Chuẩn bị ra hàng ngay sau Tết
Ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Bất động sản An Gia cho biết, ngay khi kết thúc đợt nghỉ Tết Tân Sửu, Công ty bắt tay ngay vào việc chuẩn bị đưa ra thị trường những lô chung cư còn lại tại dự án West Gate ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) và một số dự án tại Bình Dương, Long An.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2024, An Gia dự kiến lần lượt bàn giao khoảng 4.523 sản phẩm từ các dự án Sky89, The Sóng, The Standard và Westgate. Trong đó, 3 dự án đầu sẽ bàn giao trong giai đoạn 2021-2022. Ngoài ra, khoảng 27.600 sản phẩm mới tại các khu vực TP.HCM, Bình Dương, Long An sẽ được bàn giao từ năm 2023.
“Những con số này kỳ vọng sẽ mở ra một hành trình mới của An Gia trên con đường kiên định mục tiêu trở thành nhà phát triển các khu phức hợp quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố lân cận TP.HCM và là nhà phát triển đô thị trong 5 năm tới", ông Tín nhấn mạnh.
Tại Thắng Lợi Group, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Công ty cho hay, năm 2021, doanh nghiệp vẫn giữ mục tiêu tung ra thị trường 3-4 dự án vùng ven, cung cấp 3.000-4.000 sản phẩm nhà liền thổ xây sẵn. Về kế hoạch kinh doanh chung, Công ty sẽ có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Ông Quyền tiết lộ, năm ngoái, Thắng Lợi Group đã 3 lần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để thích ứng với diễn biến của 2 đợt dịch. Theo kế hoạch ban đầu, Công ty dự kiến giới thiệu ra thị trường 3-4 dự án mới, nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên đã giảm rổ hàng xuống, chỉ tung ra 2 dự án với gần 2.000 sản phẩm chào bán ra thị trường giáp ranh TP.HCM, kèm theo chiến dịch bán nhà phố tặng nền đất.
“Chúng tôi luôn có 2-3 kế hoạch dự phòng để ứng phó nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp”, ông Quyền nói và chia sẻ thêm, Thắng Lợi Group còn hướng tới niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thời gian tới. Kế hoạch này từng bị hoãn lại do dịch Covid-19 bất ngờ ập đến. Mọi điều kiện để được niêm yết, Thắng Lợi Group đã đạt, vấn đề chỉ là chọn thời điểm thích hợp, có thể là quý IV/2021 hoặc quý I/2022 tùy thuộc thời điểm nào có thể mang lại hiệu quả cao nhất cho nhà đầu tư.
Còn với Van Phuc Group, ngay trong ngày trở lại làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết (mùng 6 Tết Tân Sửu), Công ty đã công bố kế hoạch đầu tư thêm vào dự án Khu đô thị Van Phuc City (TP. Thủ Đức, TP.HCM). Cụ thể, năm 2021, Van Phuc Group sẽ dành khoản ngân sách 3.500 tỷ đồng để đầu tư vào 12 hạng mục công trình với 3 nhóm chính là vui chơi giải trí, thương mại dịch vụ và nhà ở sinh thái ven sông.
Cũng trong năm nay, Van Phuc Group tiếp tục đưa ra các dòng sản phẩm mới, trong đó có sản phẩm lần đầu tiên được ra mắt là khu biệt thự cao cấp mặt tiền sông Van Phuc Jardin Villas gồm 54 căn biệt thự đơn lập có diện tích từ 34 -351 m2, bên cạnh dòng sản phẩm nhà phố truyền thống là căn hộ cao cấp từ 1-3 phòng ngủ có diện tích từ 55-100 m2.
Ngoài ra, Van Phuc Group cũng sẽ khởi công xây dựng hơn 100 căn biệt thự Sunlake Villas và Parkview Villas bên hồ Đại Nhật. Đây là dòng sản phẩm được khách hàng ưa chuộng với diện tích từ 161-204 m2.
Ngoài những doanh nghiệp nói trên, hàng hoạt doanh nghiệp khác như Tập đoàn Novaland, Hưng Thịnh Group, Phú Đông Group, Him Lam Land, Phát Đạt, Phúc Khang, Phú Long, C.T Group, Tập đoàn Danh Khôi... cũng chuẩn bị đưa dự án mới ra thị trường.
Luôn tiến về phía trước
“Trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn đến đâu chúng ta vẫn phải tiến về phía trước”. Đây là tâm tư mà bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land (công ty thành viên của Tập đoàn Vạn Phúc) chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán những ngày đầu năm mới.
Theo bà Hương, năm qua là một năm đầy thử thách khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng toàn cầu. Với doanh nghiệp bất động sản, ngoài nỗ lực tự thân, linh hoạt và chủ động trong kế hoạch đầu tư, kinh doanh, kỳ vọng về sự thay đổi cơ chế chính sách và thủ tục pháp lý sẽ tạo thêm động lực phát triển trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, tại các thời kỳ thấp điểm của thị trường, các sản phẩm bất động sản mang tính đầu tư thuần túy bị ảnh hưởng nhiều nhất vì không phải là ưu tiên hàng đầu, trong khi các sản phẩm bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực vẫn nhận được sự quan tâm nhất định.
“Thị trường càng khó khăn càng có sự sàng lọc mạnh”, bà Hương nói và cho rằng khủng hoảng càng kéo dài, khả năng giảm giá và cắt lỗ sẽ càng cao ở một số sản phẩm đầu tư dùng đòn bẩy tài chính với tỷ trọng lớn.
“Với các chủ đầu tư có thương hiệu, uy tín và năng lực đã được kiểm chứng, các dự án đầy đủ pháp lý được quy hoạch và đầu tư bài bản về sản phẩm và tiện ích, đây vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu của khách hàng”, bà Hương nhấn mạnh.
Còn theo ông theo ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc DRH Holding, sau 1 năm 2020 đầy khó khăn, đây là lúc các doanh nghiệp cần tăng tốc để bù lại “những gì đã mất”. DRH Holding đã sớm vào cuộc tìm kiếm quỹ đất từ đầu năm 2021 để phát triển dự án mới ở một số địa phương, trong đó ưu tiên những nơi có tiềm năng về du lịch, dịch vụ, công nghiệp.
“Mặc dù bước vào năm 2021 với nhiều tín hiệu lạc quan hơn, nhưng trước tình hình dịch bệnh khó lường như hiện nay, doanh nghiệp cũng phải cẩn trọng khi triển khai kế hoạch kinh doanh”, ông Sơn nói và cho rằng, cách tốt nhất là chủ động tái cấu trúc hoạt động và muốn vậy thì phải có tầm nhìn dài hạn, đầu tư dài hạn.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding thì chia sẻ, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lây lan rộng trên thế giới và chưa thể loại trừ được ngay, việc xác định tiếp tục “sống chung với lũ” là điều tất yếu. Asian Holding sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển dự án tại các thị trường vùng ven như Bình Phước, Gia Lai…, đồng thời hướng đến các vùng đất mới như Lâm Đồng hay xa hơn là các tỉnh thuộc miền Trung.
“Dù thị trường có đi lên hay đi xuống, có khó khăn hay cơ hội thì nhu cầu về nhà ở vẫn tăng lên hàng ngày. Bởi vậy, doanh nghiệp không nên quá lo lắng về đầu ra”, ông Hậu tự tin nói.
Bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó tổng giám đốc Kizuna |
2021-2022 sẽ là giai đoạn bùng nổ cộng dồn của thị trường bất động sản công nghiệp nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt. Trong đánh giá của các doanh nghiệp FDI, Việt Nam vẫn điểm đến hấp dẫn giai đoạn 2021-2025, cho nên nguồn cầu bất động sản công nghiệp là rất lớn, bao gồm cả đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn trong khu công nghiệp.
Trong ngắn hạn, nguồn cung bất động sản công nghiệp có thể chưa đáp ứng được nhu cầu tăng cao, các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp trong nước tiếp tục gặp sự cạnh tranh lớn, đặc biệt từ các quỹ đầu tư, tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Do đó, để tăng sức cạnh tranh, các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, chất lượng dịch vụ và tạo giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư bằng việc đầu tư, phát triển các dự án bất động sản công nghiệp theo hướng tạo môi trường sinh thái kinh tế, chứ không chỉ là môi trường sản xuất truyền thống như hiện nay.
Ông Trần Lê Thanh Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Danh Việt Group |
Dịch bệnh đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi việc kinh doanh để vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra. Với Danh Việt Group, khi đưa ra sản phẩm, chúng tôi luôn đặt mình vào tâm thế một khách hàng.
Trong lúc này, phải trả lời được câu hỏi vì sao mình phải mua sản phẩm và phải mua sản phẩm vì những yếu tố nào? Dựa trên những suy nghĩ như vậy, Danh Việt Group thấy rằng, ngoài việc đầu tư cho sản phẩm, đầu tư vào thiết kế và chiều sâu quản lý vận hành phải được chỉnh chu, thì phần còn lại là thuyết phục khách hàng chọn sản phẩm của mình.
Chẳng hạn, tại Danh Việt, khách hàng chỉ cần thanh toán mỗi tháng 1%, tổng giá trị thanh toán đến khi nhận nhà chỉ 49% giá trị căn hộ. Doanh nghiệp có thể chịu thiệt hơn một chút, nhưng khách hàng sẽ dễ đưa ra quyết định mua nhà trong giai đoạn kinh tế khó khăn này hơn.
Ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc COPiHOME |
Năm nay sẽ là năm của sự phục hồi, nhưng chưa có sự đột phá.
Nguồn cung sẽ có sự cải thiện, các chủ đầu tư sẽ đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Tôi cho rằng, năm nay, đất nền và bất động sản công nghiệp vẫn sẽ là hai phân khúc sáng nhất.
Thời gian qua, đất nền vùng ven gần như “miễn nhiễm” với Covid khi một số khu vực tại Hà Nội và TP.HCM vẫn giao dịch khá sôi động, giá tăng nhẹ.
Còn với bất động sản công nghiệp, đây là phân khúc thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất lớn. Hơn nữa, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất ra khỏi Trung Quốc cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam, thúc đẩy thị trường phát triển sôi động.