“FPT - vốn là một công ty chuyên về công nghệ thông tin, nên hợp tác với Mỹ là trọng yếu, đặc biệt hợp tác với các tập đoàn hàng đầu đang dẫn dắt nền công nghệ thông tin của thế giới như IBM, Microsoft, Amazon, General Electric (GE) Oracle…”, ông Bình khẳng định và cho biết, trong cuộc cách mạng số dẫn dắt bởi các công ty hàng đầu nước Mỹ về Internet vạn vật thì rất may mắn, FPT được đồng hành tới 6 trên tổng số 7 chuyên gia tiên phong.
“Nước Mỹ đối với chúng tôi là trọng yếu trong hợp tác về công nghệ thông tin, chúng tôi tràn đầy kỳ vọng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam sẽ mở rộng hơn nữa cơ hội hợp tác với các tập đoàn lớn của Mỹ”, ông Bình nói.
Hợp tác với các tập đoàn với Mỹ mang lại tiềm năng và cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam, song các chuyên gia cũng chỉ ra những khó khăn mà hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt. Việc tiếp cận được với lãnh đạo các tập đoàn lớn đã khó, việc gặp được họ để trực tiếp trao đổi, đàm phán, trình bày các kế hoạch ý tưởng hợp tác tiềm năng còn khó hơn gấp nhiều lần.
Để xuất khẩu phần mềm sang Mỹ, điều quan trọng nhất là phải có sự khác biệt trong công nghệ mới mà Việt Nam có thể cung cấp, còn nếu vẫn là công nghệ cũ thì doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với Ấn Độ - quốc gia thuộc nhóm mạnh nhất trong xuất khẩu phần mềm vào thị trường Hoa Kỳ hiện nay.
Cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc đẩy mạnh triển khai các dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, bà Thạch Lê Anh, Giám đốc Vietnam Silicon Valley cho rằng, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sẽ có thúc đẩy nhiều hơn nữa triển vọng hợp tác và giúp tăng tốc các dự án hai bên đã và đang ký kết triển khai.
Để xuất khẩu phần mềm sang Mỹ, điều quan trọng nhất là phải có sự khác biệt trong công nghệ mới mà Việt Nam có thể cung cấp, còn nếu vẫn là công nghệ cũ thì doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với Ấn Độ.
Dự án nổi bật là đề án "Hệ sinh thái thung lũng Silicon tại Việt Nam”, đã được triển khai từ 3 năm, giúp xây dựng một môi trường phát triển lý tưởng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam thông qua đổi mới sáng tạo và thương mại hoá công nghệ bằng cách kết hợp tinh thần kinh doanh và sự sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam cùng những kinh nghiệm của Hoa Kỳ về phát triển, đào tạo, thúc đẩy các doanh nghiệp, cũng như tài trợ và đầu tư cho các doanh nghiệp này.
Bà Lê Anh cho biết, trước chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã có 2 đoàn cấp cao trong Chính phủ Mỹ đến Việt Nam tập trung vào thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và khởi nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng sẽ có thêm động lực để phát triển mạnh hơn lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp dựa trên công nghệ thông tin trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa), ngành phần mềm Việt Nam đã lọt vào TOP 10 nước xuất khẩu phần mềm trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Nhật Bản là lớn nhất.
Theo dự báo của Công ty nghiên cứu Gartner, giai đoạn 2015-2017, tổng chi cho dịch vụ công nghệ thông tin của Mỹ đạt khoảng 1.286 tỷ USD, gấp gần 2,5 lần so với con số tổng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm Australia, Nhật Bản, Newzeland, Singapore, Hàn Quốc. Điều này cho thấy cơ hội cho doanh nghiệp nói chung và Việt Nam nói riêng tại Mỹ là rất lớn.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu phần mềm của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt mức cao và tăng mạnh hàng năm, đặc biệt đạt mức tăng trưởng trên 50% từ năm 2012 trở lại đây. Hiện nay, một số DN công nghệ thông tin Việt Nam, trong đó có FPT Software là một trong những công ty Việt Nam đầu tiên có tên trong TOP 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu do Global Services (Ấn Độ) và NeoGroup (Mỹ) đánh giá.