Bối cảnh tích cực
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), số lượng giao dịch ngành công nghiệp hàng không chiếm chưa tới 1% số lượng các giao dịch thương mại trên toàn cầu, nhưng đạt 33% về giá trị. Năm 2018, tổng lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường hàng không ước tính đạt 6.700 tỷ USD. Trong khi đó, số lượng hành khách được vận chuyển bằng đường hàng không tiếp tục leo dốc, vượt qua con số 4,3 tỷ lượt xuất hành năm 2017.
Việc các thành phố được kết nối trực tiếp và chi phí dịch chuyển bằng đường hàng không giảm đã cổ vũ việc sử dụng loại hình vận tải này. Nhu cầu sử dụng dịch vụ ngành hàng không tiếp tục gia tăng, với doanh thu từ khách hàng trên mỗi km (RPK) tăng 7,4% năm 2018. Con số này tuy giảm so với mức kỷ lục năm 2017 ở mức 8%, nhưng vượt xa so với mức tăng trưởng trung bình trong dài hạn ở mức 2%.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng khách du lịch hàng không tại Việt Nam đứng đầu Ðông Nam Á. Giai đoạn 2016 - 2021, Việt Nam dự kiến có tăng trưởng kép ở mức 17,4% so với trung bình ASEAN là 6,1%.
Cùng chung góc nhìn lạc quan, IATA dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Ðông Nam Á, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% trong 5 năm tới và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Giai đoạn 2010 - 2017, tốc độ tăng lượng hành khách tại thị trường Việt Nam đạt mức tăng trưởng kép (CAGR) 16,7%/năm, cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự lạc quan tiếp tục được khẳng định khi Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) dự báo, Việt Nam là thị trường tăng trưởng hành khách nhanh nhất thế giới trong nhóm thị trường đạt trên 50 triệu hành khách giai đoạn 2016 - 2040.
CTCK MB (MBS) dự phóng giai đoạn 2017 - 2022, thị trường vận tải hành khách nội địa sẽ tăng trưởng đạt mức CAGR 10%/năm. Ðộng lực tăng trưởng toàn ngành đến từ nhóm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Kết quả hoạt động bắt đầu phân hóa
Với động lực tích cực tới từ môi trường kinh doanh hàng không ngày càng tăng trưởng, các doanh nghiệp ngành dịch vụ hàng không Việt Nam từ lâu đã được nhắc tới với hiệu quả kinh doanh tốt, cổ tức đều đặn ở mức cao.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, mức tăng trưởng của một số doanh nghiệp đã không còn tích cực như trước, khi phải đối diện với những khó khăn vì nội lực tự thân và không gian mở rộng bị hạn chế.
Một số chỉ tiêu tài chính (tính tới năm 2018) của các doanh nghiệp dịch vụ hàng không
Nhóm dịch vụ trước nhà ga (taxi, xe bus, vận chuyển hành khách) gồm có CTCP Dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài (mã NAS), CTCP Dịch vụ hàng không Taseco (mã AST) hoạt động tại Sân bay Nội Bài. Phía trong nhà ga, hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, bán hàng miễn thuế gồm có AST hoạt động tại Nội Bài, Ðà Nẵng, Tân Sơn Nhất; CTCP Dịch vụ Sân bay quốc tế Cam Ranh (mã CIA) tại Sân bay Cam Ranh; CTCP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (mã SAS) tại Sân bay Tân Sơn Nhất.
Phân khúc bán hàng sân bay dù có biên lợi nhuận gộp cao nhưng biên lợi nhuận ròng và ROE thấp nhất trong chuỗi giá trị ngành (SAS và NAS) vì có chi phí quản lý lớn. CIA và AST do còn tham gia vào mảng kinh doanh khác nên chỉ số này cao hơn.
Các phân khúc cơ bản trong lĩnh vực dịch vụ hàng không.
Với CIA, sau khi chứng kiến doanh thu và lợi nhuận cùng sụt giảm năm 2018, diễn biến này có xu hướng tiếp tục kéo dài trong năm 2019. Theo báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019, doanh thu của Công ty đạt 136 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 34 tỷ đồng, lần lượt giảm 28,4% và 64,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
CIA cho biết, lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế, vốn đóng góp lớn vào doanh thu và lợi nhuận của Công ty đã ngừng hoạt động từ tháng 6/2018, dẫn tới sự sụt giảm lớn của các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Ðây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế của Công ty tiếp tục giảm nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018.
Tại phân khúc phục vụ mặt đất, phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh có Công ty TNHH Dịch vụ mặt đất hàng không (AGS) tại Cam Ranh, CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (mã SGN) tại Tân Sơn Nhất và Cam Ranh… Trong khu bay có CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (mã SCS) tại Tân Sơn Nhất, CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (mã NCT) tại Nội Bài… Dịch vụ khác, suất ăn hàng không có CTCP Suất ăn hàng không Nội Bài (mã NCS) tại Nội Bài, CTCP Dịch vụ hàng không Sân bay Ðà Nẵng (mã MAS) tại Sân bay Ðà Nẵng…
Trong đó, dịch vụ suất ăn hàng không (NCS và MAS) có biên lợi nhuận gộp khá thấp nhưng biên lợi nhuận ròng lại cao hơn, nguyên nhân là chi phí tiếp thị, quản lý trong ngành này thấp, nhưng chi phí bán hàng và chi phí hoạt động tương đối cao.
Ðáng chú ý, mảng dịch vụ vận chuyển hàng hóa (NCT, SCS) có suất sinh lời cao nhất do nhu cầu xử lý, lưu và vận chuyển ngày một lớn, trong khi các chi phí ở mảng này chủ yếu là chi phí cố định. Vậy nhưng, trong thời gian qua, NCT lại chứng kiến doanh thu và lợi nhuận giảm nhẹ. Cụ thể, kết quả kinh doanh năm 2018 của NCT ghi nhận doanh thu đạt 690 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 241 tỷ đồng, giảm 12%. 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu và lợi nhuấn sau thuế của Công ty đạt 331 tỷ đồng và 115 tỷ đồng, lần lượt giảm 0,6% và 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động của các công ty xếp dỡ hàng hóa như NCT phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó hàng hóa xuất khẩu tạo doanh thu lớn hơn so với nhập khẩu. Ðồng thời, mức phí hàng hóa xuất nhập khẩu cao gấp 2,5 lần so với hàng hóa nội địa. Những thay đổi trong cơ cấu hàng hóa đã khiến doanh thu của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng. Ðáng chú ý, việc chiến tranh thương mại tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu và sản lượng hàng hóa qua Sân bay Nội Bài theo chiều hướng tiêu cực sẽ tác động mạnh tới hoạt động của NCT trong thời gian tới.
Trong khi đó, doanh thu của SCS tăng trưởng mạnh, đồng thời tổng chi phí tăng chậm hơn nhiều (doanh nghiệp không mất chi phí bán hàng) đã giúp SCS có biên lãi ròng cao. Biên lãi gộp của Công ty liên tục tăng trong những năm gần đây, từ 66% năm 2014 lên 69,7% năm 2015, tăng tiếp lên 72,4% năm 2016, 77% năm 2017 và 78% năm 2018. Hiện Công ty là một trong hai nhà cung cấp dịch vụ hàng hóa hàng không cho Sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), do đối thủ của SCS là TCS đã đạt công suất tối đa và không còn quỹ đất để mở rộng, nên SCS là đơn vị hưởng lợi chính từ tăng trưởng sản lượng hàng hóa. Trong khi đó, kinh doanh nhà ga hàng không đòi hỏi doanh nghiệp phải có mặt bằng khai thác và nhà kho để lưu trữ hàng hóa. Hiện tại, có ít không gian trống tại Sân bay Tân Sơn Nhất, đồng nghĩa rất khó để các công ty mới gia nhập ngành. Nhờ tình hình cạnh tranh không gay gắt, SCS có thể tăng phí dịch vụ để bù đắp khi chi phí đầu vào tăng.