Doanh nghiệp du lịch kiệt sức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Căng mình chống chọi với dịch bệnh Covid-19 kể từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội và TP.HCM kiệt sức, buộc phải tạm ngừng hoạt động. Những doanh nghiệp còn lại đang gắng gượng… sống qua ngày.
Dự kiến, khi đạt được miễn dịch cộng đồng với dịch Covid-19 thì ngành du lịch mới phục hồi. Dự kiến, khi đạt được miễn dịch cộng đồng với dịch Covid-19 thì ngành du lịch mới phục hồi.

Những nỗ lực cuối cùng

Theo Sở Du lịch TP.HCM, 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh thị trường inbound (đón khách quốc tế) trên địa bàn đang tạm ngưng hoạt động. Tính cả năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, tổng cộng có 171 doanh nghiệp rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Được biết, Công ty du lịch hàng đầu Việt Nam là Vietravel hiện nay chỉ duy trì khoảng 50 nhân viên so với con số 1.700 nhân viên trước đây.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel Holdings cho biết, một doanh nghiệp lữ hành lớn như Vietravel phải tạm dừng hoạt động là điều chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch, nhưng cũng không còn cách nào khác.

Áp lực lớn nhất của các doanh nghiệp lữ hành là giữ người lao động - tài sản lớn là chất xám người lao động, nhưng lại không có doanh thu để trả lương cho nhân viên, hoặc chỉ trả mức lương cơ bản, không đủ sức để giữ chân nhân sự.

Các gói hỗ trợ của Nhà nước đa phần rất khó tiếp cận, doanh nghiệp du lịch khó vay được vốn ưu đãi, vì không có tài sản thế chấp lâu dài.

Chưa có phao cứu sinh nào được đưa ra để làm bệ đỡ cho nhóm ngành du lịch bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19.

Lãnh đạo một công ty du lịch chia sẻ, hàng ngàn nhân sự ngành du lịch đang rời bỏ nghề, nhiều doanh nghiệp cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc để giảm chi phí hoạt động. Không ít nhân sự cấp cao, bao gồm tổng giám đốc, đã chuyển sang làm công việc khác như bán hàng online. Một số công ty lớn duy trì mặt bằng để giữ địa chỉ giao dịch, nhưng thu gọn mặt bằng thuê nhằm tiết giảm chi phí.

Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt cho hay, mảng du lịch đóng băng, Công ty phải chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế xuất khẩu để tạo việc làm, thu nhập cho nhân viên, duy trì đội ngũ.

Tại Công ty Du lịch Wonder, Giám đốc cũng phải vào cuộc kinh doanh và tìm mối bán hàng để nhân viên có thêm thu nhập. Chẳng hạn, Công ty nhập một số sản phẩm thực phẩm cao cấp cho nhân viên bán như rong nho.

Doanh nghiệp trên sàn cũng lao đao

Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công (TTC Tourist, mã chứng khoán VNG) thua lỗ 9,4 tỷ đồng trong quý I/2021. Đây là quý thua lỗ thứ năm liên tiếp của VNG.

Năm 2021, VNG đặt kế hoạch đạt doanh thu 450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 12 tỷ đồng, nhưng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, một số nhà đầu tư nhìn nhận, kế hoạch này đang trở nên xa vời. Bởi lẽ, các mảng kinh doanh của VNG gồm khách sạn, lữ hành, dịch vụ giải trí đều gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Chính vì thế, giá cổ phiếu VNG đang ở vùng đáy 4 năm qua.

Tại Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen (DSN), doanh nghiệp đã ra thông báo tạm đóng cửa hoạt động Công viên nước Đầm Sen từ ngày 4/5/2021 nhằm phòng chống dịch Covid-19 lây lan.

Năm nay, DSN lên hai kịch bản doanh thu: một là đạt 157 tỷ đồng, hai là đạt 97 tỷ đồng (doanh nghiệp không đề ra mục tiêu lợi nhuận). Doanh thu của doanh nghiệp chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh Công viên nước Đầm Sen, nhưng TP.HCM đang là tâm dịch của cả nước, nên việc thực hiện kế hoạch kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào thời điểm dịch bệnh được khống chế. Năm 2020, DSN đạt 84,3 tỷ đồng doanh thu, 41,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Quý I/2021, doanh nghiệp đạt 9,7 tỷ đồng doanh thu, 676 triệu đồng lợi nhuận sau thuế.

Ở lĩnh vực hàng không, không ít doanh nghiệp cũng vật lộn với khó khăn. Chẳng hạn, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) đang rất “khát” vốn khi dự kiến lỗ 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, sau khi thua lỗ 4.800 tỷ đồng trong quý I/2021 và gần 11.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Được biết, Vietnam Airlines hiện có 3 ngân hàng cam kết tài trợ cho vay với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp đã lên phương án huy động vốn cổ phần từ cổ đông hiện hữu, dự kiến thực hiện trong quý IV/2021.

Công ty cổ phần Hàng không VietJet (mã chứng khoán VJC) đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 123 tỷ đồng trong quý I/2021, chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư dự án, đầu tư tài chính, phát triển dịch vụ hàng không, thay vì hoạt động cốt lõi là khai thác vận tải hàng không.

Mặc dù ngành hàng không vẫn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng Đại hội đồng cổ đông VietJet ngày 29/6/2021 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 21.900 tỷ đồng, tăng 20% so với năm ngoái, với kỳ vọng vào việc đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa, mở rộng kinh doanh dịch vụ hàng không mới, dịch vụ sửa chữa kỹ thuật tàu bay, đầu tư dự án và tài chính, bên cạnh vận tải hàng không.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đạt 686 tỷ đồng lợi nhuận trong quý đầu năm 2021, giảm 55,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kỳ vọng vắc-xin Covid-19

Bao giờ hồi phục là sự trăn trở, đồng thời là niềm mong mỏi của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành nói riêng, các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nói chung.

Lãnh đạo Công ty Du lịch Việt chia sẻ, ông mong Nhà nước sớm có chính sách về “hộ chiếu vắc-xin” và Công ty sẵn sàng hợp tác để triển khai thử nghiệm với thị trường nội địa.

Tổng giám đốc Wonder, ông Lê Công Năng cho rằng, chỉ khi đạt được miễn dịch cộng đồng thì mới yên tâm rằng, ngành du lịch sẽ thực sự hồi phục, thời điểm đó có thể là tháng 2 - 3/2022, khi hầu hết người dân được tiêm vắc-xin Covid-19.

Nhằm hỗ trợ ngành du lịch trước các cú đánh bồi liên tiếp từ Covid-19, mới đây, Sở Du lịch TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5%, kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuế đất đối với doanh nghiệp du lịch.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, từng chiếm 11% tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM, nên rất cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp trong ngành tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Chứng khoán VNDIRECT nhận định, triển vọng mở cửa trở lại hàng không quốc tế của Việt Nam gắn liền với tiến độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu.

Cùng với tỷ lệ tiêm chủng cao hơn ở các thị trường bay quốc tế trọng điểm, Việt Nam có khả năng mở lại đường bay quốc tế một cách an toàn từ quý III/2021, lượng hành khách quốc tế sẽ bắt đầu hồi phục từ quý IV/2021 và tăng mạnh trong năm 2022.

Dự báo hàng không phục hồi từ giữa quý III

Cục Hàng không cho biết, với tình hình biến động liên tục như thời gian qua, sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 26,8 triệu lượt hành khách, giảm 19,4% so cùng kỳ năm 2020 (145 nghìn khách quốc tế, giảm 97,9% và 26,7 triệu khách nội địa, tăng 1,4%) và 668 nghìn tấn hàng hóa, tăng 12,7% so cùng kỳ năm 2020 (490 nghìn tấn hàng hóa quốc tế, tăng 18,1% và 179 nghìn tấn hàng hóa nội địa, tăng 0,3%).

Dự báo, tình hình cả năm 2021 sẽ cải thiện so với năm 2020, nhất là vào nửa cuối năm 2021 khi việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được đẩy nhanh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, đặc biệt là tại nhiều thị trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu, tạo miễn dịch cộng đồng, làm cơ sở từng bước mở lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế vào cuối quý III, đầu quý IV/2021.

Thị trường hàng không Việt Nam dự kiến phục hồi kể từ giữa quý III/2021, sản lượng thông qua các cảng hàng không năm 2021 ước đạt trên 70 triệu hành khách.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục