Hệ thống ERP giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu hoặc loại bỏ lãng phí, một trong những yếu tố quan trọng tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Trong xu hướng hội nhập thế giới và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống ERP trong quản trị doanh nghiệp và triển khai ứng dụng hệ thống này. Theo ghi nhận của FPT IS, một trong những nhà cung cấp hệ thống phần mềm EPR, đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức lớn trong nhiều lĩnh vực vận hành hệ thống này từ FPT IS như ngân hàng (Vietinbank, OCB); ngành dược (CTCP Dược Thú ý Cần Thơ Vemedim); ngành xây dựng – bất động sản (Tập đoàn Fecon, CTCP Xi măng Thăng Long, CTCP Licogi 16…); thủy sản (CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú); logistics (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn)… Nhiều tập đoàn lớn như Petrolimex, Trung Nguyên, Vingroup, Fecon... đầu tư cho hệ thống phần mềm ERP lên tới hàng triệu USD.
Hiện ngân hàng là lĩnh vực có số lượng dự án ERP triển khai thành công hoặc bắt đầu triển khai nhiều nhất. Từ năm 2015, BIDV đưa hệ thống ERP vào vận hành và đây được coi là dấu mốc quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin của ngân hàng này. Hệ thống ERP đã mang lại nhiều lợi ích cho BIDV, giúp Ngân hàng có thể thực hiện hơn 11 triệu lượt giao dịch của khách hàng trong ngày cuối cùng của năm 2015 (gấp 2 lần so với ngày thường) của Ngân hàng BIDV đã diễn ra suôn sẻ. Hệ thống ngân hàng lõi (Corebanking) và các hệ thống giao dịch khách hàng khác của BIDV vẫn hoạt động bình thường, không phải tạm dừng để chuyển sang ngày tiếp theo như các năm trước.
Cũng nhờ vận hành ERP mà trong kỳ quyết toán cuối năm 2015, BIDV đã có 25.000 yêu cầu quyết toán được giải quyết; 4,5 triệu giao dịch tích hợp kế toán tài chính thành công; hệ thống thường xuyên có khoảng gần 1.000 lượt giao dịch cùng lúc nhưng không bị quá tải. Các công việc chuyển đổi dữ liệu để quyết toán được thực hiện tự động hoàn toàn, thay cho phương thức thủ công các năm trước.
Hàng loạt các ngân hàng khác đã triển khai hệ thống phần mềm quản trị như Vietin Bank bắt đầu ứng dụng phần mềm OGL từ năm 2015; LienViet Post Bank ký hợp đồng triển khai phần mềm nhân sự 2015; Saigon Commercial Bank (SCB) ký kết dự án ERP mới trong năm 2015.
Nhiều dự án ERP trong ngân hàng đã triển khai thành công, như Hệ thống ngân hàng lõi, các ứng dụng kế toán, ngân sách và tích hợp hệ thống cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhờ vậy, năm 2015 là năm đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đóng dữ liệu tháng, đóng năm trên hệ thống. Ngoài ra, còn có những ngân hàng như Maritime Bank, MB cũng đã triển khai thành công ERP.
Việc triển khai doanh nghiệp muốn triển khai ứng dụng ERP tại các ngân hàng cũng có chút khác biệt so với các ngành khác. Bởi lẽ, ngân hàng có đặc điểm là các hoạt động tác nghiệp gắn rất chặt với công nghệ thông tin. Nếu không có công nghệ thông tin, ngân hàng không thể hoạt động được.
Với ngân hàng, hệ thống Core Banking là hệ thống kinh doanh lõi đặc thù của ngành ngân hàng (phục vụ các nghiệp vụ giao dịch với khách hàng). Khác với Core Banking, ERP là hệ thống quản trị nội bộ (back-office) cho tất cả các đơn vị trong ngân hàng, gồm các công ty hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng lẫn các lĩnh vực khác.
Hệ thống ERP cho ngân hàng phải kết nối với hệ thống Core Banking để kế thừa những thông tin về kinh doanh ngân hàng phát sinh từ Core Banking, tổng hợp về ERP. Trong hệ thống ERP cho ngân hàng, các thành phần quan trọng nhất gồm quản trị tài chính - kế toán, mua hàng, nhân sự, hợp nhất tài chính, kế hoạch ngân sách, quản trị quan hệ khách hàng và các báo cáo quản trị.
Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới vowis việc tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Cộng đồng Kinh tế ASEAN... Luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang chảy vào Việt Nam để tận dụng những ưu đãi của các hiệp định thương mại. Để tồn tại, cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, vốn có trình độ quản trị tiên tiến ở cả thị trường trong và ngoài nước, doanh nghiệp Việt không còn con đường nào khác là phải nâng cao năng lực quản trị. Doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin và đặc biệt là ERP.
“Sự cạnh tranh càng cao, càng cần có quyết định nhanh và quyết đoán”
Ông Liher Urbizu, Giám đốc hãng công nghệ SAP tại khu vực Đông Dương
Từ khi bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam vào năm 2007, chúng tôi đã thấy được sự phát triển rõ rệt trong quản lý của các doanh nghiệp địa phương. Việc tuân thủ các quy định về quản lý đang được các doanh nghiệp Việt Nam coi trọng hơn, đặc biệt trong các công ty có số lượng nhân viên lớn. Lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã được cung cấp thông tin nhiều hơn và họ hiểu rằng với sự cạnh tranh ngày càng cao trong kinh doanh thì cần phải có những quyết định nhanh và quyết đoán theo cách đơn giản và rõ ràng nhất. Tiềm năng của thị trường EPR Việt Nam còn rất lớn, bởi nhiều công ty chưa từng sử dụng hệ thống quản lý, hoặc có dùng thì đã lỗi thời, không phù hợp với tình hình hiện tại.
Khi triển khai dự án ERP, cả doanh nghiệp và đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai cần lường trước một số thách thức như thay đổi quy trình quản lý, chậm trễ về thời gian thực hiện, vỡ ngân quỹ… Bởi vậy, các bên cần nỗ lực phối hợp để hiểu một cách chi tiết về nhu cầu của khách hàng để tìm ra được giải pháp tương ứng.