Doanh nghiệp du lịch ven biển Đà Nẵng “kêu cứu”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin với Báo Đầu tư Chứng khoán, cộng đồng doanh nghiệp ven biển TP. Đà Nẵng cho hay, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với nguy cơ phá sản, dừng hoạt động do áp lực lớn từ giá thuê đất, trong bối cảnh thị trường du lịch chưa khởi sắc.
Ngành du lịch Đà Nẵng chưa hồi phục càng tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp trong bối cảnh giá thuê đất tăng cao. Ảnh: Bình Minh. Ngành du lịch Đà Nẵng chưa hồi phục càng tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp trong bối cảnh giá thuê đất tăng cao. Ảnh: Bình Minh.

Cộng đồng doanh nghiệp ven biển hiện có 20 doanh nghiệp, với hàng chục dự án lớn nhỏ, quy mô từ vài hecta đến vài chục hecta/dự án, điển hình như: Công ty cổ phần khách sạn và du lịch Thiên Thai, Công ty cổ phần Mỹ Phát, Côgn ty cổ phần Thương mại và Du lịch San Hô Đà Nẵng, Công ty TNHH Sao Việt Non Nước, Công ty cổ phần Quê Việt, Chi nhánh Côgn ty cổ phần đầu tư 559...

Theo đại diện nhóm nhà đầu tư, trước đây, các nhà đầu tư thực hiện theo thỏa thuận nguyên tắc của UBND TP. Đà Nẵng đã ký với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, do chính sách thay đổi, không nhất quán với kêu gọi đầu tư ban đầu nên các doanh nghiệp bị đẩy vào tình thế nguy hiểm dẫn đến, có thể phá sản hàng loạt.

Cụ thể, theo thỏa thuận nguyên tắc đã ký giữa UBND TP.Đà Nẵng trước đây, nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển quyền sử dụng đất mà trả tiền thuê đất một lần cho kỳ thuê 50 năm với giá 550.000 đồng/m2. Còn nhà đầu tư trong nước được ưu đãi trả tiền thuê đất hàng năm để tập trung đầu tư xây dựng cơ bản; được chuyển quyền sử dụng đất cho 1/3 diện tích thuê với giá 1.500.000 đồng/m2, gấp 3 lần so với giá thuê 50 năm của nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, sau 10 năm các chính sách ưu đãi trên đã trở thành sự bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước. Việc tăng giá đất trái với các thỏa thuận đã ký có thể dẫn đến sự phá sản hàng loạt của các doanh nghiệp do giá đất đã tăng lên. Ví dụ vệt đất Minh Mạng – Non Nước, giá thuê năm 2011 là 11.000 đồng/m2/năm và năm 2022 là 369.202 đồng/m2/năm).

Ngoài ra, do sự thay đổi chính sách nên phần đất 30% doanh nghiệp đã nộp tiền chuyển quyền bị chuyển thành đất thương mại dịch vụ 50 năm mặc dù đã nộp cao hơn giá thuê của nhà đầu tư nước ngoài 300% cùng thời điểm.

Trước các khó khăn trên, cộng đồng doanh nghiệp ven biển đang gặp nhiều khó khăn trong duy trì sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện cộng đồng doanh nghiệp ven biển cho biết, trong bối cảnh ngành du lịch chưa phục hồi, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, việc tăng giá thuê đất liên tục đang gây áp lực lớn đến khả năng tồn tại của các doanh nghiệp.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp đang đề nghị UBND thành phố tạm dừng việc điều chỉnh tăng giá đất; xem xét tiếp tục giảm tiền thuê đất đang áp dụng hiện nay và giãn nộp, không tính chậm nộp, không phong tỏa tài khoản cũng như các chế tài khác; tính toán lại diện tích thu hồi bãi cát công cộng của doanh nghiệp mà thành phố đã thu hồi để trả lại tiền hoặc bù trừ cho các năm sau.

Bình Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục