Doanh nghiệp dầu khí tự tin bước vào quý III

(ĐTCK) Báo cáo sơ bộ kết quả của các doanh nghiệp dầu khí gửi Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) cho thấy, lợi nhuận tăng cao so với kế hoạch đặt ra. Đây là tín hiệu tích cực cho kế hoạch sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp những tháng cuối năm.
Hiện PV Drilling đang nỗ lực tìm kiếm hợp đồng khoan dài hạn tại nước ngoài để tối ưu chỉ số sử dụng giàn khoan.

Doanh thu và lợi nhuận đều tăng

Doanh thu hợp nhất 6 tháng của Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC; mã CK: PVS) dự kiến đạt 11.620 tỷ đồng, trên tổng kế hoạch năm 2025 là 22.500 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 681 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

PTSC tiếp tục duy trì ổn định hoạt động của đội tàu, đảm bảo cung cấp dịch vụ an toàn, hiệu quả và đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Tiếp tục cung cấp tàu lai dắt và trực ứng cứu sự cố tràn dầu cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Lợi nhuận trước thuế chủ yếu được đóng góp tương đối ổn định từ công ty liên doanh liên kết (~50%), là điều kiện tốt trong tương lai khi hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng trưởng. PVS nắm giữ lượng tiền mặt lớn, chủ yếu là từ khách hàng ứng trước và phải trả người bán, tạo thuận lợi cho PVS trong quá trình triển khai dự án, giảm chi phí vốn vay ngân hàng và chủ động hơn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tiềm năng doanh thu hoạt động kinh doanh tới từ các dự án đang được triển khai trong năm 2024 (gói thầu thượng nguồn của dự án khí Lô B Ô Môn, dự án dầu Lạc Đà Vàng) và các dự án xây lắp dầu khí tiềm năng khác.

PVS được dự kiến hưởng lợi từ các dự án xây lắp điện gió ở nước ngoài, cụ thể là Đài Loan (Trung Quốc) và khu vực châu Âu. Mảng kinh doanh Kho nổi chứa sẽ tiếp nối thành công của mảng M&C trong giai đoạn 2025-2027, sau khi khai thác được dòng dầu khí đầu tiên vào cuối quý IV/2026.

Với Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV DRILLING; mã Ck: PVD), doanh thu 5 tháng đầu năm ước đạt 3.263 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế đạt 426 tỷ đồng, cao hơn gần 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, do nhu cầu khoan tại thị trường trong nước thấp trong thời gian tới, chủ yếu là các chương trình ngắn hạn và rời rạc, PV Drilling tiếp tục nỗ lực tìm kiếm hợp đồng khoan dài hạn tại nước ngoài để cải thiện và tối ưu chỉ số sử dụng giàn khoan. Bên cạnh đó, các dự án khác liên quan đến khoan cũng được xem xét phát triển, cung cấp ở thị trường nước ngoài theo các giàn khoan.

Riêng việc thành lập liên doanh tại Indonesia, ngày 5/11/2024, Hội đồng thành viên PVN đã có Nghị quyết số 8144/NQ-DKVN thông qua chủ trương góp vốn thành lập liên doanh tại Indonesia. Hiện PV Drilling đang tiến hành các thủ tục tiếp theo ở Indonesia để thành lập Liên doanh.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Trong 6 tháng đầu năm 2025, BSR đã sản xuất hơn 3,84 triệu tấn sản phẩm, đạt doanh thu 69.365 tỷ đồng, nộp ngân sách 7.411 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch ước gần 500 tỷ đồng.

Với Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), trong 6 tháng đầu năm 2025, BSR đã sản xuất hơn 3,84 triệu tấn sản phẩm, đạt doanh thu 69.365 tỷ đồng, nộp ngân sách 7.411 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vượt xa kế hoạch đề ra (ước gần 500 tỷ đồng).

Với tình hình hiện nay, BSR xác định ổn định vận hành và nâng cao năng lực dự báo là ưu tiên hàng đầu. Công ty đã sớm xây dựng các kịch bản vận hành theo biến động giá dầu, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo từng giai đoạn. Nhờ điều hành linh hoạt, Nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn duy trì công suất ở mức cao và hiện đang vận hành ở mức 124%.

Cụ thể, phân xưởng CDU được nâng công suất khả dụng từ 114% lên 118% và đang trong quá trình đánh giá để nâng tiếp lên 120%. Phân xưởng RFCC đạt công suất cận biên 110% nhờ bổ sung nguyên liệu trung gian như VGO, LSFO. Phân xưởng KTU được vận hành đến 140% nhằm tận dụng giá bán xăng máy bay (Jet-A1) cao hơn dầu DO để tăng doanh thu. Những điều chỉnh mang tính kỹ thuật - vận hành này đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và gia tăng biên lợi nhuận trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.

Dù thị trường còn nhiều biến động, BSR vẫn đảm bảo vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất an toàn, ổn định, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Không chỉ tập trung vào sản xuất, BSR còn thể hiện sự nhạy bén trong công tác kinh doanh và quản lý chuỗi cung ứng. Công ty phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong hệ sinh thái Petrovietnam như PVOIL, PV GAS, PVNDP để tối ưu hóa liên kết chuỗi - từ nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, hoạt động xuất bán sản phẩm được duy trì ổn định, tồn kho được kiểm soát hợp lý, giảm áp lực lưu kho và góp phần quan trọng vào việc ổn định dòng tiền trong giai đoạn khó khăn.

Bên cạnh đó, một giải pháp đột phá khác của BSR là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số trong điều hành. Đầu tháng 6/2025, BSR đã ra mắt và xuất bán thành công sản phẩm nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Đây không chỉ là bước tiến thương mại, mà còn khẳng định năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới và khả năng bắt nhịp xu hướng năng lượng sạch toàn cầu.

Đồng thời, BSR cũng đã triển khai mô hình Nhà máy số, bước đầu mô phỏng hoạt động phân xưởng RFCC bằng phần mềm Petro-SIM và sẽ mở rộng sang phân xưởng CCR, NHT. Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao hiệu suất vận hành, kiểm soát dữ liệu và ra quyết định điều hành theo thời gian thực.

Trước bối cảnh giá dầu thô toàn cầu liên tục biến động do xung đột địa chính trị và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, BSR không lựa chọn cách tiếp cận thụ động hay đối phó tình huống. Thay vào đó, Công ty đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản khác nhau, dựa trên phân tích sâu sắc các xu hướng giá dầu, diễn biến cung - cầu và tác động từ các yếu tố địa chính trị quốc tế. Mỗi kịch bản đều gắn liền với kế hoạch sản xuất, nhập nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cụ thể, giúp BSR duy trì thế chủ động trước mọi biến số bất ngờ của thị trường.

Một điểm sáng trong chiến lược ứng biến là việc đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào. BSR đã chủ động nhập khẩu và chế biến thành công hơn 20 loại dầu thô đến từ Mỹ, Tây Phi, Nam Mỹ…

Song song đó, Công ty đàm phán để tăng nguồn cung, thử nghiệm nhiều loại hóa phẩm và xúc tác mới nhằm tiết kiệm nguyên liệu, tăng hiệu suất chế biến và giảm phát thải. Việc vận hành đồng thời hai phân xưởng thu hồi lưu huỳnh SRU1 và SRU2 giúp BSR thu hồi khoảng 13 tấn/ngày, đồng thời mở rộng khả năng chế biến các loại dầu có hàm lượng lưu huỳnh cao - vốn có chi phí thấp hơn, góp phần tiết giảm đầu vào nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra.

Trong khi nhiều doanh nghiệp lo ngại trước sự biến động giá dầu, BSR lại nhìn thấy dư địa lợi nhuận nếu khai thác đúng thời điểm. Crack spread - chênh lệch giữa giá dầu thô và sản phẩm tại thị trường châu Á - tuy bị thu hẹp vào đầu năm nhưng đang trên đà phục hồi trong mùa cao điểm sau tháng 5. Nhạy bén với tín hiệu thị trường, BSR đã kịp thời tái cơ cấu kế hoạch sản xuất kinh doanh để tận dụng lợi thế giá trong giao dịch quốc tế và nội địa.

Minh Đức

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục