Doanh nghiệp châu Á lâm vào thế khó với Brexit

(ĐTCK) Với chiến thắng của Đảng Bảo thủ, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang rộng đường để thúc đẩy việc đạt thoả thuận Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu - EU) đúng hạn vào 31/1/2020. 
Doanh nghiệp châu Á lâm vào thế khó với Brexit

Diễn biến này loại bỏ bớt yếu tố khó đoán định đối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại Anh, nhưng lại đẩy đối tượng này vào tình thế khó đưa ra quyết định.

Kể từ năm 2016 tới nay, Brexit đã trở thành “bóng mây u ám” bao phủ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại Anh.

Hiện tại, áp lực này một lần nữa đè nặng lên tâm trí của các doanh nghiệp, tổ chức có lợi ích kinh tế liên quan tới nước Anh, nhất là các công ty nước ngoài đang hoạt động tại đây.

Trong số các doanh nghiệp tới từ châu Á, nhóm doanh nghiệp Nhật Bản được đánh giá chịu ảnh hưởng lớn nhất khi có tới gần 1.000 công ty đang tổ chức sản xuất - kinh doanh tại Anh và là nhóm doanh nghiệp châu Á có đóng góp lớn nhất cho GDP của quốc gia này, chiếm 5,8% dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào đây.

Vừa qua, Nissan Motor quyết định xây dựng nhà máy sản xuất ô tô thể thao tại thành phố phía Bắc nước Anh, song điều này còn phụ thuộc vào các thoả thuận mà nước Anh đạt được với EU khi tiến hành Brexit.

Azusa Momose, người phát ngôn của Nissan cho biết: “Nissan là một trong những doanh nghiệp có hoạt động đầu tư lớn tại Anh và hiện vẫn đang chờ đợi những nội dung cụ thể hơn về mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU.

Những thay đổi đột ngột hiện tại có ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Anh, nên Nissan mong đợi các nhà thoả thuận Anh và EU sẽ hợp tác tích cực để đạt được thoả thuận Brexit cân bằng nhất”.

Trong khi đó, đầu năm nay, Honda Motor đã đóng cửa nhà máy tại Swindon (phía đông London) do lo ngại tác động tiêu cực từ Brexit.

Tháng 8/2019, Panasonic cũng cho rằng, Brexit là nguyên nhân khiến hãng rời trụ sở khu vực châu Âu từ Anh tới Hà Lan.

Công ty chứng khoán hàng đầu Nhật Bản là Nomura Holdings cho biết, Công ty đã chuẩn bị cho Brexit và thiết lập hoạt động tại Frankfurt để duy trì cung cấp dịch vụ cho các khách hàng tại châu Âu.

Đa phần công ty chứng khoán và ngân hàng lớn khác của Nhật Bản đều đặt trụ sở mới tại các quốc gia còn lại ở châu Âu.

Ðáng chú ý, khảo sát của Cơ quan Ngoại thương Nhật Bản cho thấy, hơn 70% nhà sản xuất Nhật Bản có hoạt động tại Anh đã cảm nhận được những ảnh hưởng tiêu cực từ Brexit.

Trong bối cảnh này, đa số doanh nghiệp đã phải đưa ra quyết định khó khăn về việc chuyển trụ sở ra khỏi London và cơ cấu lại hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Osama Takana, nhà kinh tế trưởng tại Dai-ichi Life Research Institute, nhiều công ty vẫn đang “nín thở” theo dõi sát sao mọi động thái về Brexit, bởi họ vẫn chưa thể quyết định hướng đi tiếp theo.

Hiện tại, Chính phủ Anh đang mở rộng vòng tay đối với doanh nghiệp tới từ Trung Quốc.

Theo đó, Anh cho phép doanh nghiệp có sở hữu nhà nước của Trung Quốc là CGN được tham gia vào dự án nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên tại Anh trong 3 thập kỷ qua và London sẽ trở thành trung tâm giao dịch nhân dân tệ lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc.

Nhưng câu hỏi được quan tâm nhất là liệu Huawei có thể tham gia vào việc xây dựng mạng lưới viễn thông 5G tại Anh?

Trước áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, đầu tháng 12 này, Thủ tướng Anh Johnson cho biết, nước Anh sẽ không để Huawei liên quan tới mạng lưới 5G tại quốc gia này, nếu mối quan hệ với Huawei làm tổn hại tới sự hợp tác giữa nước Anh với các đồng minh thân cận bao gồm Mỹ, Canada, Australia và New Zealand.

Taha Coburn-Kutay, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp châu Á tại Anh nhận định: “Nước Anh sẽ có xu hướng tiếp cận một cách thận trọng với doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung chưa tới hồi kết, cũng như các vấn đề về nhạy cảm đang diễn ra tại Hồng Kông…”.

Tuy nhiên, cũng theo chuyên gian này, nước Anh sẽ tìm kiếm các thoả thuận thương mại với Trung Quốc và Ấn Ðộ sau khi rời khỏi EU.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục