Cú sốc bất ngờ của doanh nghiệp xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi thị trường xuất khẩu vẫn đang gặp khó khăn, doanh nghiệp xuất khẩu lại chịu thêm cú đánh bồi: chi phí thuê container tăng vọt và không thuê được container để xuất hàng.
Chi phí thuê container loại 20 feet từ Việt Nam đi châu Âu tăng từ mức 1.200 - 1.500 USD/container lên 7.000 - 8.000 USD/container. Ảnh: Shutterstock. Chi phí thuê container loại 20 feet từ Việt Nam đi châu Âu tăng từ mức 1.200 - 1.500 USD/container lên 7.000 - 8.000 USD/container. Ảnh: Shutterstock.

Đội chi phí, ách tắc hàng hóa vì phụ thuộc container

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, chi phí vận tải đường biển bằng container trên toàn cầu đang tăng lên mức cao kỷ lục.

Nguyên nhân là trong quý I và quý II/2020, hoạt động xuất nhập khẩu trên quy mô toàn cầu ảm đạm do tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến các hãng tàu giảm lượng container.

Sang quý III/2020, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của thế giới tăng cao, đặc biệt tại thị trường Mỹ, châu Âu, Úc do lượng người làm việc ở nhà, nhu cầu mua sắm đồ dùng, thiết bị mới của gia đình tăng mạnh, giúp hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng, kéo theo nhu cầu về container tăng mạnh.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không vẫn chưa được khai thông vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới, phần lớn đội bay trên toàn cầu vẫn chưa được cất cánh.

Hoạt động vận tải hàng hóa vì thế “dồn cục” vào đường hàng hải. Hiện nhiều bộ phận đặt chỗ với hãng tàu cho thuê container rỗng đã vượt số lượng cho phép, khiến tình trạng thiếu hụt container trở nên trầm trọng hơn.

Sự gia tăng lượng hàng hóa tại các thị trường ở thời điểm này rất đáng chú ý. Thông thường, khối lượng container được vận chuyển có xu hướng tăng từ tháng 8 đến tháng 10, trước mùa mua sắm cuối năm tại Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, khối lượng hàng hoá cần được vận chuyển trong năm 2020 vẫn ở mức cao trong tháng 11.

Lượng hàng hoá được vận chuyển tới Mỹ tăng vọt cũng đang gây ra tình trạng tắc nghẽn tại các cảng khu vực vịnh Mexico của Mỹ, khiến quá trình bốc dỡ hàng bị kéo dài.

Tại Việt Nam, trong hai quý cuối năm 2020, các container hàng gỗ liên tục xuất sang Mỹ, chủ yếu là đồ nội thất cao cấp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gỗ chưa kịp mừng vì thị trường xuất khẩu tích cực thì lại phải đối mặt với bài toán lớn về chi phí vận tải tăng chóng mặt cũng như thiếu container rỗng.

Tương tự, với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, giá cước vận tải hàng hóa đường biển tăng cao là cú sốc lớn trong bối cảnh thị trường xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), trong tháng 6/2020, giá cước container loại 20 feet từ Việt Nam đi châu Âu tăng từ mức 1.200 lên 1.500 USD/container và chỉ một thời gian ngắn sau đó đã tăng lên mức 7.000 - 8.000 USD/container. Với container loại 40 feet, từ mức cước thuê 1.500 USD - 1.800 USD/container đã tăng vọt lên 8.000 - 10.000 USD/container.

Giá container tăng mạnh, doanh nghiệp phải chia sẻ chi phí vận chuyển với khách hàng, dẫn đến giảm lợi nhuận bán hàng.

Ảnh tác giả

Hàng chúng tôi sản xuất ra không xuất khẩu được vì không có container. Chúng tôi đang bị quá tải kho, cộng thêm đó là các chi phí lưu kho, phát sinh chi phí vận chuyển, chi phí bảo quản. Tiền cũng nằm trong hàng, không thu về ngay được.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Thương mại TNG

Đáng ngại hơn, theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG cho biết, doanh nghiệp của ông đang gặp phải khó khăn khi container không những phí thuê tăng cao mà còn không thuê được container để xuất hàng đi.

“Hàng chúng tôi sản xuất ra không xuất khẩu được vì không có container. Chúng tôi đang bị quá tải kho, cộng thêm đó là các chi phí lưu kho, phát sinh chi phí vận chuyển, chi phí bảo quản. Tiền cũng nằm trong hàng, không thu về ngay được”, ông Thời nói.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, nông sản, việc tồn ứ hàng vì thiếu container còn dẫn tới rủi ro là hàng hóa có thể bị hỏng.

Doanh nghiệp tìm cách ứng phó

Con số ước tính của lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt (Navico) về ảnh hưởng của việc thiếu hụt container vận chuyển hàng hóa đáng giật mình: làm giảm đến 20 - 30% năng suất kinh doanh của Công ty.

Để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp xuất khẩu đang chủ động đàm phán với khách hàng để chia sẻ giá cước container.

Trong khi đó, Chủ tịch TNG Nguyễn Văn Thời cho biết, do nhà máy của TNG vẫn chạy theo tiến độ đơn hàng nên Công ty sẽ phải thuê thêm kho bãi để chứa hàng trong lúc chờ giải quyết vấn đề về container.

“Covid-19 đã khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong năm 2020. Bước sang năm 2021, chúng tôi lại gặp cảnh hàng có mà không xuất được vì thiếu container, thực sự rất căng”, ông Thời than thở.

TNG bán hàng giao nhận tải cảng, chi phí vận chuyển container do khách hàng lo, nhưng do phí container leo thang, khách hàng yêu cầu doanh nghiệp cung ứng chia sẻ với họ khiến lợi nhuận bán hàng sẽ mỏng đi.

Theo kế hoạch, đây là thời điểm TNG xuất khẩu hàng hè sang các thị trường, nhưng hàng đang nằm ở kho chưa lưu thông được.

Xuất khẩu là động lực quan trọng cho đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Trong năm 2020, nhờ lợi thế hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên và hoạt động sản xuất trong nước không bị gián đoạn do dịch bệnh được kiểm soát tốt, xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng.

Doanh nghiệp Việt đã chủ động nắm bắt lợi thế đó, nhiều đơn hàng lớn đã được ký kết, kỳ vọng doanh thu tăng trưởng trong năm 2021, nhưng diễn biến bất ngờ trên thị trường vận tải biển đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị cho tình hình thiếu container còn có thể kéo dài trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được khống chế ở nhiều nơi trên thế giới, để có kế hoạch trao đổi với đối tác giãn tiến độ giao hàng.

Còn các hãng tàu cũng cho biết tình hình này ít nhất kéo dài đến hết tháng 3/2021, thậm chí có thể đến quý II/2021, nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Những ngày này, việc bổ sung vỏ container từ Việt Nam để chủ động trong khâu vận chuyển hàng hóa đang là giải pháp được các doanh nghiệp bàn tới trong câu chuyện khơi thông xuất khẩu hàng hóa.

Hiện nay, cung cấp vỏ container đang bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc - nơi sản xuất nhiều container nhất thế giới và cũng đang bị thiếu vỏ, phải chạy hết công suất. Trong khi đó, tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp có đủ năng lực sản xuất container thực sự còn khiêm tốn.

Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch Bee Logistic

Việc giá cước vận tải biển và vỏ container tăng đột biến gần đây có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là xuất phát từ thực tế thị trường vận tải quốc tế. Do đại dịch Covid-19 nên tại Mỹ và châu Âu lượng lao động nghỉ việc rất nhiều, xe tải ít hoạt động nên hàng xếp dỡ bị mất nhiều ngày ở cảng. Nếu như trước kia, một chuyến tàu chỉ mất 40 ngày thì nay lên 60 ngày. Khách không giải tỏa hàng kịp nên không có vỏ container. Trong khi đó, ở Mỹ và châu Âu giảm sản xuất xuống mức thấp nhất nên không có hàng xuất về, bởi vậy bên xuất phải chịu giá cước gấp đôi do chỉ đi được một chiều.

Thứ hai, các hãng vận tải biển đã thua lỗ rất nhiều năm do giá cước quá thấp. Thực tế ghi nhận đến giữa tháng 6/2020 là 22 quý các hãng tàu lỗ liên tục. Nhiều hãng đã bán tàu ngừng hoạt động, nên hiện nay chỉ có một số hãng nắm. Không loại trừ các hãng tàu nâng giá vì họ phải lo cho sự sống còn của họ.

Tác động với các doanh nghiệp xuất khẩu, tôi cho rằng, khá lớn và tùy thuộc từng ngành. Với hàng điện tử, chi phí logistic vào khoảng 6-7%, còn hàng dệt may lên tới 15-20%, hàng công nghiệp có khi còn trên 20%. Các hãng logistic cũng không được hưởng lợi từ diễn biến này do chi phí cho một chuyến đi tăng gấp 2-3 lần phải ứng trước tiền lớn, phải chịu lãi vay... Nhiều hợp đồng đã thuê hãng tàu mà không thuê được vỏ container, không những vẫn mất phí theo hợp đồng mà còn bị phạt rất lớn. Tại Công ty tôi chẳng hạn, những tháng cuối năm lợi nhuận sụt giảm khá mạnh.

Hải Minh - Hà Vy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục