Doanh nghiệp chủ động tìm vốn qua kênh chứng khoán

(ĐTCK) Các doanh nghiệp đang nỗ lực trở lại, trong đó tìm nguồn vốn “giắt lưng” trên hành trình mới là câu chuyện được quan tâm hàng đầu.
Vinaconex đang lên kế hoạch huy động 2.500 tỷ đồng qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Công việc trọng tâm

Doanh thu sụt giảm mạnh, thậm chí không có doanh thu, trong khi chi phí tăng mạnh khi thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” hoặc vẫn phải duy trì trả lương cho người lao động khiến dòng tiền của nhiều doanh nghiệp cạn kiệt.

Kết quả cuộc khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) về tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 tại 21.000 doanh nghiệp hồi tháng 8 cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đang thiếu dòng tiền.

Cụ thể, có 46% trong 21.000 doanh nghiệp cho biết, dòng tiền hiện tại chỉ giúp duy trì hoạt động của doanh nghiệp trong vòng 1 tháng đến dưới 3 tháng. Trong khi đó, 40% doanh nghiệp cho biết tạm dừng kinh doanh vì chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng. Tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần so với số doanh nghiệp đang cố gắng duy trì hoạt động.

Chuẩn bị nguồn vốn để phục hồi sản xuất - kinh doanh là một trong những công việc quan trọng nhất và cũng đau đầu nhất của các doanh nghiệp lúc này.

Dòng tiền được ví như dòng máu của doanh nghiệp, khi kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi, doanh nghiệp rất cần được bơm máu.

“Dòng tiền được ví như dòng máu của doanh nghiệp, khi kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi, doanh nghiệp rất cần được bơm máu”, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc chia sẻ.

Tuy vậy, theo ông Nghĩa, việc vay vốn mới tại ngân hàng hiện gặp nhiều khó khăn, Công ty đang lo trả lãi suất ở hợp đồng vay cũ. Để vay mới, các điều kiện vay cũng khó khi Công ty suốt hơn 2 tháng qua doanh thu sụt giảm mạnh, nhà máy dừng hoạt động.

Sau một thời gian dài “đóng băng” hoạt động, Vietravel đang rục rịch trở lại với việc triển khai tour du lịch Cần Giờ và tour Củ Chi (TP.HCM) từ đầu tháng 10. Vietravel Airlines, hãng hàng không trong hệ sinh thái Vietravel đang hy vọng sớm được nối lại giấc mơ bay. Nhưng dòng tiền là một khó khăn lớn mà doanh nghiệp này phải đối mặt.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings cho rằng, để phục hồi cần phải có vốn, nhưng nguồn lực dự trữ đã cạn kiệt do thời gian dài đóng cửa hoạt động kinh doanh, không có doanh thu. Việc tiếp cận vốn vay khó khăn vì các ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, trong khi văn phòng chi nhánh của các doanh nghiệp du lịch chủ yếu đi thuê.

Tại buổi tiếp xúc cử tri giữa cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng kiến nghị các ngân hàng thương mại cho công ty du lịch vay lại để họ có thể quay lại thị trường.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng gói kích cầu hỗ trợ lãi suất, tương tự gói cấp bù lãi suất giải ngân qua hệ thống ngân hàng giai đoạn 2009 - 2010, trình Quốc hội xem xét trong tháng 10 này.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại tọa đàm “Gói hỗ trợ lãi suất, vốn phải đến đúng đích”, Chủ tịch Quốc hội gợi ý gói hỗ trợ trên 2.000 tỷ đồng, tương đương 60.000 - 65.000 tỷ đồng dư nợ, nhưng dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng, lãi suất khoảng 3 - 4%/năm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Liên quan tới gói hỗ trợ lãi suất này, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, các gói hỗ trợ tạo nên nguồn lực lớn cho doanh nghiệp và người lao động, tuy nhiên, một số thủ tục còn khó khăn, chính sách cần được thực thi hiệu quả hơn.

Chủ động tìm vốn qua kênh chứng khoán

Không chỉ trông đợi vào những gói hỗ trợ cũng như nút thắt trong vay vốn ngân hàng được tháo gỡ, các doanh nghiệp đang chủ động tìm nguồn vốn qua thị trường chứng khoán.

Chỉ hơn một tháng kể từ đợt phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu vào ngày 1/9/2021 với giá 10.500 đồng/cổ phần, thu về 315 tỷ đồng, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thăng Long (mã TIG) đã thông qua nghị quyết về việc phát hành 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Với giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, Công ty đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 300 tỷ đồng.

Số tiền thu được từ đợt chào bán này dự kiến dành 219 tỷ đồng để đầu tư cho dự án Khu nghỉ dưỡng Vườn Vua, 81 tỷ đồng còn lại bổ sung vào nguồn vốn lưu động. Dự án Vườn Vua (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) đang do công ty con của TIG là Công ty cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ làm chủ đầu tư, TIG nắm 60% vốn tại công ty này.

Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) cũng vừa công bố phương án bán 3,08 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ, tương ứng 0,7% vốn điều lệ để cơ cấu lại nguồn vốn.

Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 15/11 đến 14/12/2021 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Với giá cổ phiếu VCG chốt phiên ngày 5/10/2021 đạt 40.500 đồng/cổ phiếu, ước tính, Vinaconex thu về khoảng 124 tỷ đồng.

Vinaconex đang chịu áp lực nguồn vốn khá lớn, khi ngày 22/10 tới, Vinaconex chi 526 tỷ đồng để hoàn thành nghĩa vụ trả cổ tức 6% còn lại của năm 2020 và tạm ứng 6% năm 2021.

Bên cạnh kế hoạch bán cổ phiếu quỹ, Tổng công ty còn lên kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, với tổng mệnh giá tối đa 2.500 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất lớn, Công ty cổ phần Đầu tư, phát triển xây dựng (DIC Corp, mã DIG) đang cần nguồn vốn lớn để triển khai các dự án.

Theo kế hoạch được thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên 2021, nhu cầu vốn của Công ty trong năm nay lên tới 9.436 tỷ đồng, trong đó, riêng chi phí giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất tại dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu là 2.191 tỷ đồng và Khu đô thị du lịch Long Tân là 1.695 tỷ đồng.

DIC Corp đã và đang triển khai huy động vốn thông qua nhiều phương thức như phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành cổ phiếu ESOP. Cụ thể, Công ty vừa phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm cho HDBank.

Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty đã thông qua nghị quyết về việc chào bán riêng lẻ 75 triệu cổ phiếu, với giá 20.000 đồng/cổ phiếu (thấp hơn 41% so với giá thị trường), thời gian thực hiện từ ngày 22/9 - 1/11/2021. 1.500 tỷ đồng dự kiến thu về từ đợt chào bán sẽ dùng để đầu tư vào dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu.

Trước đó, DIG đã phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP, với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, thu về 225 tỷ đồng.

Không chỉ doanh nghiệp ngành bất động sản cần nhiều nguồn vốn để phát triển dự án mà doanh nghiệp sản xuất như Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng đẩy mạnh huy động vốn để tăng tốc cho giai đoạn mới.

Thaco cho biết đã phát hành thành công 24 triệu trái phiếu riêng lẻ, tương đương 2.400 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm, ngày đáo hạn là 20/9/2026.

Theo Thaco, số tiền huy động được từ phát hành trái phiếu nhằm bổ sung vốn cho ngành nghề sản xuất và kinh doanh ô tô, phụ tùng, xe có động cơ khác và thanh toán các nghĩa vụ thuế, tiền mua hàng hóa…

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc (mã BNA) cũng vừa có nghị quyết về việc phát hành 1,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, phát hành 2,4 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 30%) và chào bán 8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tổng lượng cổ phiếu phát hành là 12 triệu đơn vị để tăng quy mô vốn điều lệ thêm 150% so với hiện tại.

Được biết, nguồn vốn bổ sung này sẽ dùng để đầu tư sản xuất bao gồm mua máy móc, mua đất chuẩn bị xây dựng nhà máy và bổ sung vốn lưu động. BNA đang chuẩn bị xây dựng nhà máy ở miền Trung, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2022, song song với việc nâng cấp nhà máy ở miền Bắc, miền Nam.

Quý III/2021, BNA ước đạt 250 tỷ đồng doanh thu, 21 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 4% và 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp tăng trưởng nhờ mở hệ thống BNA Mart đúng thời điểm. Với kết quả quý III/2021 tích cực, BNA hoàn thành 72% chỉ tiêu doanh thu năm và 77% mục tiêu lợi nhuận năm 2021.

Bước vào giai đoạn “bình thường mới”, các doanh nghiệp đang nỗ lực củng cố nguồn vốn, mà như Tổng giám đốc Đại Thiên Lộc thì “vốn là bàn đạp quan trọng để chúng tôi vực dậy sau thời gian tổn thương dài”.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục