Kết quả của khảo sát hàng quý lần thứ 18 về chỉ số môi trường kinh doanh, thực hiện vào tháng 7 năm 2015 cho thấy, niềm tin kinh doanh, triển vọng và kỳ vọng vào tương lai của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tăng nhẹ so với quý trước.
Trong quý II năm 2015 chỉ số tăng đạt mức 77, tăng từ mức 75 quý trước. Kết quả này cho thấy xu hướng tăng ổn định từ hai quý trước được hình thành, các doanh nghiệp Châu Âu tham gia khảo sát thể hiện sự gia tăng niềm tin vào môi trường tại Việt Nam.
“Chúng tôi tin rằng kết quả này có liên quan tới việc kết thúc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA)”, ông Michael Behrens, Phó Chủ tịch EuroCham nói.
Khi được hỏi doanh nghiệp nhận định như thế nào về tổng quan môi trường kinh doanh, 57% doanh nghiệp trả lời “tốt”, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số phản hồi, tăng đáng kể so với 45% của quý trước.
Về triển vọng kinh doanh trong tương lai, phần lớn phản hồi tiếp tục nhận định triển vọng kinh doanh là: “tích cực” nhưng số lượng thì giảm từ 57% còn 55% quý này. Nhóm thứ hai, chiếm 27% phản hồi “trung bình” (giảm so với 30% quý trước).
Số lượng phản hồi còn lại bao gồm 8% kì vọng môi trường kinh doanh sẽ “xuất sắc” và 8% kỳ vọng “Xấu”, 1% nhận định “Rất xấu”.
"Nhận định chung khả quan dù vẫn còn vài quan ngại về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam". Kết quả khảo sát của EuroCham cho biết.
Trong đó, doanh nghiệp Châu Âu quan ngại về tỷ lệ lạm phát ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.
Cụ thể 2/3 số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết tỷ lệ lạm phát sẽ ảnh hưởng nhẹ đến việc kinh doanh của họ trong những tháng sáp tới và 19% (gần 1/5) lo ngại tỷ lệ lạm phát ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh. 15% còn lại cho rằng không có ảnh hưởng đáng kể do tỷ lệ lạm phát gây ra.
Đề cập đến kế hoạch đầu tư trung hạn, đa số doanh nghiệp (chiếm 41%) tham gia khảo sát cho biết họ dự định tăng nhẹ đầu tư vào Việt Nam. Sau đó, là số lượng doanh nghiệp có kế hoạch duy trì mức đầu tư hiện tại, chiếm 39%.
Một trong những vấn đề “nóng” được doanh nghiệp Châu Âu kêu nhiều trong quý 2 là chất lượng đường truyền Internet.
Khi được khảo sát “chất lượng Internet ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh”, đa số doanh nghiệp (chiếm 47%) phản hồi rằng hoạt động của họ bị “ảnh hưởng đáng kể”.
EU hiện là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến hết năm 2014, đã có 23 trong số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với hơn 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 37 tỷ USD.
Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.