Doanh nghiệp FDI, những vấn đề nổi cộm

(ĐTCK-online) Kết quả điều tra của Dự án hỗ trợ phân tích chính sách tài chính và Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho thấy một thực trạng đáng quan tâm về tình hình của các DN FDI.
Để khối DN FDI đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế, cần nhiều hơn các đơn vị hoạt động tốt như Toyota, Honda... Để khối DN FDI đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế, cần nhiều hơn các đơn vị hoạt động tốt như Toyota, Honda...

Nhóm tư vấn chính sách thuộc "Dự án hỗ trợ phân tích chính sách tài chính (Bộ Tài chính) và Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam" vừa kết thúc cuộc điều tra thực trạng hoạt động và tác động của các cơ chế, chính sách tại 147 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặt trụ sở tại 17 tỉnh, thành và hoạt động trên 17 ngành, lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam. Các DN này đến từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ... Kết quả điều tra đã cho thấy một thực trạng đáng quan tâm về tình hình của các DN FDI.

Bài 1: Bốn nguy cơ hiển hiện

 

Nguy cơ chuyển giá

Trong số 147 DN được điều tra, có 100 đơn vị, chiếm 68%, chủ yếu sử dụng nguyên vật liệu đầu vào do đối tác nước ngoài cung cấp. Trong đó, 48,3% số DN phải sử dụng nguyên liệu do công ty mẹ hoặc công ty khác trong tập đoàn tại nước ngoài cung cấp, chủ yếu tập trung vào các ngành nghề gia công và xuất khẩu như dệt may, da giày, sản phẩm điện tử, điện gia dụng, hóa chất, nhựa, hóa mỹ phẩm... Ngoài ra, trong 100 DN trên thì có tới 65 công ty vừa nhập nguyên liệu, vừa bán toàn bộ sản phẩm cho công ty mẹ hoặc ra nước ngoài. Điều này dễ dẫn đến tình trạng các DN lợi dụng để chuyển giá từ giá đầu vào đến giá đầu ra, làm công ty luôn trong tình trạng thua lỗ. Theo kết quả điều tra thì trong 65 DN trên, có 9 DN thua lỗ trong nhiều năm liên tục và phải duy trì các khoản vay từ công ty mẹ hoặc từ nước ngoài để cân bằng tài chính.

 

Tình trạng thôn tính đối tác Việt Nam trong liên doanh

Khảo sát cho thấy, loại hình công ty TNHH một thành viên có sự biến động giảm mạnh nhất của đối tác Việt Nam. Tổng hợp tại một số công ty đã bị thôn tính, trong giai đoạn cấp phép lần đầu, số vốn điều lệ do đối tác Việt Nam góp là 52 triệu USD và chủ yếu các DN này đều thuộc loại hình công ty liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, đến thời điểm 31/12/2010 thì không còn đối tác Việt Nam do đã bị các nhà đầu tư nước ngoài thôn tính và các DN liên doanh được chuyển đổi thành loại hình công ty TNHH một thành viên do nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn.

 

Tài chính thiếu lành mạnh

Trong 71 (48,3%) DN nhập khẩu nguyên vật liệu từ công ty mẹ hoặc công ty khác trong tập đoàn tại nước ngoài thì có tới 43 DN có khoản chiếm dụng chiếm tới 100% nợ phải trả. Trong đó, chủ yếu là các khoản phải trả cho công ty mẹ hoặc công ty khác trong tập đoàn ở nước ngoài và khoản vốn này gia tăng mạnh qua các năm, năm 2010 tăng tới 340% so với năm 2008. Trong 43 DN nói trên, có 10 DN (23,2%) thua lỗ liên tục trong 3 năm 2008 - 2010 và duy trì mức lỗ lũy kế khá lớn. Đây là một dấu hiệu không bình thường trong quản lý tài chính của các DN này. Kết quả điều tra 147 DN FDI cũng cho thấy, có tới 32 DN (21,7%) có lợi nhuận trên vốn (ROE) âm; trong đó có 22 DN có ROE âm trong 3 năm liên tục (2008 - 2010), thậm chí có DN có ROE âm rất lớn tới -3.783%... Điều này thể hiện DN đã đăng ký mức vốn điều lệ rất thấp so với quy mô hoạt động thực tế.

Đồng thời, có 24/147 DN có dấu hiệu xác định giá trị tài sản cố định quá cao khi thực hiện đầu tư dự án..., thể hiện qua hiệu suất sử dụng tài sản cố định rất thấp. Việc này làm gia tăng chi phí khấu hao tài sản cố định, nhằm giảm mức thu nhập chịu thuế khi xác định thuế thu nhập DN hoặc sử dụng tài sản để cầm cố, thế chấp nhằm gia tăng lượng vốn vay từ NHTM trong nước. Kết quả kinh doanh cũng phản ánh một dấu hiệu không bình thường khi có đến 146/147 DN được điều tra có hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh nhỏ hơn 1. Nghĩa là các DN này có giá trị tổng tài sản quá lớn nhưng hiệu suất sử dụng tài sản quá thấp, doanh thu được tạo ra không bằng giá trị tổng tài sản của DN. Ngoài ra, đây cũng là hệ quả của việc tồn đọng lớn các khoản phải thu dài hạn trong nhiều năm, đặc biệt là các khoản phải thu dài hạn khi bán sản phẩm cho công ty mẹ hoặc công ty khác ở nước ngoài, làm gia tăng khoản vốn cố định. Việc gia tăng các khoản phải thu dài hạn cũng phản ánh dấu hiệu của việc chuyển lợi nhuận hoặc vốn ra nước ngoài thông qua phương thức bán hàng không thanh toán.

Đây chính là nguyên nhân làm gia tăng các chi phí vốn, làm giảm hiệu quả hoạt động của các DN, nhưng đồng thời cũng phản ánh vốn của DN bị tồn đọng trong tài sản cố định, nguyên vật liệu, hàng hóa tồn kho, các khoản phải thu quá lớn... Điều này tiềm ẩn những rủi ro với hoạt động kinh doanh của DN, đồng thời làm ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách nhà nước do DN luôn duy trì tình trạng này trong nhiều năm.

Bên cạnh đó, dấu hiệu lợi dụng kẽ hở của chính sách thuế khá rõ ràng thông qua việc duy trì tình trạng kinh doanh thua lỗ liên tục, nhưng quy mô và hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn phát triển, có dấu hiệu xử lý giá mua đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra. Nhiều DN từ khi thành lập đến nay không phát sinh thuế thu nhập DN. Theo kết quả khảo sát thì có tới 16/147 DN FDI từ khi thành lập đến nay chưa phải nộp thuế thu nhập DN và 10 DN vẫn trong tình trạng thua lỗ kéo dài. Thậm chí, có 1 DN từ năm 1995 đến nay, 4 DN từ năm 2001 - 2002 đến nay chưa phát sinh thu nhập chịu thuế TNDN và có đến 34 DN trong 3 năm 2008 - 2010 không phải nộp thuế thu nhập DN.

 

Bất cập trong chính sách tiền lương

Không ít DN FDI chưa thực hiện tốt chính sách tiền lương, như chậm nâng mức lương tối thiểu, không nâng lương niên hạn cho công nhân, thực hiện chính sách phạt trừ tiền lương người lao động, tăng ca nhiều, không đóng hoặc nợ tiền bảo hiểm xã hội… Do đó, tồn tại một thực trạng là các đơn vị này luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động, lao động đình công, bỏ việc..., làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN và an ninh trật tự trên địa bàn.

Qua điều tra, có 28 DN đánh giá không hài lòng về nguồn nhân lực, chủ yếu đưa ra lý do là lao động không ổn định, khó tuyển dụng, lao động hay nhảy việc, năng suất lao động thấp. Người lao động tại các DN này hầu hết có mức lương thấp, bình quân dưới 2 lần lương cơ bản, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến DN khó tuyển dụng lao động. Thực tế cho thấy, những bất cập trong hoạt động của các DN FDI có một phần nguyên nhân phát sinh từ những lỗ hổng chính sách. Trong phần 2 của bài viết này, chúng tôi sẽ nêu lên thực trạng và những khuyến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý, đặc biệt là chính sách tài chính đối với khối DN này.

Bài 2: Những khuyến nghị chính sách

Phan Hoài Hiệp, Chuyên gia tư vấn - Nhóm Tư vấn chính sách
Phan Hoài Hiệp, Chuyên gia tư vấn - Nhóm Tư vấn chính sách

Tin cùng chuyên mục