Nguyên nhân, một phần do kết quả kinh doanh quý IV vừa được các doanh nghiệp công bố khả quan, một phần do những thông tin trên truyền thông về khả năng ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2015, sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp dệt may.
CTCP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) công bố kết quả kinh doanh năm 2014 ước tính với doanh thu 2.543 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,3%; lợi nhuận sau thuế 164 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2013. Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), kết quả trên là do mảng sợi bị ảnh hưởng nặng cùng với diễn biến giảm của giá bông. Đồng thời, khâu may của TCM cũng đã hoạt động hết công suất từ năm 2013, nên doanh thu ở mảng này hầu như không có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của mảng dệt và khâu may được cải thiện nên kết quả lãi sau thuế tốt. TCM lên kế hoạch năm 2015 với doanh thu 2.780 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 170 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức thực hiện năm 2014.
CTCP Mirae (KMR) đạt 346 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế giảm hơn một nửa so với năm 2013, còn 8,8 tỷ đồng, do không có khoản hoàn nhập dự phòng (23 tỷ đồng) như năm 2013 và giá vốn hàng bán tăng mạnh. Công ty mẹ CTCP Sản xuất thương mại may Sài Gòn (GMC) báo kết quả kinh doanh quý IV đạt 283 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 10% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 9 tỷ đồng, giảm 52,6%. Nguyên nhân là do đơn hàng xuất khẩu giảm đáng kể, Công ty sản xuất hàng nội địa để ổn định việc làm cho người lao động. Cả năm, GMC báo lãi 61 tỷ đồng.
Mới đây, Công ty May Việt Thắng cũng báo kết quả năm khả quan với doanh thu 1.570 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% và lãi sau thuế 96,3 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2013.
Bước sang năm 2015, được xem là năm giao thoa các hiệp định thương mại song phương, đa phương, cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, nhiều doanh nghiệp đã tự có sự chuẩn bị bằng cách mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm để đón đầu cơ hội. Cụ thể, TCM đã tiến hành xây dựng nhà máy may ở Vĩnh Long và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ cuối quý II/2015. Cuối năm 2014, công ty này cũng bổ sung 15 máy dệt mới vào dàn máy sản xuất vải cao cấp cho thị trường Nhật. CTCP Đầu tư & Thương mại TNG cũng đang đầu tư xây hai nhà máy may mới Đại Từ và Phú Lương ở Thái Nguyên. Tương tự, KMR đầu tư 3 triệu USD cho việc nâng cấp nhà máy ở Bình Dương và đầu tư mới một dàn máy sản xuất sản phẩm gòn. CTCP Sợi Thế Kỷ dự kiến sẽ đưa vào hoạt động nhà máy Trảng Bàng 3, sẽ giúp Công ty tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận.