Doanh nghiệp châu Âu chỉ ra một số lĩnh vực cần cải thiện để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khảo sát mới nhất của EuroCham Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ ra một số lĩnh vực cần cải thiện để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài,
Cơ sở hạ tầng là một trong những ưu tiên quan trọng của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam Cơ sở hạ tầng là một trong những ưu tiên quan trọng của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam

Tiến bộ nhưng vẫn cần cải thiện

Được thực hiện ngay trước làn sóng biến động lớn trong chính sách thương mại toàn cầu (từ ngày 10 - 27/3), Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) mới nhất của EuroCham Việt Nam ổn định ở mức 64,6 trong quý I/2025, phản ánh bức tranh lạc quan nhưng thận trọng của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát thời điểm trên đã nhấn mạnh rằng họ “đang chờ đợi động thái từ Washington,” báo động một mối quan ngại trọng yếu trước những diễn biến toàn cầu có thể tác động đến môi trường kinh doanh.

Chủ tịch EuroCham, ông Bruno Jaspaer cho biết, quả khảo sát cho thấy hầu hết các doanh nghiệp châu Âu không thể lường trước những biện pháp thuế quan quyết liệt như vậy. Họ vẫn đặt niềm tin vào khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam trong việc điều hướng căng thẳng thương mại toàn cầu. Khoảng hai phần ba số doanh nghiệp tham gia khảo sát giữ quan điểm trung lập - không quá lạc quan nhưng cũng không quá lo ngại…

“Mặc dù vậy, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa điều chỉnh chiến lược đầu tư hoặc tuyển dụng, phản ánh cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” trước những biến chuyển trong chính sách thương mại toàn cầu được dự báo nhưng chưa chắc chắn ở thời điểm khảo sát”, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

Tại thời điểm khảo sát, dù 68% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho biết họ sẽ giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư, nhưng con số này đã giảm 7 điểm phần trăm so với quý IV/2024, khi 75% bày tỏ sự tin tưởng tương tự. Điều này phản ánh sự cẩn trọng hơn của các doanh nghiệp châu Âu trong cách nhìn nhận và tiếp cận môi trường đầu tư của Việt Nam.

Các doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng chỉ ra một số lĩnh vực cần cải thiện để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phát triển cơ sở hạ tầng (37%) được coi là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tinh giản thủ tục hành chính (29%) nhằm giảm thiểu những rào cản quan liêu; nới lỏng quy trình cấp thị thực và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài (24%); cũng như tăng cường tính minh bạch trong luật pháp và thực thi pháp luật (21%). Những ưu tiên này cho thấy các doanh nghiệp châu Âu mong đợi những cải thiện rõ ràng hơn để củng cố niềm tin dài hạn của họ.

Tương tự các báo cáo BCI trước đây, các thủ tục hành chính vẫn là thách thức lớn đối với doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Những rào cản nghiêm trọng bao gồm thủ tục hành chính rườm rà, bộ máy quản lý cồng kềnh, thực thi pháp luật thiếu nhất quán và sự thiếu minh bạch trong quy định. Đặc biệt, quy trình cấp thị thực tiếp tục là một điểm nghẽn đáng kể, gây khó khăn cho cả người lao động nước ngoài và doanh nghiệp sử dụng lao động.

So với những năm trước, các doanh nghiệp châu Âu ghi nhận sự tiến bộ của Việt Nam trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, kết nối công nghệ, và phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hơn 70% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ nhận thấy ít hoặc thậm chí không có sự cải thiện nào về các điều kiện thị trường và đầu tư, quản lý chi phí, cũng như hiệu suất thủ tục hành chính. Điều này cho thấy Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh.

Kỳ vọng thận trọng

Theo Báo cáo, chiến dịch tinh giản bộ máy hành chính của Việt Nam nhận được những phản hồi trung lập đến lạc quan dè chừng từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Dù đa số không kỳ vọng cải thiện ngay lập tức, nhiều doanh nghiệp bày tỏ hy vọng về những bước tiến rõ rệt vào năm 2026. Những cải thiện tích cực được mong đợi bao gồm chuyển đổi sang hệ thống nộp và phê duyệt hồ sơ điện tử (45%), đẩy nhanh thời gian xử lý thủ tục hành chính (26%), và trao quyền chủ động nhiều hơn cho chính quyền địa phương (25%).

Về đề xuất sáp nhập tỉnh, hơn 40% doanh nghiệp tin rằng những thay đổi này có thể giúp nâng cao hiệu quả hành chính và giảm bớt sự phức tạp trong quy định. Đáng chú ý, 44% cho rằng hoạt động kinh doanh của họ sẽ hiệu quả hơn nếu Việt Nam giảm số lượng tỉnh xuống dưới 30, phản ánh mong muốn về một hệ thống quản trị tinh gọn hơn.

Kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2025 dự kiến sẽ đưa ra những điều chỉnh đối với các luật như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quảng cáo, khiến nhiều doanh nghiệp giữ tâm thế theo dõi sát sao. Phần lớn các doanh nghiệp cho biết họ sẽ duy trì chiến lược "chờ và quan sát" trước những thay đổi này.

Thích ng và hợp tác vượt qua “bão” thuế quan

Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các cải cách nội bộ và đối mặt với những thách thức bên ngoài, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn duy trì niềm tin thận trọng vào triển vọng phát triển của quốc gia.

“Sức bền của nền kinh tế Việt Nam không chỉ dựa vào những con số tăng trưởng, mà còn ở khả năng thích ứng - cả về mặt cơ cấu nội bộ lẫn chiến lược đối ngoại – trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động. Những thách thức mới liên tục xuất hiện, đòi hỏi sự gắn kết để biến khó khăn thành cơ hội”, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham cho biết.

Các doanh nghiệp châu Âu từ lâu đã đánh giá cao sự linh hoạt của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, điều này được củng cố qua cách tiếp cận tinh tế nhưng quyết đoán của Chính phủ trước những thách thức toàn cầu.

Ông Jaspaert cũng tái khẳng định: “Trước những biến động mới của cơn bão thuế quan, EuroCham cam kết đảm bảo rằng tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu không chỉ được lắng nghe mà còn được hỗ trợ để vượt qua những chướng ngại này. Không chỉ dừng lại ở vận động chính sách, chúng tôi còn hướng đến việc thúc đẩy các giải pháp - đồng hành cùng các nhà hoạch định chính sách để xây dựng một môi trường kinh doanh vừa cạnh tranh vừa bền vững. Con đường phía trước có thể đòi hỏi sự linh hoạt, nhưng một điều chắc chắn vẫn giữ nguyên: Việt Nam và châu Âu cùng theo đuổi mục tiêu chung về khả năng phục hồi kinh tế và tăng trưởng lâu dài”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục