Thanh, kiểm tra đẩy lùi gian lận thuế
Đại diện lãnh đạo Cục Thuế cho biết, bám sát chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2025 và Quyết định số 103/QĐ-BTC ngày 17/1/2025 của Bộ Tài chính, Cục Thuế đã sớm ban hành định hướng và chỉ đạo toàn ngành xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế năm 2025 theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi để người nộp thuế tự giác tuân thủ pháp luật.
Đáng chú ý, việc triển khai Nghị quyết số 190/2025/QH15 của Quốc hội và Kết luận số 134-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, theo đó, cơ quan thuế không thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành để thực hiện chức năng kiểm tra.
Do vậy, trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn ngành xác định tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện và hoàn thành các cuộc thanh tra còn tồn đọng.
Đồng thời, đề nghị các đơn vị thuế tỉnh, thành phố báo cáo, cung cấp số lượng các cuộc thanh tra chưa ban hành quyết định và nêu rõ lý do chưa thực hiện để có cơ sở trình Bộ Tài chính điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2025 phù hợp với thẩm quyền mới.
Để đảm bảo tính chủ động và trọng tâm trong thực hiện, Cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị thuế tỉnh, thành phố về công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2025, cũng như các văn bản chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Trong đó, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, kê khai không đủ thuế, có dư địa thu lớn như: bất động sản, giao dịch liên kết, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chứng khoán và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu...
Đồng thời tăng cường công tác quản lý thuế bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; rà soát công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng; phối hợp trong công tác phòng chống gian lận hóa đơn; áp dụng các biện pháp quản lý về hóa đơn nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa hàng nhập lậu, trốn thuế, chỉ đạo đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Ngày 12/5/2025, Cục thuế đã phê duyệt kế hoạch kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế năm 2025 đối với các thuế tỉnh, thành phố.
Theo đó, Cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế các cấp triển khai kế hoạch kiểm tra năm 2025 theo các nguyên tắc cụ thể để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện kế hoạch kiểm tra của ngành Thuế, đảm bảo trọng tâm công tác phòng ngừa rủi ro, chống thất thu ngân sách và đẩy lùi gian lận hoàn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Phó cục trưởng Cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 26.290 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 39,1% nhiệm vụ năm 2025 và bằng 109,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 28.430 tỷ đồng, bằng 132% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 8.314 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.190 tỷ đồng; giảm lỗ là 18.925 tỷ đồng.
Xuất hiện nhiều hình thức chuyển giá mới
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đặc biệt là ngăn chặn hành vi lợi dụng chuyển giá để trốn tránh nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp, Cục Thuế đã chủ động tham mưu với Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2025/NĐ-CP ngày 10/2/2025, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP - văn bản quy phạm pháp luật quan trọng quy định về quản lý thuế trong giao dịch liên kết.
Lãnh đạo Cục Thuế cho rằng, việc hoàn thiện hành lang pháp lý này tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thuế tăng cường kiểm soát, đồng thời giúp doanh nghiệp tuân thủ minh bạch hơn.
|
Nguồn: Cục Thuế. Đồ họa: Phương Anh. |
Ông Nguyễn Văn Phụng - chuyên gia cao cấp về thuế cho rằng, Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào thị trường kinh tế thế giới nên vấn đề chuyển giá, tránh thuế của các công ty, tập đoàn ngày càng trở nên phức tạp, xuất hiện nhiều hình thức chuyển giá mới.
Một số phương thức điển hình doanh nghiệp thường sử dụng trong chuyển giá để né thuế được chuyên gia chỉ ra là chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình giữa các bên liên kết; chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình giữa các bên liên kết; chuyển giá thông qua chuyển giao dịch vụ giữa các bên liên kết; chuyển giá thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh giữa các bên liên kết.
Tuy nhiên, hình thức phổ biến được các doanh nghiệp sử dụng là xác định giá chuyển nhượng không phù hợp với thông lệ quốc tế và không hợp lý.
Theo ông Phụng, hành vi chuyển giá nhằm tối thiểu nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp, hiện không chỉ diễn ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà còn diễn ra giữa các bên liên kết trong nội địa Việt Nam; đồng thời không chỉ đơn thuần là việc điều chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp hơn để tránh thuế mà nó còn bao gồm cả chiều ngược lại.
Để nâng cao năng lực triển khai trong thực tiễn, cơ quan thuế các tỉnh, thành phố đã xây dựng chuyên đề kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, lựa chọn các công chức có chuyên môn sâu, kinh nghiệm thực tiễn để tham gia các đoàn kiểm tra.
Đồng thời, thông qua việc thu thập, phân tích dữ liệu chuyên sâu, cơ quan thuế đã dần hình thành cơ sở dữ liệu và phương pháp đánh giá rủi ro chuyên biệt cho loại hình doanh nghiệp này, từ đó có căn cứ đề xuất giải pháp quản lý thuế sát thực tế, phù hợp đặc thù từng địa bàn, ngành nghề.
Cục Thuế cũng đã tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm chuyên sâu về thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết với Thuế tỉnh, thành phố nhằm thống nhất cách tiếp cận, chia sẻ kỹ thuật kiểm tra, đồng thời cập nhật các mô hình chuyển giá phổ biến và phương pháp xác định giá thị trường theo chuẩn quốc tế.
Truy thu, truy hoàn và phạt 600 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết
Thống kê 6 tháng đầu năm 2025, toàn ngành Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 119 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; qua đó truy thu, truy hoàn và phạt 600 tỷ đồng; giảm lỗ 3.579 tỷ đồng; giảm khấu trừ 3,2 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 5.091 tỷ đồng.
Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 360 tỷ đồng, giảm lỗ 3.139 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.957 tỷ đồng.