Doanh nghiệp địa ốc “thích ứng” để vượt sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường còn nhiều yếu tố bất định, doanh nghiệp bất động sản “thích ứng” bằng cách đưa ra những chiến lược kinh doanh mới.
Thị trường bất động sản còn dư địa phục hồi trong những tháng cuối năm. Ảnh: Dũng Minh Thị trường bất động sản còn dư địa phục hồi trong những tháng cuối năm. Ảnh: Dũng Minh

Linh hoạt thay đổi chiến lược

Vào trung tuần tháng 5/2022, Vinhomes công bố đề án triển khai 500.000 căn nhà ở xã hội Happy Home có giá bán dưới 1 tỷ đồng/căn trong 5 năm tới. Đến tháng 7/2022, hai dự án nhà ở xã hội đầu tiên được nhà phát triển dự án này khởi công xây dựng tại Thanh Hóa và Quảng Trị với quy mô 3.500 căn.

Theo các chuyên gia, việc phát triển dòng sản phẩm nhà ở xã hội dù mang về lợi nhuận không cao bằng nhà ở thương mại, nhưng có thể là bệ đỡ quan trọng để Vinhomes giữ được sự ổn định trong hoạt động kinh doanh và có cơ hội tiếp cận dòng vốn tín dụng theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, phát hành cổ phiếu cho quỹ đầu tư ngoại là hướng đi được một số doanh nghiệp có thương hiệu khác lựa chọn. Đơn cử, mới đây, Novaland công bố nhận khoản đầu tư 250 triệu USD từ nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu. Số tiền dự kiến được phân bổ cho việc gia tăng quỹ đất và phát triển các dự án của Novaland ở các vị trí chiến lược, tận dụng cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện ở khu vực phía Nam.

Tại cuộc gặp mặt nhà đầu tư diễn ra vào tháng 8/2022, Ban lãnh đạo Novaland cho biết sẽ mở bán 3 dự án mới vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023, bao gồm 1 dự án ở miền Trung và 2 dự án ở TP.HCM, trong đó có dự án Grand Sentosa (trước đây là Kenton Node) ở huyện Nhà Bè.

Ngoài các dự án nói trên, tại Lâm Đồng, Novaland sắp cho ra mắt dự án NovaWorld Da Lat quy mô 1.000 ha, cùng với đó là đề xuất nghiên cứu, lập ý tưởng quy hoạch và báo cáo đề xuất đầu tư dự án hồ Đăk Long Thượng quy mô khoảng 30.000 ha tại huyện Bảo Lâm, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10 tỷ USD và nghiên cứu thêm các quỹ đất dọc cao tốc Liên Khương - Prenn với tổng quy mô hơn 3.000 ha. Song song với đó, chủ đầu tư này cũng chuẩn bị giới thiệu ra thị trường dự án NovaWorld Mui Ne - Marina City quy mô 680 ha tại Phan Thiết…

Bên cạnh bất động sản, với ý tưởng phát triển hệ sinh thái, gắn kết sâu với chuỗi khu đô thị, Novaland và các thành viên trong Tập đoàn NovaGroup gần đây đã dành nguồn lực đáng kể để phát triển hệ thống siêu thị, các trung tâm chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, vui chơi giải trí, mua sắm, văn hóa nghệ thuật và thể thao. Các hoạt động kinh doanh phụ trợ này có thể chỉ đóng góp tỷ trọng nhỏ trong cấu trúc lợi nhuận của Tập đoàn, nhưng mang lại hiệu ứng tốt trong việc bán hàng, thu hút dân cư và khách du lịch, hỗ trợ tỷ lệ lấp đầy các dự án đô thị, khu nghỉ dưỡng do doanh nghiệp này phát triển.

Tập đoàn Đất Xanh lại có kế hoạch chuyển nhượng các dự án nhỏ (quy mô 1-2 ha) tại TP.HCM để tập trung triển khai các dự án quy mô lớn hơn ở các địa phương, đồng thời đặt mục tiêu mở rộng quỹ đất phát triển dự án lên 4.148 ha trong năm 2022, tăng 81% so với năm 2021 thông qua việc mua thêm đất tại các dự án khu đô thị quy mô lớn như Gem Diamond Bay tại Ninh Thuận (915 ha), DXH Opal Green City tại Bình Phước (300 ha), Gem City Riverside tại Quảng Nam (278 ha)...

Để có nguồn tài chính phục vụ mục tiêu phát triển quỹ đất trong dài hạn, ngoài bán các dự án nhỏ, Đất Xanh cũng sẽ gia tăng sử dụng đòn bẩy nợ vay trong giai đoạn 2022-2024, mà trước mắt là phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 60 tháng và nguồn tiền thu về từ đợt phát hành này được dùng để mua 800 triệu cổ phiếu phát hành mới của Công ty Hà An, công ty con phát triển hầu hết các dự án bất động sản của Đất Xanh.

Phân khúc căn hộ chung cư có khả năng mang lại ổn định trong dài hạn. Ảnh: Dũng Minh

Phân khúc căn hộ chung cư có khả năng mang lại ổn định trong dài hạn. Ảnh: Dũng Minh

Còn dư địa hồi phục những tháng cuối năm

Theo ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần SeaHoldings, thị trường địa ốc ngày càng phân hóa rõ nét, khi nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ đang phải gồng mình vượt khó thì những doanh nghiệp lớn với lợi thế về nguồn lực tài chính, quỹ đất… có cơ hội phục hồi nhanh hơn, liên tục tìm những hướng đi mới để tạo nguồn doanh thu cũng như tạo nền tảng bứt phá khi khó khăn qua đi.

Cụ thể hơn, ông Phương cho rằng, hiện nay, những vướng mắc về pháp lý đất đai hay hoạt động kinh doanh bất động sản đang dần được tháo gỡ thông qua việc sửa đổi một loạt sắc luật liên quan, lạm phát cũng đang được Nhà nước kiểm soát tốt…, cho nên những sản phẩm gắn với nhu cầu thực như căn hộ chung cư có cơ sở để hồi phục nhanh những tháng cuối năm 2022.

“Trong các kênh đầu tư hiện nay, bất động sản vẫn là kênh an toàn và có khả năng mang lại lợi nhuận ổn định trong dài hạn, đặc biệt là phân khúc nhà chung cư. Dẫu vậy, thị trường đang dần bước sang một thời kỳ mới, người mua sẽ đòi hỏi nhiều giá trị gia tăng hơn không chỉ đối với nhu cầu ở, mà cả hoạt động đầu tư”, ông Phương nói.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhìn nhận, thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 vẫn còn dư địa hồi phục và kịch bản tích cực nhất là thanh khoản và giá bất động sản vẫn giữ ở mức ổn định, các chủ đầu tư sẽ gia tăng các chính sách bán hàng để hỗ trợ sức cầu, thu hút nhà đầu tư.

“Từ quý IV/2022, thị trường bất động sản sẽ phục hồi dần, bắt đầu từ các phân khúc nhà ở xã hội, bất động sản du lịch. Các sản phẩm bất động sản khác vẫn giữ giá để chờ nguồn cung mới, đặc biệt tại 2 đô thị lớn nhất cả nước Hà Nội, TP.HCM và khu vực lân cận”, ông Lực nói.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục