Cho hay không cần rõ ràng
Tuy Luật DN hiện hành không có quy định nào cấm việc DN phát hành cổ phần dưới mệnh giá, nhưng do Luật cấm kê khai khống vốn đăng ký, trong khi nội hàm của khái niệm thế nào là vốn khống chưa được làm rõ, nên vẫn tồn tại ý kiến trái chiều về việc DN được hay không được quyền phát hành dưới mệnh giá.
Có ý kiến cho rằng, việc DN phát hành dưới mệnh giá không bị coi là góp vốn khống. DN chỉ bị coi là góp vốn khống khi cổ đông hứa góp vốn, nhưng trên thực tế không góp, hoặc góp ít hơn số vốn đã cam kết. Khi DN phát hành dưới mệnh giá, phương án chào bán được công bố công khai, trong đó họ bán số lượng bao nhiêu với mức giá cụ thể nào, sau đó kết quả chào bán cũng được công khai và thể hiện rõ trong báo cáo tài chính của DN, thì không thể coi là góp vốn khống. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng, như vậy là khống, bởi vốn điều lệ của DN ghi nhận tăng thêm sau đợt phát hành tăng vốn dưới mệnh giá, chẳng hạn là 10 đồng, nhưng trên thực tế DN chỉ thu về 7 đồng.
Thực tế cho thấy, ngay trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang có ý kiến trái ngược nhau về khoản chênh lệch giữa mệnh giá và giá phát hành dưới mệnh giá. Có ý kiến nói khoản chênh lệch này là vốn khống, ý kiến ngược lại bảo không. Trong bối cảnh chuẩn mực kế toán quốc tế cho phép ghi nhận khoản chênh lệch giữa mệnh giá và giá phát hành dưới mệnh giá vào thặng dư âm vốn cổ phần, để đảm bảo rõ ràng, dễ thực thi trong thực tế, nhiều ý kiến đề nghị trong quá trình sửa Luật DN, nên bổ sung quy định cho hay không cho DN phát hành dưới mệnh giá…
Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho biết, trên thế giới có những nước không cho phát hành dưới mệnh giá như Trung Quốc, nhưng có nhiều nước cho phép. Ngay cả những nước cấm phát hành dưới mệnh giá, thì luật cũng không quy định cứng mệnh giá cổ phần. Do vậy, trên thực tế không gây khó cho DN khi muốn phát hành dưới mệnh giá, bởi khi đó, DN sẽ phát hành cổ phiếu không mệnh giá, hoặc mệnh giá bằng 0.
“Không vướng pháp lý…”
Ông Hiếu khẳng định như vậy, bởi phát hành dưới mệnh giá không phải là góp vốn khống, do khoản chênh lệch giữa mệnh giá và giá cổ phần bán được trên thực tế DN phải hạch toán lỗ. DN bán cổ phần được 7 đồng, nhưng trong bảng cân đối tài sản lại hạch toán là 10 đồng, thì mới bị coi là góp vốn khống, lừa dối người khác. Còn mệnh giá 10 đồng, nhưng DN chỉ bán được 7 đồng và hạch toán là 7 trên bảng cân đối tài sản, thì không bị coi là góp vốn khống. Góp vốn khống được hiểu là khi các cổ đông thỏa thuận góp vốn, tài sản khác vào công ty, nhưng trên thực tế không góp.
Trước câu hỏi, theo thông lệ nhiều nước, các DN cần thái độ rõ ràng của nhà quản lý rằng cho hay không cho phép hành dưới mệnh giá, nên chăng dự thảo Luật DN sửa đổi cần quy định về vấn đề này, ông Hiếu khẳng định, đã là việc của DN, thì luật không nên can thiệp. Việc có phát hành dưới mệnh giá hay không là quyền của DN, chứ Luật hiện hành, cũng như dự thảo Luật DN sửa đổi không đề cập vấn đề này. Phát hành với giá cao thì DN hưởng lợi, ngược lại phát hành với giá thấp hơn mệnh giá, thì DN, cũng như cổ đông phải chịu thiệt. Bởi vậy, vướng mắc chính trong phát hành dưới mệnh giá chủ yếu nằm ở phía DN, chứ không do vướng quy định pháp lý. Những phương án phát hành tác động tiêu cực đến hình ảnh của DN, quyền lợi của cổ đông, thì khó được cổ đông thông qua.
Ông Hiếu cũng cho biết thêm, tùy bối cảnh kinh doanh mà có lúc DN nhận thấy sử dụng tỷ lệ vốn chủ sở hữu chiếm áp đảo trong tổng lượng vốn kinh doanh thì có lợi hơn, nhưng cũng có thời điểm sử dụng vốn vay nhiều thì có lợi hơn. Bởi vậy, khi có nhu cầu sử dụng nhiều hơn vốn chủ sở hữu, DN có thể chọn phương án phát hành dưới mệnh giá. Khi triển khai phương án này, đương nhiên DN phải gánh một khoản lỗ, cổ đông cũng vì thế mà phải chấp nhận thiệt hại. Vì thực tế này mà trên thế giới, DN thường tránh phát hành dưới mệnh giá, nếu không muốn nói là không thể triển khai do vấp phải sự phản đối của cổ đông. Mặt khác, do pháp luật của nhiều nước không quy định về mệnh giá cổ phần, nên thường DN thiết kế mệnh giá rất thấp, để tránh phải phát hành dưới mệnh giá.