“Các đơn hàng khẩu trang đã đảo chiều, số lượng không nhiều trong khi giá lại giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất. Hiện tại, khi thế giới đang bước vào thời kỳ không thể kiểm soát được dịch bệnh, dòng tiền trong các quốc gia đều đang ở trạng thái cạn kiệt và nhu cầu tiêu dùng giảm, nên quý III và quý IV của năm 2020 mới thật sự là thử thách lớn đối với hầu hết các doanh nghiệp dệt may”, ông Trường lo ngại.
Báo cáo tài chính quý II vừa được Vinatex công bố cho thấy, trong kỳ, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 3.082 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ 2019; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 120,1 tỷ đồng, giảm 22%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 7.046 tỷ đồng, giảm 24,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 276 tỷ đồng, giảm 20,7%. Trong đó, riêng tháng 4, Tập đoàn hầu như không có doanh thu do ảnh hưởng của lệnh giãn cách xã hội.
Một số đơn vị thành viên nổi trội của Tập đoàn như Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG), CTCP Sợi Phú Bài (SPB) đều suy giảm lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, khiến thị giá cổ phiếu giảm từ 25-50% giá trị.
Không chỉ các doanh nghiệp dệt may, hiện nay, các công ty sợi đều đồng loạt báo lỗ. Ðiểm sáng duy nhất trong 6 tháng đầu năm 2020 là trữ lượng tiền mặt cuối kỳ của Tập đoàn chỉ giảm khoảng 10% nhờ các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”.
Cũng chịu tác động chung từ dịch Covid, kết quả tình hình sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty May 10 - CTCP trong 6 tháng qua cũng bị ảnh hưởng mạnh trong mảng sản phẩm truyền thống.
Ước tính, doanh thu các mặt hàng may mặc truyền thống của May 10 chỉ đạt khoảng 70% so với cùng kỳ.
Sản lượng thấp hơn khoảng 2 triệu sản phẩm so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm khoảng 27%.
Năng suất lao động bình quân đạt 94,5%. Dự báo những tháng cuối năm 2020, doanh nghiệp sẽ ở trong tình cảnh khó khăn, khi việc sản xuất khẩu trang và bộ bảo hộ y tế đã trở nên bão hòa, nhu cầu thị trường giảm; lượng đơn hàng may mặc truyền thống chưa phục hồi.
Ðể đối phó với tình hình đơn hàng suy giảm mạnh trong các tháng cuối năm, Tổng giám đốc May 10 Thân Ðức Việt cho biết, Công ty sẽ tăng cường nhận làm những sản phẩm mà các doanh nghiệp khác không làm được, chấp nhận đáp ứng các điều kiện về giao hàng, chất lượng sản phẩm, số lượng nhỏ để có được đơn hàng dù giá thị trường đang giảm, nhưng năng suất vẫn đảm bảo để có thu nhập, tạo doanh thu, duy trì lợi nhuận.
Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên - CTCP, hiện nay, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III và đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng cho quý IV nhằm duy trì sản xuất và doanh thu.
Còn tại Tổng CTCP Dệt may Nam Ðịnh, ông Nguyễn Văn Miêng, Tổng giám đốc cho biết, để đảm bảo có doanh thu và duy trì việc làm cho người lao động, Tổng công ty buộc phải tính tới thay đổi trong cơ cấu sản xuất.
Dự báo quý III và IV/2020, sản lượng vải sản xuất sẽ giảm khoảng 230.000-300.000 mét. Do đó, doanh nghiệp sẽ tập trung mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc, bán sản phẩm đã qua hoàn tất và cung cấp cho các công ty may nhằm tận dụng tối đa các đơn hàng.
Theo nhận định của ông Vũ Ðức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu đến tháng 12/ 2020, thế giới chưa kiểm soát được đại dịch, nhu cầu may mặc toàn cầu sẽ giảm sâu vào cuối năm 2021 và ảnh hưởng vẫn còn kéo sang năm 2022. Ðại dịch chắc chắn sẽ là thách thức trong vòng hai năm tới với các doanh nghiệp ngành may.
Dòng tiền của doanh nghiệp sẽ cực kỳ khó khăn do không có đơn hàng, hàng sản xuất xong không xuất khẩu được, bị khách ép giá; xuất đi nhưng đối tác không thanh toán...