Doanh nghiệp địa ốc “đua” hút vốn chứng khoán

(ĐTCK) Nhu cầu vốn lớn để phát triển các dự án cũng như cơ cấu lại các hoạt động tài chính đang thúc đẩy nhiều doanh nghiệp bất động sản huy động vốn trung - dài hạn thông qua việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), niêm yết trên sàn chứng khoán…
Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung - dài hạn, phù hợp với mục tiêu của các doanh nghiệp bất động sản

Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch lên sàn

Được kỳ vọng sẽ trở thành thương vụ IPO tiêu biểu của năm 2023, nhưng cuộc khủng hoảng của thị trường trái phiếu cũng như khó khăn chung của ngành bất động sản đã kéo lùi kế hoạch lên sàn của Hưng Thịnh Land - một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất ở khu vực phía Nam.

Tháng 7/2022, trước khi khó khăn ập tới, Hưng Thịnh Land đã huy động được 103 triệu USD từ Dragon Capital và VinaCapital - hai quỹ đầu tư nước ngoài vốn khá “mát tay” trong việc đưa doanh nghiệp địa ốc trong nước lên sàn chứng khoán như Hải Phát Invest hay Cenland trước đó.

Cho tới thời điểm hiện tại, việc niêm yết của Hưng Thịnh Land chưa có thông tin mới, nhưng trong những chia sẻ gần đây, VinaCapital vẫn đánh giá cao cơ hội huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp địa ốc nói riêng, khả năng hồi phục của ngành bất động sản nói chung. Về phía Hưng Thịnh Land, việc được LPBank cam kết giải ngân 5.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023 phần nào cho thấy triển vọng của doanh nghiệp này, qua đó thúc đẩy kế hoạch niêm yết sớm được triển khai trở lại.

Không chỉ Hưng Thịnh Land, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng có kế hoạch huy động vốn trên sàn chứng khoán trong bối cảnh nguồn vốn trung - dài hạn cho phát triển dự án không còn dồi dào như trước.

Chẳng hạn, trong tháng 2/2024, Bcons - chủ đầu tư một loạt dự án khu vực ven TP.HCM như Bcons Suối Tiên, Bcons Miền Đông, Bcons Green View, Bcons Garden... đã hé lộ kế hoạch IPO ngay trong năm nay. Cụ thể, Bcons sẽ niêm yết khoảng 20 triệu cổ phần, tương đương khoảng 200 tỷ đồng vốn điều lệ trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục. Dựa theo mô phỏng và dự phóng, giá mục tiêu của cổ phiếu Bcons khi lên sàn khởi điểm là 47.000 đồng/cổ phiếu.

Câu chuyện IPO năm nay cũng được nhắc tới với cái tên Metro Star, nhưng không phải ở trong nước, mà trên sàn chứng khoán Hồng Kông - Trung Quốc (HKEX). Thực tế, thông tin này đã được công bố từ tháng 10/2023, cùng với sự chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần và biến động cơ cấu cổ đông với sự xuất hiện của Công ty Bất động sản Chính Tâm và một số cổ đông cá nhân khác, Metro Star kỳ vọng việc niêm yết sẽ mang lại cơ hội huy động nguồn vốn lớn từ nước ngoài.

Lãnh đạo Metro Star cho hay, cổ phiếu Công ty được nhà thẩm định giá quốc tế Grant Thornton của Anh định giá vượt 133.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức vốn hóa lên tới gần 15.800 tỷ đồng. Theo chia sẻ của vị này, để được niêm yết trên thị trường chính của HKEX, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp phải đạt tối thiểu 500 triệu HKD (hơn 1.500 tỷ đồng), lãi ròng tối thiểu 45 triệu HKD (hơn 140 tỷ đồng) trong vòng 2 năm kinh doanh được theo dõi và 35 triệu HKD (hơn 108 tỷ đồng) cho năm kinh doanh thứ ba, đồng thời ban quản trị doanh nghiệp hạn chế thay đổi trong 3 năm kinh doanh được theo dõi.

Niêm yết là câu chuyện đường dài

Doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường vốn, huy động được vốn trên thị trường chứng khoán thì phải minh bạch và để minh bạch cần có hệ thống quản trị chuyên nghiệp, bài bản.

Theo báo cáo của Deloitte, tại khu vực Đông Nam Á, thị trường IPO của Việt Nam kém sôi động khi chỉ có 3 thương vụ diễn ra trong năm 2023, huy động được 7 triệu USD, giảm tới 90% so với năm 2022. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng đã phải hoãn lại kế hoạch lên sàn trong năm qua do thị trường không thuận lợi.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, câu chuyện niêm yết dường như sáng hơn khi thị trường chứng khoán tăng điểm trở lại đi kèm với thanh khoản cải thiện. Hiệu ứng chính sách và quyết tâm vực dậy thị trường địa ốc cũng như toàn nền kinh tế của Chính phủ đã thúc đẩy các doanh nghiệp bất động sản tăng cường gọi vốn qua sàn chứng khoán, nhất là khi việc huy động vốn qua các kênh tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp… còn khó khăn.

Chẳng hạn, hồi đầu năm nay, Taseco Land đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán TAL, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 21.000 đồng/cổ phiếu.

Taseco Land hiện là chủ đầu tư một loạt dự án bất động sản ở nhiều địa phương như Khách sạn và căn hộ cao cấp À La Carte Halong Bay ở TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; Khu nhà ở Riverview Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; Tòa nhà N01 - T6 Khu Ngoại giao đoàn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Khu đô thị trung tâm TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa…

Ngoài các dự án do Taseco Land làm chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản này còn đóng vai trò tư vấn quản lý cho các dự án của Công ty mẹ Taseco, chẳng hạn dự án Khu dân cư đô thị cao cấp tại xã Cửa Cạn, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; dự án đầu tư xây dựng các lô đất thấp tầng TT32, TT84, TT164 tại Khu đô thị mới Nam An Khánh, Hà Nội...

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuối tháng 2/2024, một trong những giải pháp trọng tâm là tiếp tục đa dạng hóa hàng hóa trên thị trường, khuyến khích các hoạt động chào bán, phát hành ra công chúng và gắn IPO với việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên các Sở giao dịch chứng khoán; nâng cao năng lực và an toàn tài chính của hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán thông qua tiếp tục tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, đồng thời đẩy mạnh quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Bà Phạm Thị Thùy Linh, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dù năm 2023 đối diện với nhiều khó khăn, nhưng hoạt động huy động vốn (cổ phiếu và trái phiếu) của doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán vẫn tăng 34% so với năm 2022. Đây vừa là kênh huy động nguồn vốn dài hạn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, vừa giúp củng cố danh tiếng của doanh nghiệp, qua đó thu hút được dòng vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn trên sàn chứng khoán, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, cơ quan này đang rà soát Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, trong đó tập trung vào quy định về hoạt động chào bán, niêm yết, đăng ký giao dịch.

“Thời gian qua, chúng tôi nhận thấy hoạt động IPO gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch có những vướng mắc khiến thời gian đưa cổ phiếu lên sàn bị kéo dài. Sau khi doanh nghiệp thực hiện IPO, Sở giao dịch chứng khoán mới thực hiện các khâu kiểm tra nội dung để đưa cổ phiếu lên niêm yết/đăng ký giao dịch. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang cùng các Sở giao dịch chứng khoán xây dựng quy chế để rút ngắn thời gian đưa cổ phiếu lên giao dịch”, bà Linh nói.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, diễn biến của thị trường chứng khoán là điều kiện cần để các doanh nghiệp tính toán lên sàn sao cho phù hợp với mục tiêu huy động vốn, còn điều kiện đủ - cũng là điều kiện quan trọng nhất, đó là chất lượng doanh nghiệp có đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư hay không. Trong đó, doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường vốn, huy động được vốn trên thị trường chứng khoán thì phải minh bạch và để minh bạch cần có hệ thống quản trị chuyên nghiệp, bài bản.

“Khi đầu tư vào cổ phiếu bất động sản, nhà đầu tư không chỉ nhìn vào doanh thu, lợi nhuận hàng năm, mà còn là tính hiệu quả của từng dự án và giá trị quỹ đất đang sở hữu. Doanh nghiệp nào đáp ứng được các tiêu chí này sẽ giành nhiều lợi thế trong việc thu hút vốn từ thị trường”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Trang ninh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục