Công xưởng tiếp theo của thế giới sẽ không ở châu Á

(ĐTCK) Việt Nam vẫn được nhắc tới như một lựa chọn hợp lý đối với các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc vì tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nếu không phải Việt Nam là “người chiến thắng”, thì cũng là các quốc gia khác tại Nam và Đông Nam Á. Tuy nhiên, các số liệu đang chứng minh, công xưởng tiếp theo của thế giới sẽ không ở châu Á.
Công xưởng tiếp theo của thế giới sẽ không ở châu Á

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là tác nhân mới nhất thúc đẩy một xu hướng quan trọng đã diễn ra trong một thập kỷ qua.

Đó là các nhà sản xuất tại Trung Quốc đối diện với vấn đề chi phí gia tăng và buộc phải đưa ra quyết định giữa hai lựa chọn, hoặc đầu tư vào công nghệ cao, tự động hoá để giảm bớt chi phí lao động, hoặc tìm tới khu vực khác để tiến hành hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Điều này tạo ra cơ hội lớn cho các nền kinh tế đang phát triển, khi các doanh nghiệp từ Trung Quốc có thể giúp kiến thiết các khu công nghiệp lớn và chuyển hoá nền kinh tế tại địa phương, biến đây thành quê nhà mới của mình. Đây là cơ hội khó có thể xảy ra lần thứ hai trong một thế hệ và là cơ hội khó có thể bỏ lỡ để vươn mình trở thành nền kinh tế phát triển.

Hiện tại, các số liệu chứng minh rằng, các quốc gia Nam Á đang bị bỏ lại phía sau trong việc thu hút dòng vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất. Theo đó, các quốc gia châu Phi trở thành lựa chọn được ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Riêng tại Ethiopia, quốc gia này đã mở gần 12 khu công nghiệp quy mô rất lớn trong những năm gần đây và thiết lập một cơ quan nhà nước đặc biệt đảm nhiệm nhiệm vụ thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới xếp hạng các quốc gia châu Phi khu vực cận sa mạc Sahara là nơi có số lượng các cải tổ mỗi năm lớn nhất thế giới kể từ năm 2012.

Xét về khía cạnh tỷ trọng đầu tư trực tiếp trong GDP, Nam Á đứng phía sau mức trung bình của cả khu vực cận Sahara tại châu Phi và các quốc gia kém phát triển.

Mặc dù tổng GDP Nam Á lớn hơn 70% so với châu Phi, nhưng châu lục này nhận được dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc cao gấp 3,5 lần mức đầu tư vào Nam Á năm 2012, năm gần nhất Liên hợp quốc công bố các thống kê dòng vốn đầu tư trực tiếp song phương.

Trong 5 năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ thống kê được rằng, có 13 thương vụ đầu tư lớn từ Trung Quốc vào châu Phi, trong khi con số này với Nam Á là 9 thương vụ.

Không chỉ bị trượt phía sau về sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư rút khỏi Trung Quốc, các quốc gia Nam Á còn đối diện với không ít vấn đề tại quê nhà.

Chẳng hạn, Bangladesh đang vật lộn để giải quyết vấn đề ô nhiễm. Chưa kể, quốc gia này cần tạo 2 triệu việc làm mỗi năm để bắt nhịp được với đà tăng trưởng dân số.

Mặc dù đang được biết tới như một thủ phủ hàng đầu về lĩnh vực dệt may trên thế giới, nhưng Bangladesh không có khả năng thực hiện các cải tổ cần thiết để đa dạng hoá hơn nữa lĩnh vực sản xuất.

Trong vài năm qua, quốc gia này đã rơi xuống mức 176 trong 190 quốc gia thuộc bảng xếp hạng môi trường kinh doanh “Ease of Doing Business”. DBL Group, một doanh nghiệp Bangladesh còn tiến hành đầu tư mới một nhà máy sản xuất với khoảng 4.000 việc làm tại Ethiopia.

Để thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất, yêu cầu đầu tiên đối với các quốc gia Nam Á là việc phải nhận ra rằng, cơ hội đang tuột khỏi tay và sức cạnh tranh giảm sút.

Chẳng hạn, với Ấn Độ, quốc gia này không thể mãi tự tin vào việc nhà đầu tư quốc tế sẽ tìm tới nơi đây bởi quy mô dân số lớn.

Hay các quốc gia Nam Á cần có sự đảm bảo rằng, khu vực này đủ sức đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng phục vụ việc sản xuất, từ nguồn cung cấp năng lượng ổn định, hệ thống cầu cảng hiện đại cho tới kỹ năng của người lao động.

Tin xấu là nếu các quốc gia Nam Á không chuyển động nhanh hơn, các khu vực khác sẽ giữ chặt các cơ hội trong tay để nhanh chóng vươn lên thoát khỏi nhóm các nước kém phát triển đang phát triển.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục