Thỏa thuận cổ đông được hiểu là giao dịch/hợp đồng giữa cổ đông sáng lập hoặc nhóm cổ đông lớn với ban điều hành. Khác với điều lệ được công bố công khai, tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp và được đại hội đồng cổ đông thông qua, thỏa thuận cổ đông thường mang tính bảo mật cao, cổ đông nhỏ lẻ không dễ dàng tiếp cận.
Lo ngại giao dịch “ngầm”
Tại hội thảo diễn ra giữa tháng 6/2021 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam với chủ đề quản lý và giải quyết các tranh chấp nội bộ công ty và trong mua bán - sáp nhập doanh nghiệp, nhiều người đã đặt câu hỏi xoay quanh câu chuyện thỏa thuận cổ đông trong công ty đại chúng.
Chẳng hạn, khi doanh nghiệp đăng ký giao dịch/niêm yết chứng khoán trên thị trường chứng khoán tập trung thì các thỏa thuận cổ đông trước đó có bị mất hiệu lực hay không? Có những giao dịch mà đối tác đòi hỏi phải đưa công ty vào làm một bên trong thỏa thuận cổ đông, việc này có ảnh hưởng đến thỏa thuận cổ đông hay không?
Nghị định 59/2011/NĐ-CP quy định, cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp cổ phần hóa không được chuyển nhượng cổ phần trong thời hạn tối thiểu 5 năm, nhưng đại hội đồng cổ đông thường niên nhất trí giảm thời hạn bị hạn chế chuyển nhượng xuống 2 năm thì liệu có hợp lệ và có nguy cơ bị vô hiệu hay không?
Những ý kiến trên cho thấy, thỏa thuận cổ đông trong doanh nghiệp đại chúng vẫn tồn tại và có thể xung đột lợi ích với cổ đông khác.
Báo Đầu tư Chứng khoán từng phản ánh việc giao dịch “ngầm” giữa cổ đông sáng lập tại Công ty cổ phần Đầu tư đô thị Kang Long (Kang Long). Vụ việc lùm xùm vì Công ty Kang Long chấp nhận Công ty cổ phần Thương mại địa ốc Thế giới Lê (Thế giới Lê) sở hữu 30% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn, nhưng sau đó lại kiện cáo nhau. Khi “đáo tụng đình”, vụ việc được làm rõ, Công ty Thế giới Lê không có việc nhận chuyển nhượng cổ phần, góp vốn, việc công nhận tư cách cổ đông chỉ nhằm đảm bảo sự hợp tác giữa 2 doanh nghiệp.
Hệ quả, Công ty Kang Long muốn xóa bỏ tư cách cổ đông của Công ty Thế giới Lê, nhưng bất thành. Điều này ảnh hưởng đến dự án Hong Kong Tower do Công ty Kang Long làm chủ đầu tư, vì nhiều khách hàng đã ký kết hợp đồng đặt cọc, mua bán căn hộ với Công ty Thế giới Lê.
Ba “chốt chặn” lớn
Pháp luật hiện nay không có khái niệm “thỏa thuận cổ đông”, nhưng về nguyên tắc, nếu có thỏa thuận thì phải đảm bảo không trái luật và điều lệ doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật ANVI) cho biết, pháp luật hiện nay không có khái niệm “thỏa thuận cổ đông”, mà thuật ngữ này xuất hiện do sự linh hoạt, sáng tạo, biến đổi trên thực tế. Về nguyên tắc, nếu có thỏa thuận thì phải đảm bảo không trái luật và điều lệ doanh nghiệp. Thỏa thuận cổ đông được coi như một hợp đồng/giao dịch với mục đích chủ yếu để các bên phối hợp, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Giống như hợp đồng, một thỏa thuận nếu có sự nhập nhèm hoặc ảnh hưởng đến cổ đông khác thì không có giá trị.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Minh Đức (Công ty Luật DNAS) cho rằng, thỏa thuận cổ đông có thể được hiểu theo hai hướng.
Thứ nhất, đó là thỏa thuận của cổ đông sáng lập trước khi thành lập doanh nghiệp, một số điều khoản của thoả thuận ban đầu này còn hiệu lực đến thời điểm công ty niêm yết.
Thứ hai, đó là những thỏa thuận được hình thành giữa các đối tác/cổ đông lớn/ban điều hành phát sinh trong quá trình hoạt động của công ty, mà vì lý do nào đó, ban điều hành/cổ đông cũ không công bố đầy đủ và có thể tạo ra sự thiếu minh bạch, dẫn tới sự hiểu lầm cho cổ đông nhỏ lẻ.
Luật sư Nguyễn Minh Đức nhận xét, ở các nước phát triển, thỏa thuận giữa cổ đông sáng lập rất phổ biến và rõ nét, vì đó là cơ sở ban đầu để hình thành doanh nghiệp trong giai đoạn đầu. Khi đó, họ sẽ phải ngồi với nhau thỏa thuận góp bao nhiêu tiền, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gì, ai quản lý, có gọi vốn hay không…
Họ hiểu rất rõ về quyền lợi và nghĩa vụ với nhau khi làm ăn nên quy định rất cụ thể. Còn ở Việt Nam, mối hợp tác kinh doanh phần lớn dựa trên quan hệ thân thiết, bạn bè, gia đình, hoặc theo những quan hệ xã hội có lợi ích ngắn hạn, nên không quá chú trọng đến thỏa thuận cổ đông. Hiện nay, tranh chấp nổ ra ngày càng nhiều, các doanh nghiệp dần quan tâm và lập thỏa thuận cổ đông chi tiết, rõ ràng hơn.
Liên quan đến hoạt động của công ty đại chúng, luật sư Nguyễn Minh Đức cho rằng, nếu cổ đông chiến lược hoặc cổ đông nước ngoài có ký kết thỏa thuận với ban điều hành, mà ban điều hành cố tình giấu đi, thì cần phải làm rõ mục đích che giấu là gì.
Việc làm này có thể thực hiện theo nghĩa vụ bảo mật của hợp đồng, vì nếu công bố sẽ gây ra các yếu tố bất lợi cho doanh nghiệp, song cần nhấn mạnh rằng, các thỏa thuận cổ đông có tính chất “riêng tư” trong quá trình điều hành doanh nghiệp không xảy ra thường xuyên và trong mọi trường hợp phải tuân thủ các quy định hiện hành vốn đang tạo ra một mức độ bảo vệ cơ bản cho các nhà đầu tư, cổ đông nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, dưới góc độ quản trị doanh nghiệp, bản thân người điều hành doanh nghiệp sẽ cân nhắc lợi ích chung - riêng của các thoả thuận cổ đông, cũng như việc công bố các nội dung chính của thoả thuận.
“Bên cạnh đó, doanh nghiệp niêm yết còn có vai trò của công ty chứng khoán tham gia vào quá trình xây dựng bản công bố thông tin, bản cáo bạch. Hàng năm, công ty kiểm toán đều tiến hành rà soát tình hình hoạt động tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp thông qua hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính. Thông thường, những công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập được tiếp xúc với tài liệu doanh nghiệp một cách đầy đủ sẽ phát hiện mâu thuẫn, rủi ro (nếu có) đến từ các giao dịch bất thường có giá trị lớn hay quan trọng nào đó. Ngoài ra, các cơ quan quản lý tiếp nhận tài liệu hàng tháng, hàng quý của doanh nghiệp khi niêm yết, công bố thông tin hay có các phát sinh theo đơn thư của các cổ đông nhỏ lẻ… được coi là chốt chặn thứ ba giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm bắt tình hình doanh nghiệp trong trường hợp có các thoả thuận cổ đông riêng gây bất lợi rõ ràng cho các cổ đông nhỏ lẻ”, luật sư Nguyễn Minh Đức nói.