Năng suất lao động tăng
Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng, đối với ngành sử dụng nhiều lao động ở mức độ đào tạo đơn giản thì đương nhiên áp lực của việc áp dụng công nghệ 4.0 sẽ trở thành thách thức lớn.
Tuy nhiên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra những cơ hội mới cho ngành. Nếu như từ trước đến nay, các quốc gia đang phát triển, các quốc gia có đông lực lượng lao động đều coi các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản,… là những ngành để tạo việc làm nhưng cũng luôn luôn cho rằng đây là những ngành tạo ra giá trị thấp, thu nhập thấp.
Nhưng, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu được áp dụng một cách sâu rộng, nhanh chóng thì năng suất lao động trên đầu người sẽ có sự cải thiện rất nhanh.
“Việc này khác với việc tăng năng suất thông thường qua sự chuyển đổi đời máy, nâng tốc độ như đã diễn ra trong suốt hơn 2 thập niên qua. Lần này với việc áp dụng tự động hóa, robot và sử dụng các dữ liệu lớn (big data) thì khả năng tăng năng suất sẽ trở thành cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng như bình thường”, ông Trường phân tích.
Ngành dệt may cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới
Vì thế những ngành vẫn bị đánh giá là thu nhập thấp sẽ có khả năng cải thiện rất nhanh thu nhập của mình và tạo ra một ngành dệt may, da giày mới mà ở đó thu nhập của người lao động có thể tiệm cận, tương đương với các ngành khác. Đây cũng chính là cơ hội lớn để ngành tiếp tục thu hút được lượng lớn các lao động, phát triển bền vững hơn, tránh được tình trạng biến động lao động.
Ngành dệt may có 3 lĩnh vực chính là Sợi - Dệt nhuộm - May mặc, trong đó ngành sợi và dệt nhuộm đã ứng dụng tự động hóa cũng như ứng dụng công nghệ thông tin rất nhiều trong thời gian qua, đặc biệt là quá trình này đã nâng cao về năng suất, tốc độ cũng như giảm số người lao động.
Theo số liệu của Vitas, nếu như trước đây 10 năm, 10 nghìn cọc sợi phải dùng đến trên 110 lao động thì đến năm 2016, những doanh nghiệp tiên tiến nhất của Việt Nam với 10 nghìn cọc sợi cũng chỉ cần 25 - 30 lao động, giảm gần 4 lần so với trước đây.
Nói một cách khác, năng suất lao động trên đầu người đã tăng gần 4 lần trong thời gian vừa qua.
Nếu ngành sợi và dệt nhuộm có tốc độ tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao từ sớm và sử dụng ít lao động thì ngành may có những điểm khác biệt hơn.
Các doanh nghiệp làm hàng may mặc cho rằng, đối với khâu may có 2 loại sản phẩm chính, một là những sản phẩm mang tính chất thời trang, có nhiều chi tiết khó và liên tục thay đổi, do vậy khu vực sản phẩm thời trang cao cấp sẽ khó để thực hiện được tự động hóa trong sản xuất bởi vì quy mô đơn hàng nhỏ, kiểu dáng thay đổi liên tục, nhiều kích cỡ khác nhau sẽ là những trở ngại cho việc áp dụng robot trong việc sản xuất.
Tuy nhiên, những khu vực sản xuất hàng hóa mang tính chất chuẩn mực với nhiều chi tiết cố định, ít thay đổi thì hoàn toàn có khả năng áp dụng robot và hiện tại robot đang đi vào những công đoạn khó như ghép cổ, vào tay, măng séc, những công đoạn đòi hỏi tay nghề người công nhân cao, năng suất phụ thuộc vào người công nhân thì đã có những thiết bị tự động hóa cho khu vực này để giảm số lượng công nhân, tăng được năng suất và đặc biệt là ổn định chất lượng giữa các sản phẩm với nhau.
Khi năng suất lao động tăng nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ thì hệ lụy tất yếu là nguy cơ mất việc làm của lao động trong ngành cũng tăng. Theo một báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), dự báo máy móc công nghệ 4.0 có thể thay thế 65% lao động dệt may, da giày của Indonesia, 86% của Việt Nam, 88% của Campuchia trong một thập niên tới.
Chi đầu tư công nghệ mới trong DN sẽ lớn hơn
Ông Lê Tiến Trường nhận định, áp dụng công nghệ thế hệ mới sẽ giúp cho năng suất lao động được tăng lên và sử dụng ít lao động hơn nên khoảng cách về chi phí lao động trong 1 sản phẩm giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển sẽ ngày càng hẹp lại. Chính vì thế có những mặt hàng giá trị cao, nếu được tự động hóa thì hoàn toàn có thể quay về chính quốc để sản xuất.
Tất nhiên, không có nghĩa là đồng loạt tất cả các mặt hàng đều có khả năng dịch chuyển. Bản chất thì trong kết cấu của sản phẩm vẫn có chi phí lao động, vì thế với loạt hàng lớn chi phí này vẫn đáng kể, ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nơi sản xuất có chi phí thấp. Xu thế là có thể những mặt hàng rất cao cấp hoặc số lượng nhỏ, trong đó chi phí lao động chiếm tỷ trọng thấp, nay lại được bổ xung bằng tự động hóa thì sẽ có khả năng quay trở về chính quốc.
Như vậy, đối với doanh nghiệp dệt may, trong giai đoạn tới, việc cần chuẩn bị quan trọng nhất đó là luôn luôn cập nhật tình hình về công nghệ của thế giới trong lĩnh vực này và phải chấp nhận trong giai đoạn này, tốc độ thay đổi công nghệ trên thế giới sẽ diễn ra nhanh hơn trước kia.
Nếu trước đây trung bình 5 năm ngành may mới có một loạt công nghệ mới, có khoảng cách về năng suất, chất lượng so với công nghệ cũ; ngành sợi khoảng 10 năm; ngành dệt nhuộm khoảng 15 năm; thì với cách mạng công nghiệp 4.0, khoảng thời gian sẽ ngắn lại. Các doanh nghiệp cần liên tục cập nhật trong quá trình đầu tư mới để có thể tiếp cận với công nghệ hiện đại, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam sẽ bị mất cạnh tranh do lạc hậu. Cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới.
Đại diện Tổng công ty CP cho rằng, doanh nghiệp xác định sẽ tăng đầu tư trong giai đoạn tới. Dẫu vậy, việc đầu tư sẽ được thực hiện trên cơ sở không tự động hóa bằng mọi giá để vừa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động vừa quan tâm sử dụng nguồn lao động dồi dào của Việt Nam.