Doanh nghiệp dệt may vượt khó

(ĐTCK) Báo cáo phân tích của SSI Research cho thấy, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may có dấu hiệu chững lại, khi đạt 10,8% trong tháng 5, xấp xỉ mức tăng trưởng 2 tháng trước đó và thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (23%). Chỉ số công nghiệp may mặc tháng 5 tăng 9,6%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 17%.
Doanh nghiệp dệt may vượt khó

Con số này gây chú ý bởi dệt may được đánh giá là ngành hưởng lợi lớn từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam mới ký kết như CPTPP và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, Công ty đang phải đối mặt với áp lực chi phí đầu vào gia tăng mạnh trong khi doanh thu suy giảm. Cụ thể, doanh thu 5 tháng đầu năm giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi chi phí tiền lương tăng từ 10 - 12% kéo theo chi phí bảo hiểm tăng; giá điện tăng 8%; giá than, chi phí logistic và các chi phí sản xuất khác cùng đi lên.

“Chí phí tăng nhưng giá bán không thay đổi, thậm chí giảm khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hơn. Nhiều khách hàng lấy giá của thị trường Malaysia (nước đang được miễn thuế xuất khẩu dệt may) làm giá cơ sở với các đơn hàng mua ở Việt Nam”, ông Trịnh cho hay.

Theo ông Trịnh, nhận định bối cảnh chung khó khăn hơn nên Hội đồng quản trị đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng. Năm 2018, May Hồ Gươm đạt doanh thu 364 tỷ đồng và năm nay, Công ty chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 2 - 3% doanh thu.

Chi phí tăng cao cũng là câu chuyện đang diễn ra ở Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex (mã chứng khoán VGT, sàn UPCoM). Vinatex chưa công bố số liệu doanh thu 5 tháng đầu năm, nhưng quý I/2019, doanh thu thuần của Vinatex đạt 4.523 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn bán hàng tăng 194 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 4,8%; chi phí lãi vay tăng 13 tỷ đồng, lên tới hơn 111 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 6 tỷ đồng so với cùng kỳ. Sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn dệt may quý I/2019 đạt 194,3 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2019, VGT đặt kế hoạch tổng doanh thu 22.185 tỷ đồng, tăng 9,6%; lợi nhuận trước thuế đạt 839 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh chi phí tăng, việc đạt được các chỉ tiêu kế hoạch này là một thách thức. Năm 2018, VGR mới hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu (với 19.101 tỷ đồng) và 97% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (với 761,4 tỷ đồng).

Không nằm ngoài bối cảnh chung của ngành, khi chịu sự gia tăng về chi phí sản xuất, nhưng tại CTCP Đầu tư và thương mại TNG, theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty, lợi nhuận vẫn tăng trưởng tích cực là nhờ doanh thu vẫn tăng trưởng tốt.

Theo lãnh đạo TNG, trong 5 tháng đầu năm 2019, Công ty đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng ông Thời cho biết, lợi nhuận 5 tháng sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ 2018.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán cách đây không lâu, ông Thời cho biết, TNG triển khai hệ thống giám sát chi phí đầu vào (điện, nước, bao bì…) bằng phần mềm. Công cụ kiểm soát chặt chẽ giúp TNG cải thiện giá vốn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng tích cực nâng cao năng suất lao động thông qua ứng dụng các máy cắt tự động, máy trải tự động.

Cải thiện giá vốn cũng là nhóm giải pháp được CTCP Sản xuất thương mại May Sài Gòn (Garmex Saigon - GMC) tiến hành trong quý I/2019. Doanh nghiệp này đã cải tiến, nâng cao năng suất lao động, nhờ đó, lợi nhuận sau thuế của Công ty trong kỳ đạt 26,6 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của GMC trong quý I/2019 đạt 404 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2019, GMC đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 78 tỷ đồng, chi trả cổ tức với tỷ lệ dự kiến 20 - 30%.

Từ nay đến cuối năm, một số doanh nghiệp xác định vẫn còn khó khăn phải đối mặt, nhưng bên cạnh đó, mở rộng thị trường và gia tăng đơn hàng được các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng để có tăng trưởng.

SSI Research nhận định, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã diễn ra gần một năm nhưng các tác động đến kinh tế Việt Nam nhìn ở thương mại và đầu tư vẫn chưa thực sự rõ nét. Sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc nếu có xảy ra lại nằm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm nên khó có thể ước lượng được sức tăng tổng cầu với hàng hóa Việt Nam sẽ cải thiện tới mức nào.               

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục