Doanh nghiệp chờ đợi ngày mở cửa trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khôi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh là mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp lúc này. Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị các phương án để sẵn sàng cho ngày trở lại.
Chỉ cần TP.HCM cho dừng sản xuất "3 tại chỗ", TCM sẽ tăng năng lực sản xuất để giữ chân khách hàng. Chỉ cần TP.HCM cho dừng sản xuất "3 tại chỗ", TCM sẽ tăng năng lực sản xuất để giữ chân khách hàng.

Chỉ mong hết dịch để khởi động kinh doanh trở lại

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc

Công ty Đại Thiên Lộc có nhà máy sản xuất thép ở TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Kể từ khi Bình Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vào ngày 9/7/2021, Công ty đóng cửa, công nhân không đi làm, chỉ có một số nhân viên kinh doanh vẫn duy trì hoạt động bán hàng trên Internet.

Hiện chúng tôi chưa nhận được hướng dẫn của địa phương về kế hoạch mở cửa trở lại. Bình Dương vẫn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ai ở đâu ở yên đó nên chúng tôi phải chờ.

Công nhân của Công ty số đông đã về quê, nên khi nhà máy mở cửa sản xuất sẽ rất gặp khó khăn về nhân sự, thiếu hụt lao động.

Nguồn nguyên liệu cũng gặp khó khăn. Chúng tôi không nhập được, hàng về cảng cũng không đi lấy được, chi phí vận chuyển tăng cao, nhà máy không được cấp giấy cho đi lấy nguyên liệu. Tại Bình Dương, để ra cảng lấy hàng, cần có xe đủ điều kiện vận chuyển, lái xe về địa phương bị cách ly nên thiếu hụt lái xe.

Trong khi đó, Công ty có lái xe cũng không tự đi lấy hàng được vì không phải xe luồng xanh. Vì vậy, nhà máy cũng đối diện với tình trạng không có nguyên liệu sản xuất nếu mở cửa trở lại.

Về tình hình kinh doanh, doanh nghiệp coi như mất hẳn quý III, còn quý IV sẽ như thế nào cũng chưa rõ. Chúng tôi chỉ mong hết dịch để khởi động kinh doanh trở lại, còn như hiện tại không ai ra khỏi nhà được, mọi thứ đóng băng. Kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2021 chắc chắn sẽ không đạt.

Về dòng tiền, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn khi doanh thu quý III sụt giảm mạnh mà doanh nghiệp vẫn phải lo chi trả tiền lương tối thiểu nhân viên, tiền lãi ngân hàng, tiền bảo hiểm, chi phí mặt bằng, nhà xưởng…

Chúng tôi hiện chỉ lo trả lãi suất hợp đồng tín dụng cũ, cũng khó khăn trong vay mới bởi các điều kiện cho vay cũng rất khó. Khi không có dòng tiền, doanh nghiệp không có máu để hoạt động, đây là một bài toán lớn khi mở cửa trở lại.

Cần cho người đã tiêm vắc xin đi làm bình thường trở lại

TS. Phạm Công Hiệp, Trưởng nhóm nghiên cứu logistics và chuỗi cung ứng, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT

Hiện nay, một số nước trong khu vực như Singapore hay Thái Lan đã mở cửa nền kinh tế và chấp nhận sống chung với dịch, một phần do đã đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin cao, phần khác do xác định rằng mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng tuyệt đối sẽ gần như không thể đạt được và thiệt hại kinh tế do đóng cửa nền kinh tế kéo dài là quá cao.

Hiện các nước mở cửa lại nền kinh tế đều áp dụng biện pháp giảm quy mô và mức độ tập trung xã hội, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan cộng đồng. Nếu không, việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ phải đối mặt nguy cơ lây nhiễm lan rộng và các hệ quả xã hội nghiêm trọng.

Về cơ bản, việc mở cửa lại nên cân nhắc kỹ hai nhóm điều kiện chính: kinh tế và xã hội.

Nhóm thứ nhất, điều kiện kinh tế, phụ thuộc vào khả năng sản xuất và trang thiết bị của doanh nghiệp trong điều kiện hạn chế dịch bệnh khắt khe.

Cho dù mở cửa hoạt động lại, doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực sẽ phải thay đổi phương thức hoạt động như thực hiện giãn cách vật lý giữa người lao động và khách hàng, trang bị tấm che ngăn cách, giảm số lượng khách trong cùng không gian, giảm thiểu giao tiếp trực tiếp và sử dụng công nghệ nhiều hơn.

Như vậy, số lượng lao động trong các khu công nghiệp, nhà xưởng sẽ phải giảm khá lớn, lượng hành khách trên máy bay, xe khách, nhà hàng cũng phải giảm tương tự, trong khi chi phí vận hành, nhà xưởng không giảm tương xứng, dẫn đến tăng chi phí hoạt động trong doanh nghiệp.

Một mặt nữa là người lao động cũng sẽ phải xét nghiệm Covid-19 thường xuyên để đáp ứng yêu cầu kiểm soát dịch của Chính phủ. Điều này cũng sẽ tăng gánh nặng cho người lao động và doanh nghiệp.

Nhóm điều kiện thứ hai về mặt xã hội, là sự chấp nhận của Chính phủ và cộng đồng về tỷ lệ hợp lý lây nhiễm cộng đồng và tỷ lệ tử vong do bệnh dịch.

Với chủng mới Delta, hầu hết các nước trên thế giới, kể cả các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Mỹ, Anh, Singapore cũng khó kiểm soát được mức độ lây nhiễm cộng đồng, tuy nhiên tỷ lệ nhập viện và tử vong ở trong mức kiểm soát, đặc biệt hầu hết bệnh nhân nhập viện đều chưa tiêm vắc xin.

Như vậy, thay vì đối xử tất cả như nhau, những người đã tiêm vắc xin mũi 1 và 2 nên được tham gia hoạt động xã hội và sản xuất thoáng hơn so với những người chưa được tiêm mũi nào. Nên có ngay giấy thông hành cho những người đã tiêm đủ vắc-xin để họ có thể tham gia tích cực hơn vào hoạt động kinh tế, nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại do đổ vỡ chuỗi cung ứng như hiện nay.

TCM sẵn sàng với hoạt động sản xuất bình thường mới

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may- Đầu tư-Thương mại Thành Công

Chúng tôi đã nhận được bản dự thảo của Sở Công Thương TP.HCM gửi các hiệp hội chuẩn bị phương án trong trường hợp Thành phố cho phép doanh nghiệp dừng hoạt động “3 tại chỗ”, mở cửa trở lại.

Soi vào các tiêu chí, chúng tôi nhận thấy TCM có thể đáp ứng được, vì TCM đã hoạt động “3 tại chỗ” từ ngày đầu TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Chúng tôi biết cách xử lý khi nhà máy có F0, Công ty có phòng khám trực thuộc công ty con ở kế bên với đội ngũ 60 - 70 y, bác sỹ thường trực xử lý các vấn đề liên quan đến y tế.

Hiện nay, số lượng công nhân của TCM đã tiêm vắc-xin mũi 1 đạt tỷ lệ 85 - 90%. Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 cho công nhân. Chỉ cần TP.HCM cho phép dừng “3 tại chỗ”, người lao động được đi làm bình thường trở lại, Công ty sẽ tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tiến độ giao hàng.

TCM đang thuyết phục khách hàng cố gắng chờ Việt Nam kiểm soát dịch, họ cũng không muốn rời bỏ thị trường. Nếu từ 15/9 bỏ sản xuất “3 tại chỗ”, doanh nghiệp tăng lên năng lực sản xuất, khách hàng sẽ ở lại với thị trường Việt Nam.

Thực sự, doanh nghiệp đang kiệt sức rồi, chúng tôi chỉ cố gắng đến tháng 9 thôi. Dòng tiền sẽ là câu chuyện lớn mà doanh nghiệp phải đối mặt, phải duy trì trả lương cho công nhân, trả lãi ngân hàng trong khi doanh thu sụt giảm.

Đây là thời điểm Chính phủ cần thiết xem xét để mở cửa trở lại để cho doanh nghiệp phục hồi. Doanh nghiệp nào cũng vậy, sẽ thiếu tiền dần.

Khi thiếu tiền, họ phải cắt giảm lao động, nhưng nếu giảm sẽ khó có lao động để tăng tốc nếu được sản xuất trong trạng thái bình thường mới nên Công ty phải tìm cách cố trả lương để giữ chân lao động.

Muốn có dòng tiền, phải mở cửa trở lại cho doanh nghiệp hoạt động có doanh thu hoặc Nhà nước có chính sách cho doanh nghiệp vay ưu đãi để trả lương cho công nhân cùng chính sách trợ giá. Dòng tiền lúc này là quan trọng nhất. Doanh nghiệp mong được sớm trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Xây dựng kịch bản hoạt động trở lại

Ông Bùi Như Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Long Việt

Ban lãnh đạo và quản lý các bộ phận đã họp online để chuẩn bị các phương án hoạt động sản xuất khi doanh nghiệp được phép mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Chúng tôi xây dựng kịch bản theo 3 mốc thời gian là 16/9, 23/9 và 1/10, tùy phương án chính quyền địa phương nơi nhà máy của công ty làm việc tại Đồng Nai và Bình Dương.

Tuy nhiên, hiện nay, số lượng công nhân đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin tại Công ty rất ít, phần lớn mới tiêm xong mũi 1. Chúng tôi kiến nghị cần tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ cho công nhân tiêm mũi 2, để doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động sản xuất.

Bên cạnh việc tiêm vắc-xin, Công ty chuẩn bị các phương án hoạt động, làm việc với chính quyền địa phương để được tư vấn các phương án áp dụng phù hợp với địa bàn, xin ý kiến khuyến cáo của địa phương.

Chúng tôi cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ cho cán bộ công nhân viên của mình, hỗ trợ người lao động để họ yên tâm gắn bó với Công ty. Đồng thời, chúng tôi rà soát lại đơn hàng, đơn hàng nào còn, đơn hàng nào mất, tình trạng sắp tới ra sao để dự trù các kế hoạch triển khai.

Một vấn đề đáng lo ngại của doanh nghiệp trong điều kiện quay trở lại hoạt động sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt lao động, dòng tiền đứt đoạn khi doanh thu sụt giảm lại dồn tiền trả nợ ngân hàng, trả lương nhân công. Bên cạnh đó, các chuỗi cung ứng bị hạn chế sẽ ảnh hưởng đến việc cung ứng nguyên liệu sản xuất.

Hiện nay, dịch bệnh ở Dĩ An (Bình Dương nơi có nhà máy của Gỗ Long Việt) đã giảm số lượng ca nhiễm đáng kể trong ngày, đây là một tín hiệu tích cực để doanh nghiệp kỳ vọng sẽ sớm được trở lại.

Tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” an toàn

Lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời

Sau hơn 1 tháng thực hiện phương án “3 tại chỗ”, 14 nhà máy của Tập đoàn Lộc Trời đều duy trì tốt tiến độ sản xuất và đảm bảo sức khỏe, an toàn cho gần 800 cán bộ nhân viên. Người lao động tự nguyện ở lại tại nhà máy.

Trong thời gian tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, căn cứ tình hình thực tế tại từng đơn vị, lãnh đạo các nhà máy đã nỗ lực để đảm bảo tốt đời sống, sinh hoạt và làm việc của cán bộ, nhân viên.

Tại nhà máy, các anh chị em nhân viên trước khi thực hiện “3 tại chỗ” đều được xét nghiệm bằng phương pháp PCR, được sắp xếp chỗ nghỉ ngơi ở khu văn phòng và khu lưu trú. Đặc biệt, nhà máy sắp xếp các hình thức sinh hoạt ngoài giờ như trồng rau, câu cá vào buổi tối trong khuôn viên nhà máy, đáp ứng nhu cầu thư giãn sau giờ làm việc và có phòng xông hơi khử độc phục vụ cán bộ nhân viên.

Đội ngũ cán bộ nhân viên các nhà máy được đảm bảo suất ăn đầy đủ dưỡng chất, việc lấy suất ăn và khoảng cách giữa các bàn ăn đảm bảo các quy định phòng chống dịch, bàn ăn có vách ngăn…

Khu vực làm việc ở các nhà máy được phân chia thành các tiểu khu và tạo lối đi riêng cho từng khu. Cán bộ nhân viên làm việc ở tất cả các khu vực đều tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế trong phòng chống dịch bệnh.

Hai mảng hoạt động chính của tracodi là xây lắp và khai thác đá vật liệu xây dựng đều đang ấp ủ nhiều kế hoạch

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi)

Chúng tôi mong Chính phủ và các địa phương sớm có chính sách để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại. Hai mảng hoạt động chính của Tracodi là xây lắp và khai thác đá vật liệu xây dựng, đều đang ấp ủ nhiều kế hoạch.

Liên doanh khai thác đá Antraco (Tracodi sở hữu 50% vốn) chủ yếu cung cấp đá cho các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Vì đá vật liệu đòi hỏi chi phí vận chuyển khá lớn nên thường ăn theo sự phát triển hạ tầng, xây dựng trong vùng (có bán kính trong vòng 60 km).

Đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ sau đại dịch sẽ giúp hoạt động của Công ty khả quan hơn.

Hiện nay, Antraco có công suất khai thác 1,5 triệu m³/năm, tới đây nhu cầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam gia tăng theo định hướng các dự án hạ tầng lớn, Công ty sẽ xin tăng công suất khai thác lên 2 triệu m3/năm.

Antraco đang lập hồ sơ thăm dò khảo sát trữ lượng giai đoạn 2 nâng trữ lượng khai thác mỏ lên gần 50 triệu m³. Giai đoạn 1, mỏ đá Antraco diện tích 70 ha, được phép khai thác trữ lượng khoảng 28 triệu m³ (hiện còn khoảng 8 triệu m³).

Trữ lượng dự kiến tăng thêm gần 20 triệu m³ và khai thác ở mức lộ thiên +10 m. Công ty đang tìm kiếm cơ hội M&A thêm mỏ đá nằm trong khu vực có kế hoạch phát triển mạnh hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đẩy mạnh khai thác đá xây dựng, Tracodi sẽ tích cực tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công, đẩy mạnh việc thi công các dự án xây dựng dân dụng và công nghiệp. Hiện nay, Công ty đã có chứng chỉ xây dựng hạng I, đủ năng lực thực hiện các dự án lớn về hạ tầng, dân dụng và công nghiệp.

Năm 2021, Tracodi đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.203 tỷ đồng, tăng 12,3%; lợi nhuận sau thuế hơn 280 tỷ đồng, tăng hơn 91% so với thực hiện năm 2020. Sau nửa đầu năm, Tracodi đã hoàn thành 54% chỉ tiêu doanh thu và 73% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2021.

Kế hoạch năm sẽ được Tracodi hoàn thành dựa trên các công trình, dự án đã thi công, cũng như đóng góp từ mảng khai thác đá.

Nhóm phóng viên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục