Doanh nghiệp vận tải, du lịch đồng loạt xin khoanh nợ: Ngoài thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
Làn sóng Covid-19 thứ 4 ập đến đúng vào “mùa vàng” du lịch, khiến nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp lữ hành, vận tải, khách sạn bị dập tắt. Nhiều doanh nghiệp phải xin ngân hàng khoanh nợ thêm.
Thông tư 03 về cơ bản tháo gỡ được khó khăn cho các ngành kinh tế, song riêng với ngành du lịch, vận tải… thì lại chưa phát huy tác dụng. Thông tư 03 về cơ bản tháo gỡ được khó khăn cho các ngành kinh tế, song riêng với ngành du lịch, vận tải… thì lại chưa phát huy tác dụng.

Doanh nhân đã biến thành con nợ

Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) cho hay, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ phá sản. Từ khi Covid-19 xảy ra, Nha Trang vắng bóng khách du lịch, 95% khách sạn đóng cửa, 5% còn lại hoạt động chủ yếu là đăng ký làm cơ sở cách ly. Tình cảnh của hầu hết doanh nghiệp du lịch rất bi đát.

"Với tình hình hiện tại, các doanh nhân là chủ công ty du lịch đều có khả năng biến thành con nợ. Chúng tôi mong muốn ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 tiếp cận vốn vay không lãi suất, được khoanh nợ, giảm lãi với khoản vay hiện hữu”, ông Vinh đề xuất.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng phản ánh, ngành du lịch TP.HCM gần như tê liệt cả năm nay, không có doanh thu, trong khi áp lực trả nợ ngân hàng vẫn rất lớn.

Theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, năm 2020, chỉ có 10 trong tổng số 50 doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn được giảm lãi suất cho vay theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Dù Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 01) của Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ thêm 12 tháng, song vẫn chưa thể giải quyết được khó khăn của ngành du lịch và các ngành liên quan như vận tải. Do đó, Hiệp hội Du lịch TP.HCM đề nghị NHNN và các cơ quan liên quan đưa ra cơ chế vay đặc thù cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Cụ thể, cần có cơ chế ân hạn gốc và lãi với toàn bộ dư nợ hiện hữu, đồng thời, giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ. Hiệp hội cũng đề xuất thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả trường hợp gia hạn nợ là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả.

Tương tự, đại diện ngành vận tải, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ, doanh nghiệp vận tải đang chồng chất khó khăn bởi lượng hành khách giảm chưa từng có, nhiều doanh nghiệp phải án binh bất động vì vắng khách và phải tuân thủ quy định giãn cách.

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cho phép khoanh nợ, có như vậy doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phục hồi”, ông Liên nói.

Trong khi đó, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, Thông tư 03 về cơ bản tháo gỡ được khó khăn cho các ngành kinh tế, song riêng với ngành du lịch, vận tải… thì lại chưa phát huy tác dụng.

Ngân hàng Nhà nước không đủ thẩm quyền

Thực tế, không chỉ doanh nghiệp, mà ngay bản thân các ngân hàng cũng sốt ruột, mong mỏi có cơ chế để khoanh nợ xấu một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cho rằng, với lĩnh vực lưu trú, lữ hành, vận tải, Quốc hội và Chính phủ đã có hẳn Nghị quyết cho Vietnam Airlines, song với các doanh nghiệp khác thì chưa có giải pháp tháo gỡ. Thông tư 03 mặc dù rất cần thiết cho doanh nghiệp, song thời hạn áp dụng chỉ 12 tháng là chưa đủ để các doanh nghiệp phục hồi, nhất là khi Covid-19 chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Mặc dù Thông tư 01 và Thông tư 03 đã “cấp cứu” kịp thời cho doanh nghiệp, song thời hạn ngắn. Nguồn lực thực hiện 2 thông tư trên lại chính là nguồn lợi nhuận của các ngân hàng thương mại, tức ngân hàng chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là cách làm tạm thời. Về lâu dài, các ngân hàng chỉ dám yên tâm cho vay mới nếu các doanh nghiệp này được khoanh nợ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, khoanh nợ là “chuyện đại sự”, phải có nguồn để khoanh, cụ thể phải là nguồn ngân sách.

“Thẩm quyền của NHNN hiện nay thì chỉ có thể gia hạn nợ như Thông tư 01 và Thông tư 03 thôi. Muốn khoanh nợ phải có chủ trương, chính sách của Chính phủ”, ông Nghĩa nói.

Liên quan đến vấn đề này TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng, nếu dịch bệnh kéo dài, thì một mình ngân hàng không thể “gánh” được, mà đòi hỏi phải có nguồn lực ngân sách. Muốn vậy, Chính phủ cần ban hành một Nghị định cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01, nay là Thông tư 03. Cách làm giống như Chính phủ đã cho phép khoanh nợ với rủi ro thiên tai dịch bệnh với lĩnh vực nông nghiệp (Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn).

Được biết, công văn kiến nghị ban hành Nghị định cũng đã được Hiệp hội Ngân hàng gửi tới Chính phủ.

Đại dịch Covid-19 chưa thể biết khi nào kết thúc. Chương trình tiêm chủng vắc-xin sớm nhất cũng phải hết năm 2022 mới có thể triển khai rộng rãi. Như vậy, khi Thông tư 03/2021/TT-NHNN hết hiệu lực (ngày 31/12/2021), doanh nghiệp các ngành lữ hành, khách sạn, vận tải, hàng không… vẫn chưa có lối thoát. Do đó, Chính phủ nên khoanh nợ tối thiểu 2 năm với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục