015 thì doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Khoản 3, Điều 203, Luật Doanh nghiệp quy định, khi tiến hành giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện việc thanh toán các khoản nợ. Nhưng kể từ khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Công ty Hưng Quỳnh chưa làm thủ tục giải thể và chưa thực hiện việc thanh toán nợ. Do đó, Công ty Hưng Quỳnh phải có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ cho ngân hàng.

Khoản 2, Điều 201, Luật Doanh nghiệp 2015 quy định, người quản lý có liên quan và doanh nghiệp bị thu hồi Giấy đăng ký kinh doanh liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp. Nếu tài sản của công ty không đủ để thanh toán, những người quản lý có liên quan và công ty phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ.

Theo khoản 18, Điều 4, Luật Doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm… Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch theo quy định tại Điều lệ Công ty.

Do đó, Tòa phúc thẩm xác định 4 cá nhân nói trên có trách nhiệm liên đới với Công ty Hưng Quỳnh thực hiện nghĩa vụ trả nợ là có căn cứ.

Theo điểm c, khoản 1, Điều 110, Luật Doanh nghiệp, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Tòa án xác định, Công ty Hưng Quỳnh phải thanh toán trả nợ trước. Khi công ty đã bán hết tài sản và không còn khả năng trả nợ thì các cổ đông góp vốn mới phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với khoản nợ còn lại tương ứng với phần trăm tỷ lệ góp vốn.

Cụ thể, Công ty Hưng Quỳnh phải trả cho VietinBank số tiền nợ gốc và lãi là 45,6 tỷ đồng. Trường hợp Công ty Hưng Quỳnh không trả được nợ, ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự phát mại toàn bộ tài sản thế chấp để xử lý nợ, bao gồm tài sản gắn liền với đất đã có và sẽ có, quyền thụ hưởng tiền bồi thường quyền sử dụng đất (nếu có) trên diện tích 71.157 m2 tại huyện An Dương, TP. Hải Phòng vốn được sử dụng xây dựng Trung tâm Du lịch sinh thái, sinh vật cảnh, khu vui chơi giải trí.

Trường hợp xử lý tài sản bảo đảm nói trên không đủ trả nợ, 4 cổ đông sáng lập phải liên đới trả số tiền còn nợ theo tỷ lệ góp vốn.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục