Vốn ngân hàng cần hỗ trợ các DN mạnh hơn

(ĐTCK) Dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam ngày một rõ nét khi tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,28%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Theo sự khởi sắc của nền kinh tế và nhu cầu vốn tăng lên của các DN, Thiếu tướng, TS. Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, MB sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đồng thời Ngân hàng sẽ cân đối để giảm dần lãi suất nhằm hỗ trợ các DN vay vốn.
6 tháng đầu năm 2015, các chỉ tiêu kinh doanh của MB đều tốt hơn so với cùng kỳ năm trước 6 tháng đầu năm 2015, các chỉ tiêu kinh doanh của MB đều tốt hơn so với cùng kỳ năm trước

Năm 2015, NHNN đặt ra 3 mục tiêu chính, đó là tăng trưởng tín dụng 13 - 15%, thực hiện giảm dần lãi suất cho vay trung và dài hạn; giảm nợ xấu toàn ngành xuống dưới 3%; đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Kết thúc 6 tháng đầu năm, MB đã và đang góp sức thực hiện những mục tiêu chung của ngành như thế nào, thưa ông?

6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt khi chỉ tiêu kinh tế chính GDP có mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trên nền tảng này, hoạt động kinh doanh của MB có nhiều thuận lợi, đóng góp chung vào bức tranh sáng hơn của ngành ngân hàng.

Về nợ xấu, kết thúc 6 tháng đầu năm, nợ xấu của riêng Ngân hàng mẹ MB giảm mạnh, từ mức 2,84% cuối năm 2014, hiện còn 2,04%. Năm 2015, NHNN đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về dưới 3%, đòi hỏi sự quyết tâm lớn của tất cả các tổ chức tín dụng. Với MB, thực tế, chưa năm nào Ngân hàng có mức nợ xấu vượt 3%, nhưng thực hiện chỉ đạo của NHNN, chúng tôi quyết tâm đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống còn dưới 2% vào cuối năm 2015.

Về hoạt động tín dụng, 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu kinh doanh của MB đều tốt hơn so với cùng kỳ năm trước, riêng tăng trưởng tín dụng tăng 10% so với đầu năm. Sự khởi sắc của nền kinh tế khiến nhu cầu vốn của các chủ thể, đặc biệt là khối DN tăng lên rõ nét.

Nhiều DN trước rất khó khăn, nay đã bắt đầu tiếp cận được vốn để khôi phục hoạt động trở lại. Trong bối cảnh này, MB sẽ đề nghị NHNN cho phép điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 20%, thay vì kế hoạch đặt ra từ đầu năm là 17%. Cùng với đó, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vay vốn, MB sẽ xem xét giảm lãi suất cho vay từ 0,2 - 0,5% trong thời gian tới.

Về hoạt động tái cấu trúc, thị trường M&A ngân hàng đang diễn ra rất sôi động. Tại MB, chúng tôi đang tham gia tái cơ cấu 1 công ty tài chính và chuẩn bị điều kiện pháp lý để có thêm nhà đầu tư chiến lược, đủ sức hợp tác phát triển Ngân hàng. 


Vốn ngân hàng cần hỗ trợ các DN  mạnh hơn ảnh 1

TS. Lê Công
 

Tăng trưởng tín dụng dự kiến lên mức 20%, vậy MB sẽ tập trung vốn cho vay với những chủ thể nào trong nền kinh tế, thưa ông?

Theo chỉ đạo của NHNN, MB đã và sẽ tập trung rót vốn vào 5 đối tượng chính gồm các DN vừa và nhỏ; các DN ngành nông nghiệp, nông thôn; các DN công nghệ; các DN hạ tầng logistic và các DN xuất nhập khẩu.

MB đặt mục tiêu giảm nợ xấu về dưới 2% ngay trong năm 2015 liệu có khả thi không, trong bối cảnh việc xử lý nợ xấu nói chung của toàn ngành gặp nhiều vướng mắc pháp lý, thưa ông?

Mục tiêu giảm nợ xấu, giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp không phải là câu chuyện của hiện tại, mà đã được MB đặt ra và thực hiện nhiều năm nay. Trong chiến lược kinh doanh 2011 - 2015, MB đã xác định mục tiêu trọng yếu trong từng giai đoạn.

Những năm kinh tế vĩ mô thuận lợi, MB đã chọn mục tiêu là “tăng trưởng nhanh, bền vững”, sau đó, vào thời kỳ khó khăn từ 2011 đến 2015, chúng tôi điều chỉnh mục tiêu “tăng trưởng hợp lý, phát triển bền vững”, và gần đây là “tái cơ cấu, phát triển bền vững”. Theo đó, lấy phát triển bền vững làm nền tảng, tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với sự phát triển của cả nền kinh tế.

Với định hướng như vậy, nên ngay cả những giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, nợ xấu của MB chưa năm nào vượt quá 3%. Năm nay, NHNN giao MB hạn mức bán nợ xấu cho VAMC ở mức 1.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã bán được 750 tỷ đồng nợ xấu. 250 tỷ đồng còn lại, MB sẽ hoàn tất bán trước 30/9/2015. Cùng với đó, MB đã chủ động, nỗ lực phối hợp với khách hàng để thu hồi nợ.

Trong bối cảnh pháp luật hiện hành chưa trao quyền xử lý tài sản đảm bảo cho chủ thể cung ứng vốn, mỗi ngân hàng sẽ phải tìm ra lời giải riêng để thu hồi nợ, giảm nợ xấu. Tại MB, kết thúc nửa năm 2015, nợ xấu đã giảm mạnh chỉ còn 2,04%, nên chúng tôi đặt quyết tâm đưa tỷ lệ này xuống dưới 2% vào cuối năm 2015.

Quyết tâm của MB cũng nhằm góp sức thực thi mục tiêu của NHNN, giảm nợ xấu toàn ngành về dưới 3% từ tỷ lệ 3,82% hiện nay. Tôi tin rằng, quyết tâm giảm nợ xấu của MB nói riêng, của NHNN nói chung sẽ thành hiện thực, xét trên cả yếu tố thực tế và khoa học.

Sau gần 3 năm UBCK và Bộ Tài chính kiên trì kiến nghị, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP quyết định nới room cho các DN không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nghị định đang tạo nên hiệu ứng tâm lý tích cực cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong bối cảnh này, MB có dự định giải tỏa 10% tỷ lệ room tạm khóa tại HOSE để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư không, thưa ông?

Với ngành ngân hàng, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại Quốc tế (WTO), tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng là 30%.

Tại MB, hiện Ngân hàng đang tạm khóa 10% room cho nhà đầu tư nước ngoài, với dự định dành phần này bán cho nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, việc cởi bỏ 10% room tạm khóa này là việc MB chắc chắn sẽ làm để phù hợp với xu thế chung, nhưng chúng tôi sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp.

Bên cạnh thông tin cổ đông lớn Vietcombank quyết định giữ lại phần vốn góp tại MB và sẽ thoái vốn về dưới 5% tại các ngân hàng khác, cũng có thông tin MB sắp hoàn tất bán cổ phần cho một nhà đầu tư chiến lược lớn trong nước. Thực tế việc này như thế nào, thưa ông?

Đại hội đồng cổ đông của MB năm 2015 đã thống nhất chủ trương năm 2015, Ngân hàng sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Viettel, một số khách hàng quân đội và Tổng công ty Đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Từ năm 2014, SCIC đã tìm hiểu sâu về MB, đánh giá sự phát triển của Ngân hàng. SCIC theo đó cũng đã có báo cáo Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ kế hoạch mua 10% vốn tại MB và kế hoạch này đã có sự thống nhất. Hiện tại, chúng tôi đang báo cáo NHNN, nếu NHNN thông qua, thương vụ SCIC mua 10% cổ phần tại MB sẽ chính thức được thực hiện.

Khi SCIC tham gia với tư cách cổ đông chiến luợc của MB, sẽ không chỉ giúp MB có thêm nguồn vốn mới, mà chắc chắn MB - SCIC sẽ có sự hợp tác về nhiều mặt để mang lại lợi ích cho các bên.

Đã có hàng trăm bài báo viết về Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trong đó đa số cho rằng, quy định hạn chế dòng vốn từ ngân hàng vào TTCK quá chặt. Trên thị trường trái phiếu chính phủ, việc huy động vốn qua thị trường sơ cấp đang giảm rất mạnh. Là người điều hành cao nhất tại MB, đồng thời là một chuyên gia kinh tế, xin ông cho biết, mảng kinh doanh trái phiếu của MB có giữ được hiệu quả như mọi năm không? Thông tư 36 có nên nới lỏng để tạo điều kiện cho cả ngân hàng và các nhà đầu tư chứng khoán không, thưa ông?

Thực tế, hoạt động kinh doanh trên thị trường 2, trong đó có kinh doanh trái phiếu chính phủ trong 6 tháng đầu năm nay của MB có hiệu quả không cao bằng một số năm trước. Một phần vì các ngân hàng, trong đó có MB, phải thực thi các điều kiện quy định chặt chẽ tại Thông tư 36, để lành mạnh hóa mối quan hệ phối hợp giữa ngân hàng với TTCK.

Phần khác vì thị trường trái phiếu chính phủ từ đầu năm đến nay không có nhiều cơ hội, lãi suất trên thị trường sơ cấp được duy trì khá thấp, nên hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng trong mảng này giảm, thậm chí có một số ngân hàng lỗ từ mảng kinh doanh này.

Dù vậy, tôi cho rằng, quan điểm của NHNN về hạn chế dòng tín dụng chảy vào chứng khoán hay lĩnh vực phi sản xuất là rất đúng. Quyết sách này sẽ đảm bảo sự an toàn, lành mạnh cho hoạt động của hệ thống ngân hàng và cả TTCK.

Trước đây, từng có thời kỳ quy định này chưa chặt, vốn tín dụng sang chứng khoán rất dễ dàng, khi chứng khoán gặp rủi ro sẽ quay trở lại ngân hàng, tạo nên rủi ro hệ thống. Những gì đang xảy ra trên TTCK Trung Quốc hiện nay vừa là bài học, vừa là minh chứng cho thấy, việc quản lý dòng tín dụng vào TTCK là rất cần thiết tại Việt Nam.

Xin ông chia sẻ dự báo của mình về các chỉ tiêu kinh tế lớn của nền kinh tế cuối năm 2015?

6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế đang có xu hướng thoát đáy để trở lại chu kỳ tăng trưởng cao như giai đoạn Việt Nam chưa chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008). Tuy nhiên, bên cạnh nhiều yếu tố thuận lợi, nền kinh tế và các DN vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là thách thức từ môi trường kinh doanh nhiều biến động khi Việt Nam chuẩn bị hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh này, tôi cho rằng, mức tăng trưởng GDP cả năm 6,2% mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra là khả thi và hợp lý. Chỉ tiêu lạm phát năm nay có thể sẽ chỉ ở mức 3%, thay vì dự kiến 5% từ đầu năm. Trong ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng NHNN dự kiến 13 - 15%, nhưng với sự khởi sắc của nền kinh tế và nhu cầu vốn tăng lên như hiện nay, khả năng cả năm, tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 17%.

Nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc là rất đáng mừng, nhưng cùng với đó, tôi cho rằng, vốn từ ngân hàng cần hỗ trợ DN và nền kinh tế nhiều hơn nữa, để duy trì và thúc đẩy bước chuyển tiếp của nền kinh tế sang giai đoạn tăng trưởng mới rõ nét hơn.

Tường Vi thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục