Khủng hoảng lớn của ngành F&B
Thống kê của Dcorp R-Keeper Việt Nam và Statista cho thấy, ngành F&B Việt Nam hiện có 540.000 cửa hàng ăn uống, 22.000 cửa hàng cà phê, quầy bar và trên 80.000 nhà hàng theo mô hình chuỗi. Doanh thu trong năm 2019 chạm mốc 200 tỷ USD, tăng 34,3% so với năm 2018. Dự báo doanh thu của ngành này có thể đạt 408 tỷ USD vào năm 2023.
Có nhiều tiềm năng và tăng trưởng nhanh, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhiều cửa hàng, chuỗi nhà hàng ăn uống lâm vào tình trạng khó khăn, phải tạm đóng cửa, trả lại mặt bằng… Gần đây, Tập đoàn Golden Gate đã phải đóng cửa nhiều cửa hàng. Đặc biệt, sau Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về cách ly xã hội, toàn bộ cửa hàng của gần 30 thương hiệu trong tập đoàn này đã phải đóng cửa.
Ông Mai Trường Giang, chủ doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bánh Chewy Chewy và gà rán Otoke Chicken cho biết, đơn vị ông bị thiệt hại nặng khi doanh thu giảm 40 - 50%. Nếu dịch tiếp tục kéo dài, Công ty có thể phải cắt giảm thêm 30% nhân sự, đóng cửa văn phòng, cho mọi người tự nguyện nghỉ hoặc làm việc tại nhà với mức lương giảm 30%. Trường hợp xấu nhất, Công ty có thể phải đóng cửa toàn bộ các nhà hàng và buộc phải tuyên bố phá sản.
Liên kết để cứu mình, cứu ngành
Ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ ăn uống, nhà hàng khách sạn, du lịch đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, dồn dập khó khăn bủa vây thời gian qua đã khiến ngành này bị thiệt hại nặng nề. Các chuyên gia cho rằng, cần khẩn trương đưa ra các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành này phục hồi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải thích nghi với hoàn cảnh mới, có những kế hoạch, chiến lược kinh doanh hợp lý để tự cứu lấy mình.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ nhau vượt qua “cơn bão” Covid-19, bởi toàn ngành phải sống sót thì doanh nghiệp mới có cơ hội tồn tại.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, trước hết, phải tự cứu mình. Ông gợi ý, đây là lúc các doanh nghiệp cần thực hiện tái cấu trúc, trong đó tập trung xem xét các điều kiện để đổi mới tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ, cơ cấu lại thị trường, tổ chức lao động để tăng hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh; nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số và hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp; thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí, giảm giá thành.
Đồng quan điểm, theo chuyên gia Phạm Thái Bình, các doanh nghiệp nên đầu tư áp dụng công nghệ vào sản xuất - kinh doanh, cắt giảm chi phí, tối ưu hóa các quy trình, chuyển đổi số và coi đây là các giải pháp ưu tiên để tự cứu mình trong nghịch cảnh.
Xoay xở trong khó khăn, chuỗi nhà hàng F&B Foods Center đã nhanh chóng chuyển sang hoạt động ở “chế độ online”, phục vụ khách trực tuyến. Đồng thời, F&B Foods Center tung ra các sản phẩm chiến lược đáp ứng đúng nhu cầu thiết yếu của người dân, như gói thực phẩm sinh tồn 7 ngày.
Tương tự, ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc Tập đoàn Golden Gate cho biết, Tập đoàn đang đẩy mạnh dịch vụ giao hàng G-delivery và iCook. “Đó là giải pháp ngắn hạn trong thời gian này. Còn nếu dịch bệnh kéo dài thì rất có thể, chúng tôi sẽ phải nghĩ đến những chiến lược mới để phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng, trong đó, không loại trừ khả năng đưa ra các thương hiệu mới. Đặc biệt, Golden Gate cũng sẽ bắt tay cùng các doanh nghiệp, cá nhân các trong ngành F&B để cùng phát triển liên minh F&B, hỗ trợ nhau phục hồi toàn ngành”, ông Khánh chia sẻ.
Cũng theo ông Khánh, đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả hết sức nặng nề đối với kinh tế nói chung và ngành F&B nói riêng. Không chỉ Golden Gate, mà gần như tất cả các doanh nghiệp F&B đều gặp khó khăn. Vì vậy, với vai trò là doanh nghiệp lớn trong ngành, Golden Gate tiên phong thành lập “Liên minh F&B Việt Nam thời Covid” nhằm tập hợp, dẫn dắt, hỗ trợ các thành viên cùng chung tay hành động đưa thị trường F&B vượt qua bão Covid-19.
Nói rõ hơn về liên minh này, ông Khánh cho biết, với diễn biến Covid-19 đang ngày càng phức tạp, gần như cả ngành F&B đều “lao đao”, thì tính cạnh tranh đã không còn là điều quan trọng nhất. Theo ông, doanh nghiệp cần hỗ trợ nhau vượt qua “cơn bão” này, bởi toàn ngành phải sống sót thì doanh nghiệp mới có cơ hội tồn tại.
“Chúng tôi đã xác định, Liên minh F&B là một cộng đồng hoạt động lâu dài. Trong tương lai, Liên minh sẽ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kiến thức, thông tin... Khi dịch bệnh đi qua, có lẽ vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ. Liên minh F&B, với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia ẩm thực, đại diện từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn…, nên sẽ chia sẻ những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ. Tôn chỉ, định hướng của Liên minh là phát triển ngành F&B, từ đó thúc đẩy nền kinh tế cùng đi lên”, đại diện Tập đoàn Golden Gate nhấn mạnh.