Doanh nghiệp đón cú huých tăng trưởng đơn hàng vào Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ được không ít doanh nghiệp Việt Nam đánh giá sẽ là một cú huých thúc đẩy đơn hàng xuất khẩu vào thị trường này.
Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với các sản phẩm tiêu dùng như dệt may, thủy sản, đồ gỗ nội thất… Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với các sản phẩm tiêu dùng như dệt may, thủy sản, đồ gỗ nội thất…

Gia tăng cơ hội tại thị trường số 1 toàn cầu

Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm 2019 và chiếm hơn 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết 15/3/2021, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 62,01 tỷ USD, tăng 22,7% tương ứng tăng 11,47 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, trong hai tháng đầu năm 2021 đạt 13,83 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 28,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP (M10) cho rằng, có 4 yếu tố chính giúp hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng, mang lại sự hứng khởi cho các doanh nghiệp.

Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới dần được kiểm soát cùng sự hỗ trợ của vắc-xin nên nhiều nước mở cửa biên giới trở lại.

Thứ hai, nền kinh tế bị kìm nén quá lâu nên nhu cầu tiêu dùng phục hồi.

Thứ ba, các doanh nghiệp nỗ lực bật dậy sau khi “ngủ đông” vì Covid-19. Thứ tư, không ít nước tiếp tục triển khai các gói kích thích kinh tế, thúc đẩy chi tiêu, tạo động lực cho kinh tế tăng trưởng.

Đáng chú ý, Mỹ mới đây triển khai gói kích cầu 1.900 tỷ USD, trong đó, hầu hết người dân sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ 1.400 USD/người kể từ tháng 4/2021. Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn của Mỹ, trong đó chủ yếu là các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu như thủy hải sản, dệt may, điện tử… nên nhiều doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi.

“Chúng tôi kỳ vọng, gói kích thích 1.900 tỷ USD của Chính phủ Mỹ sẽ tạo ra cú huých thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam gia tăng sản lượng đơn hàng xuất khẩu vào thị trường này. Gói kích cầu được đưa ra rất phù hợp ở thời điểm hiện nay. Kinh tế chỉ phục hồi khi tiêu dùng tăng và văn hóa Mỹ là văn hóa tiêu dùng, cần có tiền để đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng”, ông Việt nói và cho biết, sản lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ của M10 tăng trưởng tương đối tốt trong quý I và từ quý II có thể tiếp nối đà tăng trưởng nhờ hưởng lợi từ “cú huých”.

Tại Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH), các đơn hàng đang xếp hàng dài chờ xuất khẩu nhờ những tín hiệu tích cực của tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu. Ông Bùi Việt Quang, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MSH cho hay, đơn hàng xuất khẩu của Công ty đã chốt đến tháng 8/2021, trong đó 80% sản lượng là xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

“Gói kích cầu nền kinh tế của Mỹ chắc chắn sẽ có tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này. Hiện đơn hàng xuất khẩu của chúng tôi đã có đến quý III/2021, hy vọng sẽ tăng trưởng đột phá trong quý cuối năm, bởi đây là cao điểm mua sắm tiêu dùng”, ông Quang chia sẻ.

MSH vừa đầu tư khu sản xuất may xuất khẩu tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, với quy mô hơn 40 chuyền may, bao gồm các sản phẩm váy, áo, jacket, trên diện tích gần 75.000 m2 và tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng. Dự kiến, đến tháng 11/2021, nhà máy sẽ đi vào hoạt động.

Vừa mừng, vừa lo

Mừng với gói kích cầu, nhưng lo khi nhìn về dài hạn. Ông Thân Đức Việt nhận định, gói kích cầu của Mỹ đem lại tín hiệu tích cực trong ngắn hạn, còn trong dài hạn cần xem xét nhiều yếu tố và cẩn trọng với lạm phát. Như lò xo bị nén lâu, nền kinh tế bùng lên dễ kéo theo lạm phát cao.

Về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế cho rằng, với chính sách tiền tệ nới lỏng, tiền quá nhiều sẽ làm lạm phát tăng cao, giá cả nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu tăng, đồng thời tạo áp lực lên lãi suất. Khi đó, tác dụng phụ của gói kích thích sẽ lan truyền đến Việt Nam.

Tất nhiên, kinh tế Mỹ phục hồi sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hoạt động khả quan hơn, đặc biệt là ngành dệt may. Năm ngoái, để sống sót trong đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, dù hiệu quả kinh tế không cao.

Ông Việt phân tích, ngành sản xuất được quyết định bởi năng suất sản phẩm, khi thay đổi sản phẩm quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến năng suất sản xuất của người lao động, gia tăng chi phí sản xuất. Hiện tại, giá nguyên liệu đầu vào của không ít ngành tăng cao gây áp lực cho nhiều doanh nghiệp.

Có thể sản lượng xuất khẩu trong 2 quý cuối năm sẽ tăng trưởng tốt, nhưng giá bán nhiều khả năng chưa tăng tương ứng, trong khi chi phí đầu vào tăng sẽ dẫn tới lợi nhuận mỏng.

Trong các yếu tố tiêu cực vẫn nhìn thấy điểm tích cực và trong các tín hiệu tích cực có rủi ro tiềm ẩn là quan điểm của ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vicostone (VCS) khi nhìn nhận về tác động của gói kích thích kinh tế quy mô lớn của Mỹ.

Theo đó, gói kích thích 1.900 tỷ USD sẽ kích cầu nền kinh tế Mỹ nói chung, nhưng tập trung vào một số ngành, lĩnh vực. Với ngành đá - vật liệu xây dựng có tính đặc thù (lĩnh vực hoạt động của VCS), không thuộc nhóm ngành tiêu dùng thiết yếu nên phụ thuộc nhiều vào sức khỏe tài chính của người dân và mùa sửa nhà, xây nhà vào cuối năm.

Tuy nhiên, khi tiêu dùng sôi động trở lại, kinh tế dần được phục hồi, khả năng tài chính của người dân tốt hơn, nhu cầu làm đẹp nhà cửa tăng lên sẽ kích thích tăng trưởng của ngành.

Sản lượng xuất khẩu của VCS vào Mỹ trong quý I năm nay tương đương cùng kỳ năm ngoái, Công ty kỳ vọng sẽ tăng tốc xuất khẩu trong 2 quý cuối năm.

Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm đá ốp lát vào Mỹ chỉ có VCS, nhưng hiện nay có nhiều doanh nghiệp khác xuất khẩu mặt hàng này. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp dần gay gắt hơn. Mỗi doanh nghiệp có một chiến lược kinh doanh khác nhau, nhưng một số doanh nghiệp đang mạnh tay giảm giá để lấy thị phần.

Công ty bảo hiểm Euler Hermes (Pháp) dự báo, trong gói kích cầu 1.900 tỷ USD của Mỹ sẽ có khoảng 360 tỷ USD được chi để hỗ trợ tăng giá trị nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Theo đó, 4 nước lần lượt có khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ là Trung Quốc, Mexico, Đức, Anh. Xem xét lợi ích tác động đến tỷ lệ tăng trưởng từ thu nhập do xuất khẩu so với GDP, gói kích cầu dự kiến mang lại lợi ích nhiều nhất cho Mexico (tăng thêm 1,7% GDP), sau đó là Việt Nam (1,4%), Ireland (1,3%)…

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục