Cả các công ty có tầm quan trọng chiến lược và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ đều có “hình bóng” trong Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối tuần qua.
Ðánh giá ban đầu từ các doanh nghiệp cho thấy, Nghị quyết mới của Chính phủ sẽ nhanh chóng tháo gỡ nhiều khó khăn và giúp thúc đẩy nhanh các dự án đầu tư.
Nhóm được “trợ thở” cấp tốc là các doanh nghiệp hàng không khi được miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh còn dư nợ đến ngày 31/12/2019.
Bên cạnh đó là giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm 2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm 2020.
Sẽ cần có thời gian để các chính sách thẩm thấu tới doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây không phải là cây đũa thần để ngay lập tức nhấc các doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn được coi là chưa từng có tiền lệ.
Lãnh đạo một cơ quan quản lý nhà nước am hiểu về lĩnh vực hàng không cho biết, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp là duy trì thanh khoản.
Chưa thể lượng hóa được số tiền mà Vietnam Airlines có thể được giảm từ chính sách mới của Nghị quyết 84, nhưng vị này cho biết, vẫn cần những chính sách đặc thù để “trợ thở” khẩn cấp với các hãng hàng không. Các cơ quan quản lý nhà nước đang tiếp tục nghiên cứu, xem xét và đề xuất về vấn đề này.
Nghị quyết 84 cũng đưa ra nhiều giải pháp mới để hỗ trợ cho các doanh nghiệp triển khai các dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Theo thống kê, hiện nay gần 500.000 tỷ đồng/700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa giải ngân hết năm 2019 và kế hoạch 2020 đã sẵn sàng trong kho bạc nhà nước.
Ðánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ thể hiện qua các nội dung liên quan đến đầu tư công trong Nghị quyết mới, song ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ðạt Phương cho rằng, Chính phủ nên xem xét tạm dừng áp dụng Nghị định 68/2019/NÐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng đến hết năm 2020.
Theo phân tích của ông Tuấn, việc áp dụng nghị định thời điểm này sẽ làm chậm hầu hết các dự án đầu tư công vì đa số các dự án chuẩn bị triển khai đều lập tổng mức đầu tư, dự toán theo chính sách cũ với thời gian lập hồ sơ tương đối dài.
Theo Nghị định 68/2019/NÐ-CP, doanh nghiệp phải lập lại, mà việc này phải chờ ban hành đơn giá của các tỉnh, thành phố (đến nay phần đa các tỉnh đều chưa có).
Nhiều dự án đã phê duyệt, đã mời thầu, đấu thầu nhưng phải dừng không thi công, giải ngân vì chờ hướng dẫn áp dụng. Từ sau 15/2/2020 đến nay, các dự án đều dừng vì thực hiện theo Nghị định 68.
Bên cạnh việc triển khai Nghị quyết 84 để hỗ trợ doanh nghiệp, giới chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai các quyết sách mới vì thị trường trong và ngoài nước vẫn tiếp tục có những diễn biến chưa thể lường trước. Những câu hỏi như cần có thêm các giải pháp để “cứu các sếu đầu đàn” tiếp tục được đặt ra.
Với câu hỏi này, TS. Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ quan điểm: Nên tập trung vào những trụ cột để nền kinh tế bước sang thể trạng mới.
Ông Thiên cho rằng, sức bật của nền kinh tế sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng "đứng dậy" của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng có thể không phải là tất cả doanh nghiệp. 96% số doanh nghiệp hiện tại là nhỏ và siêu nhỏ, không có tính kết nối chuỗi. Cấu trúc kinh tế này, khiến Việt Nam khó phục hồi, khó đạt được trạng thái "bình thường mới".
Theo ông, việc hỗ trợ nên tập trung vào những doanh nghiệp tạo ra hiệu quả và mang tính trụ cột của nền kinh tế. Covid-19 là yếu tố kích thích sự thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị trở nên nhanh và khốc liệt hơn.
Quan điểm mà TS. Thiên đưa ra dường như cũng là xu thế của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong tuần trước, nước Anh đã kích hoạt một kế hoạch cứu trợ các công ty được xem là có tầm quan trọng chiến lược.
Kế hoạch mới cho phép tăng khả năng để Bộ Tài chính Anh có thể đưa ra các gói cứu trợ cho các công ty được đánh giá là "có thể trụ được" sau khi các công ty này đã sử dụng mọi giải pháp, bao gồm các cơ chế cho vay của chính phủ. Nhà nước cũng có thể mua cổ phần của các công ty quan trọng đang phải đối mặt với các khó khăn tài chính lớn.
Quan sát các cuộc khủng hoảng kinh tế đã qua, như khủng hoảng tài chính 2008 cho thấy, Mỹ cũng có hành động tương tự.
Nhà Trắng từng bơm tiền mua cổ phần của các hãng ô tô lớn hoặc các tập đoàn tài chính khổng lồ và sau khi doanh nghiệp qua “cơn bĩ cực”, Chính phủ bán lượng cổ phần này ra thị trường.
Song với nền kinh tế Việt Nam, các nhà làm luật và ban hành chính sách sẽ phải cân đo rất kỹ vì nguồn lực là hữu hạn. Bộ Tài chính trong một báo cáo gửi Chính phủ, dự kiến, thu ngân sách năm 2020 giảm khoảng 145.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương giảm khoảng 105.000 tỷ đồng.