Doanh nghiệp đường nội sẽ bước vào giai đoạn ngọt ngào hơn

(ĐTCK) Nếu kết quả điều tra đi đến quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường giá rẻ từ 5 nước ASEAN, các doanh nghiệp ngành mía đường Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn ngọt ngào hơn.
Giá bán đường tăng, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành mía đường được cải thiện tích cực .

Kỳ vọng môi trường cạnh tranh sẽ lành mạnh hơn

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tại buổi tham vấn về việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường do Bộ Công Thương tổ chức giữa tuần qua, cơ quan chức năng cho biết sẽ đưa ra kết luận điều tra trong tháng 3 này.

Trước đó, ngày 21/9/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía.

Kết quả điều tra sẽ có tác động đến việc củng cố chuỗi liên kết mía đường cho ngành mía đường Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam

Các doanh nghiệp ngành đường đang dõi theo kết quả của cuộc điều tra này. Theo ông Lộc, kết quả điều tra sẽ có tác động đến việc củng cố chuỗi liên kết mía đường cho ngành mía đường Việt Nam.

Giai đoạn trước, dưới tác động của đường nhập khẩu bán phá giá, giá đường trong nước rớt thê thảm, kéo giá thu mua mía nguyên liệu xuống thấp, khiến người trồng mía thua lỗ đã chuyển đổi cây trồng.

Hệ lụy là vùng nguyên liệu bị suy giảm trầm trọng. Kết quả điều tra sẽ đảm bảo điều kiện cạnh tranh công bằng và minh bạch cho hoạt động sản xuất mía đường trong điều kiện hội nhập.

Những nghi vấn về việc lẩn tránh thuế đối với sản phẩm đường nhập khẩu vào Việt Nam được đặt ra trước diễn biến sản phẩm đường nhập khẩu đến từ 5 nước trong khu vực ASEAN, gồm Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Maylaysia, Campuchia không có vùng trồng mía nguyên liệu, còn Indonesia có vùng trồng nhưng không đủ phục vụ nhu cầu trong nước, nhưng đường từ các nước này lại xuất khẩu sang Việt Nam có giá bán ngang bằng, thậm chí thấp hơn giá đường Thái Lan kể từ sau khi Việt Nam áp dụng biện chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường xuất xứ từ Thái Lan vào ngày 21/9/2020.

Lãnh đạo Hiệp hội Mía đường cho rằng, sự gia tăng xuất khẩu đường vào Việt Nam của các quốc gia ASEAN nêu trên chắc chắn không phải từ lợi thế cạnh tranh, vì hoàn toàn không có đột biến gì về năng suất và công nghệ chế biến mía đường tại các quốc gia này trong thời gian qua.

Chia sẻ từ ông Lê Trung Thành, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco, mã LSS), nếu kết quả điều tra cuối cùng đi đến kết luận Bộ Công Thương cần áp thuế với sản phẩm đường từ 5 nước ASEAN gồm Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar để chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại thì ngành đường sẽ khởi sắc mạnh mẽ nhờ môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn

Các doanh nghiệp mía đường Việt Nam đã bước qua giai đoạn bĩ cực nhất khi bị ảnh hưởng bởi đường nhập khẩu/nhập lậu giá rẻ. Cùng với đà tăng của giá đường khi sức cầu trên thị trường thế giới tăng vọt, trong khi thị trường trong nước được bảo vệ trước tình trạng bán chống phá giá, gian lận thương mại của doanh nghiệp ở các nước trong khu vực, giá thu mua mía được nâng lên.

Việc mở rộng vùng nguyên liệu của các nhà máy đường theo đó gặp nhiều thuận lợi. Giá thu mía trong niên vụ 2021-2022 từ 1-1,3 triệu đồng/tấn, tăng mạnh so với mức 600.000- 700.000 đồng/tấn, giúp người nông dân có một mùa vui.

“Hiện Lasuco đã chuẩn bị sẵn hàng cho mùa cao điểm nắng nóng. Với đà tăng giá bán như hiện nay, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh”, ông Thành cho biết.

Giá đường trong nước bán tại nhà máy đã lên mức hơn 20.000 đồng/kg, tăng mạnh so với mức giá từ 12.000 - 13.000 đồng/kg trong năm 2020.

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) đánh giá, ngành mía đường đang có nhiều cửa sáng. Việc áp thuế gần 48% cho các sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, sản lượng mía dự kiến tăng 2% trong niên vụ 2021/2022 nhờ năng suất tăng và sản lượng mía đưa vào các nhà máy chế biến đạt 8,6 triệu tấn, tăng hơn 28% so với niên vụ trước.

Niên vụ tài chính của các doanh nghiệp mía đường thường bắt đầu từ ngày 1/7 năm nay và kết thúc vào 30/6 năm sau. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã công bố kết quả kinh doanh bán niên niên độ tài chính 2021-2022, với lợi nhuận tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ.

Chẳng hạn, Lasuco ghi nhận doanh thu hợp nhất 796,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 13,6 tỷ đồng trong nửa đầu niên độ tài chính 2021-2022, tăng lần lượt 57% và 307% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, lũy kế 2 quý đầu niên độ, Công ty Mía đường Sơn La (mã chứng khoán SLS) ghi nhận gần 329 tỷ đồng doanh thu, tăng 20,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gần 66%, đạt 68 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm tài chính 2021-2022 của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà (TTC Sugar, mã chứng khoán SBT) ghi nhận doanh thu 9.322 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ), lãi sau thuế đạt 440 tỷ đồng, tăng 53,6%. Trong đó, doanh thu từ đường ghi nhận 8.871 tỷ đồng.

Theo Phó tổng giám đốc thường trực Đoàn Vũ Uyên Duyên, TTC Sugar có được kết quả kinh doanh tốt như vậy là nhờ chi phí nguyên vật liệu đầu vào cạnh tranh, chiến lược tồn kho hợp lý, từ đó hạn chế tối thiểu sự biến động về giá cả của thị trường.

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, TTC Sugar là nhà sản xuất đường và các sản phẩm đường số 1 tại Việt Nam, với 46% thị phần đường nội địa.

Niên vụ 2020 - 2021, Công ty tiêu thụ 1,16 triệu tấn đường (tăng 10% so cùng kỳ), đạt doanh thu 14.925 tỷ đồng (tăng 16% so cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 650 tỷ đồng (tăng 79% so cùng kỳ) nhờ sản lượng tiêu thụ và giá đường tăng.

Hiện tại, Công ty đang mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm đường với việc cung cấp ra thị trường 73 dòng sản phẩm; trong đó, có 7 dòng sản phẩm đường Organic đạt chuẩn EU và USDA, 11 dòng sản phẩm cạnh đường, sau đường, 6 sản phẩm nước uống và khoảng 108 triệu kWh điện thương phẩm hàng năm.

Mirea Asset Việt Nam ước tính, niên vụ 2021 - 2022, lợi nhuận sau thuế của TTC Sugar đạt 947 tỷ đồng, tăng 18,4% so với niên vụ trước, nhờ doanh thu và biên lợi nhuận gộp được cải thiện khi giá bán tốt hơn. Doanh nghiệp này được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn nhờ nguồn cung nội địa hiện tại mới đang chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nội địa.

Các doanh nghiệp mía đường có nhiều điều kiện để tiếp tục tăng tốc nhờ giá đường thế giới trong năm 2022 dự báo tăng khoảng 10 - 15% so với năm trước, theo đà tăng của hàng hóa cơ bản. Sản lượng đường tiêu thụ cũng dự phóng tăng do sự phục hồi của thị trường nội địa cũng như xuất khẩu hậu Covid-19.

Thông tin đường trắng Việt Nam chính thức được giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa liên lục địa ICE từ 23/4/2021 được kỳ vọng giúp tăng cơ hội tiêu thụ các sản phẩm chất lượng cao tại thị trường thế giới.

Với tin tức thuận lợi từ giá đường trong nước và cuộc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường của 5 nước trong ASEAN, cổ phiếu ngành mía đường được kỳ vọng tiếp tục bứt phá.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục