Đón nhiều chính sách mới
“Rất vất vả, chúng tôi đầu tư dự án có quy mô 200 ha, nhưng phải mất 15 năm cho thủ tục hành chính”, là câu cảm thán của bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, trong một buổi tọa đàm về thủ tục đầu tư dự án. Đây cũng là thực trạng mà hầu hết các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM đã phải trải qua.
Trên thực tế, những khó khăn của doanh nghiệp cũng chính là nỗi lo chung của cơ quan chức năng TP.HCM. Đã có rất nhiều cuộc họp được tổ chức, hàng loạt văn bản của các sở, ngành, UBND Thành phố liên tục được góp ý để nhằm tìm cách tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại.
Mới đây, sau nhiều văn bản, cuộc họp góp ý, UBND TP.HCM đã ban hành Đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn Thành phố. Trong đó, nhiều giải pháp được đưa ra để tháo gỡ một phần khó khăn trong việc giao đất, định giá đất, quản lý tài sản công… Cộng thêm Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Nghị định 148/2020/NĐ-CP (Nghị định 148) có hiệu lực, các chuyên gia trong ngành đều hy vọng nỗi vất vả của doanh nghiệp bất động sản sẽ được nhẹ đi phần nào.
Những quy định pháp luật mới sẽ giúp cán bộ, công chức của các địa phương yên tâm thi hành công vụ, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật, tháo gỡ ách tắc cho rất nhiều dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại đã, đang và sẽ được triển khai.
Vui mừng nhưng vẫn phải… chờ
Không giấu niềm vui khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về việc “cởi trói” cho dự án có đất công xen cài, ông Nguyễn Văn Bình, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát chia sẻ, đây là tin rất mừng cho doanh nghiệp, vì Nghị định 148 đã có quy định cụ thể, gỡ khó cho những dự án có đất công nhỏ lẻ không đủ điều kiện tách thửa nằm xen cài.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành tập trung trả lời rõ ràng những phản ánh của doanh nghiệp, hướng dẫn giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp sớm triển khai Dự án
“Riêng với Dự án Green Star Sky Garden tại quận 7, nghị định này sẽ giải quyết được những vướng mắc lâu nay của doanh nghiệp, bởi dự án đã có quy hoạch, đã được chấp thuận đầu tư, cho nên sẽ khá thuận lợi khi thực hiện các thủ tục giao đất”, ông Bình nói.
Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai cũng tỏ ra khá vui mừng khi Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển (Nhà Bè) của Công ty có quy mô hơn 90 ha, đã phải nằm “bất động” cả chục năm không thể triển khai vì một trong những lý do chính là có đất công xen cài trong đất dự án, nay đã có cơ được hồi sinh.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai cho biết, ngay sau khi Nghị định 148 được ban hành, bà rất vui vì hy vọng sẽ cởi trói cho dự án này. Ngày 8/2/2021, khi nghị định có hiệu lực, Công ty bắt đầu liên hệ với các chuyên gia, luật sư để tham khảo ý kiến trong các vấn đề chuyên môn nhằm chuẩn bị cho việc xúc tiến những thủ tục cần thiết để hoàn thiện pháp lý, đưa các dự án hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vì những chính sách mới được ban hành và chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể nên trước mắt các doanh nghiệp vẫn tiếp tục chờ.
“Không chỉ đối với Nghị định 148, mà Luật Đầu tư (sửa đổi) năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 cũng chưa có hướng dẫn thi hành, nên doanh nghiệp tiếp tục gặp khó trong việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư”, bà Loan nói.
Liên quan đến việc chấp thuận đầu tư, số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, chỉ riêng năm 2020, Sở Xây dựng đã chuyển 61 dự án sang Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án, nhưng không có dự án nào được Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND Thành phố để ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Nguyên nhân do vướng mắc về dự án đầu tư, dự án bất động sản, nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, trong đó bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, xen kẽ các thửa đất do Nhà nước quản lý trong dự án, nên tình trạng “dậm chân tại chỗ” cứ thế tiếp diễn, mặc cho doanh nghiệp kêu trời.
Thậm chí, có dự án dù không vướng đất công, nhưng nhà đầu tư vẫn bị các sở, ngành chức năng yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần, khiến cho doanh nghiệp khó khăn chồng chất.
Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp địa ốc đầu năm 2021, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận không đạt chỉ tiêu. Lãnh đạo Thành phố luôn lắng nghe và muốn đồng hành, tháo gỡ cho doanh nghiệp, nhưng trong thực tế đã có sự trì trệ trong thực thi pháp luật ở các sở, ngành.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành tập trung trả lời rõ ràng những phản ánh của doanh nghiệp, hướng dẫn giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để sớm triển khai dự án. Những vấn đề chưa thể trả lời trong hôm nay, thì đề nghị trong vòng 7 ngày làm việc phải có văn bản trả lời, hướng dẫn cụ thể.
“Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện để thống nhất về dự thảo Đề án tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư các dự án nhà ở. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền Thành phố thì ban hành văn bản thực hiện ngay, những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương thì đăng ký làm việc với Chính phủ để tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành. Thực tế cho thấy, thời gian qua, sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa đồng bộ”, ông Nguyễn Thành Phong nói.