TTCK Việt Nam mặc dù đã tăng điểm ấn tượng trong năm nay, song vẫn còn hàng trăm DN có cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá. Do “khoảng trống” pháp lý về phát hành dưới mệnh giá, mà nhiều DN rơi vào thế bế tắc khi muốn phát hành cổ phần dưới mệnh giá để tăng vốn. Thực tế này khiến cộng đồng DN đặt nhiều kỳ vọng vào lần sửa đổi Luật DN kỳ này. Tuy nhiên, điểm nghẽn “nóng” này hiện chưa có trong dự thảo Luật.
“Các DN đang rất trông chờ Ban soạn thảo có quan điểm rõ ràng về việc cho hay không cho phát hành cổ phần dưới mệnh giá, nếu cho thì theo phương thức nào. Nếu vẫn để DN rơi vào bế tắc như hiện nay, thì càng đẩy DN đến chỗ khó khăn hơn…”, TS. Nguyễn Thị Ánh Vân, Giám đốc Trung tâm Luật, Đại học Luật Hà Nội nêu ý kiến, đồng thời đề xuất, để giải tỏa khó khăn hiện nay cho DN, Ban soạn thảo nên cân nhắc lựa chọn một trong hai phương án theo kinh nghiệm quốc tế.
Thứ nhất là không quy định mệnh giá cổ phần, để tạo thuận lợi tối đa cho DN chào bán cổ phần theo nguyên tắc thị trường, thuận mua vừa bán.
Thứ hai, nếu tiếp tục duy trì quy định mệnh giá cổ phần, thì nên tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan sau các cuộc khủng hoảng tài chính, họ đưa mệnh giá cổ phần xuống rất thấp, chỉ là 5 baht, để đảm bảo rằng gần như không bao giờ xuất hiện tình trạng thị giá cổ phiếu giảm quá mệnh giá cổ phần.
Việc dự thảo Luật DN sửa đổi chưa có biện pháp giải quyết các bất cập về mệnh giá, cũng như việc giảm vốn điều lệ, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là chưa hợp lý, bởi đây đang là những vấn đề rất bức thiết. Trên thực tế, DN có nhu cầu về vốn và đã tìm được nguồn cung về vốn, nhưng không thể chào bán được cổ phần do vướng mắc quy định liên quan đến chào bán cổ phần dưới mệnh giá. Ngoài ra, nhiều DN thua lỗ có nhu cầu tái cấu trúc, giảm vốn điều lệ về mức thực có thông qua việc gộp cổ phần (không rút vốn khỏi công ty) cũng không thể thực hiện được, do vướng các quy định hiện hành của Luật DN…
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mỗi lần sửa đổi Luật DN trước đây đều nhằm và thực tế đã tạo bước cải cách mạnh mẽ trong tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của DN, đồng thời tạo thêm dư địa mới cho sự phát triển của DN, tăng sức hấp dẫn cho môi trường kinh doanh. Bởi vậy, Ban soạn thảo cần tiếp nối tinh thần cải cách mạnh mẽ này, trong đó, nên quan tâm nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật phương án giải quyết những vấn đề bức thiết như: phát hành dưới mệnh giá, giảm vốn điều lệ…, để tăng quyền chủ động cho DN.