Đồng loạt tung sản phẩm mới ra thị trường
Những ngày giáp Tết Giáp Thìn, ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group vẫn đang tất bật với kế hoạch kinh doanh năm 2024 của tập đoàn mình. Ông Phúc cho biết, năm 2024 sẽ là năm bận rộn với toàn bộ nhân viên Tập đoàn khi đây là thời điểm bàn giao nhà cho khách hàng tại dự án Phú Đông Sky Garden (dự kiến diễn ra vào tháng 6/2024).
“Đây là dự án cao cấp với 640 căn hộ chung cư tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Dự án được Phú Đông Group triển khai từ năm 2021, hiện đang gấp rút hoàn thiện để bàn giao nhà cho khách hàng vào ở”, ông Phúc nói và chia sẻ thêm, ngoài dự án này, Phú Đông Group còn lên kế hoạch bán hàng cho một dự án chung cư khác tại đây là Phú Đông SkyOne. Dự án mới được khởi công xây dựng trên diện tích hơn 5.600 m2, quy mô khoảng 780 căn hộ, khách hàng hướng tới là những người trẻ và người lao động phổ thông tại Bình Dương và các địa phương lân cận.
Tương tự, Tập đoàn Vạn Phúc đang gấp rút cho kế hoạch ra mắt dự án chung cư cao cấp đầu tiên tại Khu đô thị Vạn Phúc City. Bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc (công ty thành viên của Tập đoàn Vạn Phúc) cho hay, những năm qua, Tập đoàn chủ yếu phát triển dòng sản phẩm biệt thự, nhà phố, nay phát triển thêm dòng chung cư cao cấp để đa dạng hóa sản phẩm cũng như phù hợp với quy hoạch dự án và nhu cầu của người dân.
“Theo kế hoạch, ban đầu dự án chung cư mới sẽ cho ra mắt hơn 200 sản phẩm trong quý I/2024, sau đó giỏ hàng được phân phối dần cho các quý tới, tổng số sản phẩm của dự án là hơn 5.000 sản phẩm. Hiện dự án đã hoàn thành hạ tầng cơ sở như trường học, bệnh viện, giao thông, khu vui chơi giải trí… phục vụ cư dân về ở. Ngoài ra, Tập đoàn Vạn Phúc sẽ tiếp tục ra mắt các phân khu biệt thự, nhà phố tiếp theo của dự án Vạn Phúc City”, bà Hương thông tin thêm.
Tại Tập đoàn Bcons, với kế hoạch sẽ IPO trong năm 2024, nhà phát triển bất động sản này đã chuẩn bị sẵn quỹ đất với tổng diện tích 35 ha để triển khai các dự án từ nay đến năm 2030. Ngoài ra, định hướng của Bcons là trở thành tập đoàn đa ngành, phát triển thêm các lĩnh vực giáo dục, dịch vụ, logistics…, bên cạnh lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản.
“Để đáp ứng cho quy mô phát triển lớn mạnh trong giai đoạn tới, Bcons sẽ niêm yết 20 triệu cổ phần, tương đương 200 tỷ đồng vốn điều lệ lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm nay và hiện đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục”, ông Lê Như Thạch - Chủ tịch Hội đồng quản trị Bcons cho hay.
Thông tin từ Tập đoàn Novaland cho biết, năm 2024 sẽ tuyển dụng thêm nhân sự cho hệ thống kinh doanh, tập trung triển khai mở bán sản phẩm mới tại các phân khu dự án Aqua City tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, các dự án nghỉ dưỡng tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM, bên cạnh đó là bàn giao nhà cho khách hàng tại các dự án ở TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận.
Với Tập đoàn Hưng Thịnh, năm 2024 được xem là năm “bản lề” cho sự hồi phục tăng trưởng với việc mở bán dự án chung cư mới tại TP.HCM và các dự án tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Ngoài những cái tên kể trên, nhiều nhà phát triển bất động sản khác như Phú Long, Gamuda Land, Trần Anh Group, Cát Tường Group, Nam Group, An Gia, Pi Group… cũng đã có kế hoạch ra mắt các dự án mới, trong đó đa phần hướng vào các phân khúc nhà ở vừa túi tiền, tập trung chủ yếu ở các thị trường phụ cận TP.HCM.
Nhiều dự án nhà ở mới được tung ra thị trường. Ảnh: Việt Dũng |
Cơ hội không chia đều
Nhìn vào “bảng kế hoạch” trên có thể thấy, năm 2024 sẽ là năm cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà phát triển dự án, bởi sự xuất hiện của nguồn cung mới cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh gia tăng.
Ông Trần Xuân Ngọc - Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Long chia sẻ, một trong những mục tiêu quan trọng của Tập đoàn là đưa sản phẩm nhà ở vừa túi tiền đến với khách hàng, đồng thời cải thiện cách tiếp cận khách hàng, tức là không chỉ dừng ở việc tung ra sản phẩm có giá bán ưu đãi, mà còn phải đáp ứng được nhu cầu từ thị trường.
Theo ông Ngọc, để chuẩn bị cho sự phục hồi, doanh nghiệp phải chấp nhận bỏ qua những lợi ích nhỏ để cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng việc xây dựng chính sách xoay quanh khách hàng, trong đó doanh nghiệp sẽ đóng vai trò điều phối, phối hợp với các bên liên quan từ ngân hàng đến nhà thầu, nhà cung cấp… để tạo điều kiện tốt nhất cho người mua nhà.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định, sự hồi phục của thị trường bất động sản sẽ rõ nét hơn từ đầu quý II/2024 khi các chính sách hỗ trợ ngấm sâu hơn. Về phía doanh nghiệp, trong tình hình hiện nay, cần thể hiện quyết tâm hơn trong việc cơ cấu lại các phân khúc sản phẩm, hướng tới các sản phẩm phục vụ số đông như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở bình dân để cải thiện thanh khoản; hạn chế đầu tư dàn trải, giảm đòn bẩy nợ vay và đa dạng hóa nguồn vốn để giảm bớt rủi ro...
Ở góc nhìn khác, ông Ngô Quang Phúc cho rằng, không phải tất cả các doanh nghiệp trên thị trường đều phải tái cơ cấu hay điều chỉnh giá, chỉ những doanh nghiệp định giá sản phẩm của mình cao hơn giá trị thực tế, gây mất cân đối giữa giá trị và giá cả, thì nay buộc họ phải có sự điều chỉnh mới có thể bán được sản phẩm, còn đối với những doanh nghiệp đã định giá đúng thì không thể giảm giá thêm được.
Theo ông Phúc, để đạt được sự hài hòa, chủ đầu tư cần tính toán kỹ lưỡng chi phí đầu vào và xác định mức lợi nhuận kỳ vọng hợp lý, chứ không thể cao như trước. Việc đưa ra một mức giá bán phù hợp sẽ vừa được người tiêu dùng chấp nhận, vừa mang lại lợi nhuận cho chủ đầu tư.
“Trong hoạt động tái cơ cấu, mỗi doanh nghiệp sẽ có cách tiếp cận khác nhau, những doanh nghiệp có phương án định giá đúng sẽ kinh doanh hiệu quả. Ngược lại, những doanh nghiệp không có chiến lược định giá đúng, đưa ra tiêu chí lợi nhuận quá cao so với giá trị thực có thể đối mặt với khả năng thất bại trong kinh doanh”, ông Phúc nói.