Doanh nghiệp gia đình: Ba câu hỏi phải trả lời trước khi chuyển giao thế hệ

Các doanh nghiệp gia đình nếu muốn phát triển bền vững không nên nhăm nhăm bắt con cái ngồi vào vị trí quản lý cấp cao.
Các thành viên Hội đồng doanh nghiệp gia đình Việt Nam tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp gia đình Việt Nam 2019 với chủ đề Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công Các thành viên Hội đồng doanh nghiệp gia đình Việt Nam tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp gia đình Việt Nam 2019 với chủ đề Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công

Câu hỏi thứ nhất, công ty có muốn thực thi các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp không?

“Đây là câu hỏi mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó trả lời”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích dựa trên những quan sát thực tiễn.

Ông Hiểu kể, đúng 1 năm trước, cũng tại buổi nói chuyện về doanh nghiệp gia đình do Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam tổ chức, một nữ doanh  nhân ở Nam Định đứng lên nói về sự thiệt hại khi khách hàng bắt đầu từ bỏ công ty, nhân viên bắt đầu có xu hướng không muốn làm việc trong công ty.

“Họ nói, công ty này của gia đình của hai vợ chồng chị ấy, nếu chẳng có gì để đảm bảo cho lợi ích của khách hàng hay người lao động cả. Hỏi sâu xa ra, thì ra công ty hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nhưng người chồng quản trị tất cả vấn đề trong hàng rào, vợ lo việc ngoài hàng rào. Họ không biết đến khái niệm đại hội đồng cổ đông là gì, không biết HĐQT là gì…”, ông Hiểu kể lại câu chuyện.

Vấn đề ở chỗ, khi được tư vấn thực hiện quản trị theo chuẩn mực, có thể tách sở hữu gia đình ra khỏi công ty, thậm chí vợ chồng có thể vẫn là cổ đông lớn nhưng không tham gia vào quản trị, điều hành…, vị nữ doanh nhân nói không thể như thế được, vì khó giao tài sản cho người ngoài, không thể tin ai ngoài người trong gia đình.

“Rất nhiều ông chủ doanh nghiệp nghĩ như vậy và hành động như vậy. Họ quyết tất cả mọi việc, coi những người có tư duy, cách thức khác với họ là không đúng, nên sẽ không thể nói đến việc chuyển giao. Nhưng tôi cũng đã nói, họ phải nghĩ tới lúc họ có thể không đủ sức khỏe, có thể vì lý do gì đó không thể tham gia vào công việc, lúc đó, việc tồn tại của doanh nghiệp còn khó chứ chưa nói đến chuyển giao”, ông Hiếu chia sẻ quan điểm.

Câu hỏi thứ hai, trong gia đình, con cái và cha mẹ có thực sự nói chuyện được với nhau không?

Hình ảnh hai cha con không hề nói chuyện với nhau, cho đến khi đối tác xuất hiện mà ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ doanh nghiệp tư nhân của Deloitte Việt Nam kể lại mang đến nhiều hàm ý.

“Nếu hai cha con không thể nói chuyện, chia sẻ với nhau, kế hoạch chuyển giao chưa nên đặt ra, nếu không muốn là không thể đặt ra”, ông Minh chia sẻ quan điểm.

Trong khá nhiều trường hợp, những người sáng lập thường rơi vào suy nghĩ vì thành quả của mình lớn, nên ôm đồm, quyết hết, không lắng nghe ý kiến của con cái – những người đang được cho là sẽ kế nghiệp trong tương lai.

Trong khi đó, thế hệ F2 hiện nay phần lớn được sinh ra trong những năm 80- 90 của thế kỷ trước, được gia đình đầu tư vào học hành, có cơ hội du nhập kiến thức từ nước ngoài, nên có đặc tính thích sự linh hoạt và cảm tính, sáng tạo. Sự khác biệt trong suy nghĩ của hai thế hệ này là tất yếu.

“Trong quản trị doanh nghiệp, tầm nhìn, chiến lược phù hợp với xu thế phát triển sẽ thắng, chứ không phải là F1 hay F2 đúng. Nếu các ông chủ doanh nghiệp gia đình hướng hoạt động của công ty tới lợi ích của xã hội, thì cần sự chia sẻ, thấu hiểu các thế hệ kế nghiệp. Nhiều khi sự thành công trong chuyển giao thế hệ trong công ty bắt đầu từ những cuộc nói chuyện thẳng thắn, không ngần ngại giữa những người trong gia đình”, ông Minh tư vấn.

Câu hỏi thứ ba, con cái có thực sự đủ điều kiện trở thành người quản lý cấp cao?

Trong rất nhiều cuộc tranh luận về chuyển giao thế hệ, nhiều người chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để đặt con cái vào vị trí quản lý cao cấp và quan trọng trong công ty.

Thậm chí, bà Vũ Thị Mai, Tổng giám đốc Công ty đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai cảm thấy bất lực khi đã tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao cho con trai, nhưng lại không thấy được ở con cái sự nhiệt huyết, tình yêu nghề mà bố mẹ đang làm. “Tôi muốn hỏi làm thế nào để truyền được điều đó cho các con”, bà Mai nói.

Nhưng, câu hỏi con cái có thực sự mong muốn làm điều đó không, có đủ điều kiện để trở thành người quản lý cấp cao không lại chưa được đặt ra một cách thẳng thắn.

Khác với những người khởi nghiệp tự thân, có thể chỉ có vài chục, vài trăm triệu khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, thế hệ kế nghiệp thường phải đối mặt với áp lực lớn từ chính khối tài sản hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, ở nhiều lĩnh vực mà cha mẹ đã làm ra, hy vọng họ sẽ là người phát triển. Trên thực tế, đã có doanh nghiệp trở nên lao đao khi người kế nghiệp không đủ sức gánh vác giang sơn của gia đình.

Với vai trò là chuyên gia về quản trị doanh nghiệp, ông Hiếu cho rằng, việc lựa chọn người quản lý trong doanh nghiệp cũng phải tuân thủ các chuẩn mực về quản trị.

“Các ông chủ nếu muốn thế hệ thứ hai vào điều hành trong công ty thì phải thực sự chọn được người có năng lực. Nếu trong số thế hệ thứ hai không đủ năng lực theo yêu cầu của công ty thì nên để chúng ở vai trò cổ đông, và tìm người quản lý thực sự tốt cho công ty”, ông Hiếu nói.

Trong quản trị tốt, sự tách bạch được sở hữu và điều hành công ty sẽ làm cho doanh nghiệp phát triển lâu dài.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục