Doanh nghiệp kêu lợi nhuận giảm, quá tải kho hàng,... vì thiếu container

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tình trạng thiếu hụt container và cước vận tải biển tăng cao được dự báo sẽ tác động mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có hàng hóa chủ yếu xuất khẩu.
Cước vận tải biển tăng cao kỷ lục Cước vận tải biển tăng cao kỷ lục

Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch Bee Logistic:

Việc giá cước vận tải biển và vỏ container tăng đột biến gần đây có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là xuất phát từ thực tế thị trường vận tải quốc tế. Do đại dịch Covid-19 nên tại Mỹ và châu Âu lượng lao động nghỉ việc rất nhiều, xe tải ít hoạt động nên hàng xếp dỡ bị mất nhiều ngày ở cảng.

Nếu như trước kia một chuyến tàu chỉ mất 40 ngày thì nay lên 60 ngày. Khách không giải tỏa hàng kịp nên không có vỏ container. Trong khi đó, ở Mỹ và châu Âu giảm sản xuất xuống mức thấp nhất nên không có hàng xuất về, bởi vậy bên xuất phải chịu giá cước gấp đôi do chỉ đi được một chiều.

Thứ hai, các hãng vận tải biển đã thua lỗ rất nhiều năm do giá cước quá thấp. Thực tế ghi nhận đến giữa tháng 6 vừa qua là 22 quý các hãng tàu lỗ liên tục. Nhiều hãng đã bán tàu ngừng hoạt động, nên hiện nay chỉ có một số hãng nắm. Không loại trừ các hãng tàu nâng giá vì họ phải lo cho sự sống còn của họ.

Tác động với các doanh nghiệp xuất khẩu tôi cho rằng khá lớn và tùy thuộc từng ngành. Với hàng điện tử, chi phí logistic vào khoảng 6-7%, còn hàng dệt may lên tới 15-20%, hàng công nghiệp có khi còn trên 20%. Các hãng logistic cũng không được hưởng lợi từ diễn biến này do chi phí cho một chuyến đi tăng gấp 2-3 lần phải ứng trước tiền lớn, phải chịu lãi vay... Nhiều hợp đồng đã thuê hãng tàu mà không thuê được vỏ container, không những vẫn mất phí theo hợp đồng mà còn bị phạt rất lớn.

Tại Công ty tôi chẳng hạn, những tháng cuối năm lợi nhuận sụt giảm khá mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại TNG:

Doanh nghiệp đang gặp khó khăn thực sự khi container không những tăng giá cao mà còn thiếu hụt trầm trọng, không thuê được container để xuất hàng đi.

Hàng chúng tôi sản xuất ra không xuất khẩu đi được vì không có container. Hàng nằm ở kho bãi, tồn ứ hết cả. Chúng tôi đang bị quá tải kho, cộng thêm đó là các chi phí lưu kho, phát sinh chi phí vận chuyển, chi phí bảo quản. Tiền cũng nằm trong hàng, không thu về ngay được.

Dù chưa xuất khẩu được do thiếu container nhưng nhà máy không dừng sản xuất được mà vẫn chạy theo tiến độ đơn hàng nên công ty sẽ phải tìm kiếm thuê thêm kho bãi để chứa hàng trong lúc chờ giải quyết vấn đề về container.

Covid-19 đã khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong năm 2020, bước sang năm 2021, chúng tôi lại gặp cảnh hàng có mà không xuất được vì thiếu container, thực sự rất căng.

TNG bán hàng giao nhận tải cảng, chi phí vận chuyển container do khách hàng lo nhưng tình hình khó khăn do phí container leo thang, khách hàng yêu cầu doanh nghiệp cung ứng chia sẻ với họ, điều này khiến lợi nhuận bán hàng sẽ mỏng đi

Theo kế hoạch, đây là thời điểm công ty xuất khẩu hàng hè sang các thị trường, nhưng hàng đang nằm ở kho chưa lưu thông được.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương):

Cước giá tàu biển và giá thuê container rỗng tăng cao ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu đặc biệt là hoạt động xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu đến phương thức giao hàng bằng đường hàng không thay cho đường tàu vì tình hình thiếu hụt container và hoạt động hậu cần tại các cảng ở những nước dịch Covid-19 đang diễn biến còn phức tạp.

Hải Minh - Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục