Cơ hội “cất cánh” của cổ phiếu ngành hàng không

(ĐTCK) Số lượng hành khách hàng không tăng mạnh trong các năm qua và dự báo triển vọng tích cực giai đoạn tới đang mở ra cơ hội “cất cánh” cho cổ phiếu doanh nghiệp ngành hàng không.
Quý I/2017, doanh thu dịch vụ vận chuyển hành khách của Vietjet tăng 44% cùng kỳ Quý I/2017, doanh thu dịch vụ vận chuyển hành khách của Vietjet tăng 44% cùng kỳ

Tăng trưởng ngành ấn tượng

Vào một ngày như mọi ngày, nhất là những giờ cao điểm trong ngày khi số lượng các chuyến bay cất, hạ cánh dày hơn giờ sáng sớm, dòng người xếp hàng trước quầy thủ tục kiểm tra an ninh tại Sân bay Tân Sơn Nhất rất dài.

Trước đây, khu vực kiểm tra an ninh dành cho khách của Vietnam Airlines, Vasco… chỉ gồm 4 hàng thẳng, thì trong thời gian vừa qua đã chuyển thành một dải đường zig-zắc và chỉ phân nhánh khi vào tới gần nhân viên làm thủ tục kiểm tra an ninh.

Dòng người ken đặc cũng xuất hiện ở khu vực làm thủ tục kiểm tra an ninh cho khách của Vietjet Air. Hành khách dường như đã quen với tình trạng xếp hàng dài, nhích từng bước và chờ đợi.

Thay vì có mặt ở sân bay trước 40 phút so với giờ khởi hành của chuyến bay như khuyến nghị, những người có kinh nghiệm, nếu không phải là hành khách ưu tiên (do hạng vé cao hơn, sở hữu thẻ thành viên hạng cao…), thường đến sớm hơn để không bị vội vàng.

Trên mạng xã hội, trong năm qua, tần suất xuất hiện những ý kiến về việc máy bay phải bay vòng trên bầu trời, cất cánh chậm vì thiếu đường băng… của hành khách đi máy bay, nhất là ở đầu Sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng nhiều. Thực tế cho thấy, đi máy bay không còn là điều quá xa xỉ với đa số người dân.

Thu nhập trung bình của người dân tăng lên. Nhu cầu đi lại của các thương nhân, người đi làm ngày một lớn. Đặc biệt, sự bùng nổ của ngành du lịch tạo nên cú huých cho sự tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam.

Cơ hội “cất cánh” của cổ phiếu ngành hàng không ảnh 1

 Dư địa để Vietnam Airlines tăng hiệu quả khai thác chuyến bay còn lớn

Báo cáo phân tích ngành hàng không của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho thấy, trong 5 năm qua, tính trên tiêu chí về lượng khách vận chuyển tại các cảng hàng không, ngành hàng không Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép trung bình ở mức 17,4%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 7,9%.

Báo cáo tổng kết năm 2016 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) cho thấy, trong năm 2016, với 24 triệu hành khách quốc tế và 57 triệu hành khách nội địa làm thủ tục tại sân bay, sản lượng hành khách thông qua cảng của Tổng công ty đạt gần 81 triệu, vượt 7% kế hoạch năm và tăng 28% so với năm 2015.

Năm 2017, ACV dự báo sẽ có khoảng 91 triệu lượt khách qua cảng hàng không, bao gồm 27 triệu lượt khách quốc tế và 64 triệu lượt khách nội địa, tương ứng mức tăng khoảng 13% về sản lượng hành khách so với năm 2016.

Không chỉ tăng về lượng hành khách, mà sản lượng hàng hóa, bưu kiện vận chuyển qua đường hàng không cũng tăng. Năm 2016, sản lượng hàng hóa, bưu kiện tăng 15% so với năm 2015. Năm 2017, ACV ước tính, mức tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2016.

Dự báo của ACV cũng như sản lượng thực tế hành khách, hàng hóa lưu chuyển bằng đường hàng không những năm gần đây thường lớn hơn số liệu dự báo cho thấy, ngành hàng không Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Triển vọng cổ phiếu ngành hàng không

Năm 2016, Công ty cổ phần Hàng không VietJet (Vietjet Air, mã chứng khoán VJC) ghi nhận doanh thu ấn tượng, với 8.574 tỷ đồng doanh thu vận chuyển khách nội địa, 802 tỷ đồng doanh thu vận chuyển khách quốc tế, 2.632 tỷ đồng doanh thu từ cho thuê máy bay. Trong khi đó, năm 2015, doanh thu các mảng tương ứng là gần 6.725 tỷ đồng, 481 tỷ đồng và 1.336 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các con số nêu trên chưa tính đến doanh thu từ khối dịch vụ phụ trợ, với mức tăng 58,6% trong năm qua.

Còn khoảng 1 tháng nữa để có báo cáo tài chính bán niên 2017 của Vietjet Air, nhưng với tốc độ tăng doanh thu dịch vụ vận chuyển hành khách 44% của quý I/2017 so với cùng kỳ năm trước và tình trạng khan hiếm vé ở nhiều chặng bay trong nước suốt những tháng qua, Vietjet Air có thể tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao về doanh thu trong quý II.

Hiện tại, cổ phiếu VJC đang được giao dịch với mức định giá P/E trên 16 lần, P/B xấp xỉ 22 lần. Đây là mức định giá không rẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng và xu hướng chiếm lĩnh thị trường của Vietjet Air trong giả định không có các yếu tố biến động lớn từ vĩ mô có thể sẽ là những yếu tố giúp mức định giá cổ phiếu VJC sớm giảm về mặt bằng định giá chung, bởi lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) cũng như giá trị sổ sách tăng lên.

Cùng làm dịch vụ vận tải hành khách hàng không, nhưng cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) có mức định giá thấp hơn nhiều so với VJC.

Trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu HVN dao động nhẹ quanh mức 27.000 đồng/CP, trong khi cổ phiếu VJC được giao dịch trong khoảng 125.000 - 130.000 đồng/CP.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 tổ chức ngày 20/6, nhiều cổ đông hy vọng tìm được lời giải cho khả năng tăng giá của cổ phiếu HVN, nhưng Ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, mức giá này cũng gần với định giá Tổng công ty của các tổ chức định giá chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, dư địa để Vietnam Airlines tăng hiệu quả khai thác chuyến bay sẽ lớn, khi xu hướng sử dụng máy bay của người dân tăng lên. Đặc biệt, vị thế dẫn đầu ở mảng dịch vụ hàng không truyền thống cùng chính sách đầu tư, nhất là khả năng nhận cú huých tăng trưởng cả về hoạt động kinh doanh lẫn giá nếu tiếp tục bán cổ phần cho đối tác chiến lược... sẽ là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của HVN. 

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục