Doanh nghiệp chăn nuôi heo: Thiên thời, địa lợi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Giá lợn hơi phục hồi, nguồn cung hạn chế, trong khi giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi dần hạ nhiệt, các doanh nghiệp ngành chăn nuôi đang hưởng lợi kép.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lợn đang hưởng lợi từ chính sách vĩ mô và thị trường Các doanh nghiệp chăn nuôi lợn đang hưởng lợi từ chính sách vĩ mô và thị trường

Triển vọng sáng

Từ đầu tháng 9 đến nay, nhóm cổ phiếu chăn nuôi có diễn biến tích cực hơn chỉ số chung. Kết phiên 3/10, thị giá DBC (của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco) đạt 29.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 4% so với hồi đầu tháng 9. Mã BAF của Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam đạt 21.550 đồng/cổ phiếu, tăng 19,7% trong cùng mốc thời gian. Cổ phiếu MML (của Công ty cổ phần Masan MEATLife) và PSL (của Công ty cổ phần Chăn nuôi Phú Sơn) cũng tăng nhẹ và ổn định ngay cả trong những phiên thị trường giảm điểm…

Diễn biến nói trên của nhóm cổ phiếu chăn nuôi, theo giới phân tích, một phần xuất phát từ tâm lý cho rằng cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu bão gây ra tình trạng ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng tại một số tỉnh phía Bắc, gây thiệt hại lớn cho các đàn gia súc, đặc biệt là lợn (chiếm hơn 60% sản lượng ngành chăn nuôi), từ đó tác động đến nguồn cung trên thị trường. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bão số 3 và mưa lớn thời gian qua đã khiến 26.485 gia súc và gần 3 triệu gia cầm bị chết; chuồng trại bị phá hủy nghiêm trọng, việc tái đàn gặp nhiều khó khăn.

Thực tế, các cổ phiếu ngành chăn nuôi như DBC, MML, BAF đã có sự hồi phục khá tích cực so với đầu năm nhờ giá lợn hơi tăng mạnh. Dữ liệu thống kê thị trường cho thấy, ngày 3/10/2024, giá lợn hơi trên cả nước phổ biến ở mức 64.000 - 69.000 đồng/kg, một số tỉnh phía Bắc ghi nhận giá vượt mốc 70.000 đồng/kg, tăng mạnh so với mức 58.000 - 60.000 đồng/kg hồi cuối năm 2023 và là mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Trong khi đó, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đã hạ nhiệt 30 - 40% so với đỉnh. Hai yếu tố này kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp chăn nuôi tiết kiệm chi phí đầu vào, cải thiện lợi nhuận.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Luật Chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực từ năm 2020 nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Các địa phương có 5 năm chuẩn bị, hạn chót đến ngày 1/1/2025, buộc phải di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp. Quy định này sẽ khiến một số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ phải ngừng hoạt động nếu không thể di dời, làm nguồn cung bị thu hẹp. Tuy vậy, điều này là cần thiết để ngành chăn nuôi Việt Nam chuyển dịch theo hướng kinh tế chăn nuôi, nghĩa là tăng vai trò của các doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn, đáp ứng tiêu chuẩn chuỗi giá trị ngành, giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh khó kiểm soát, đồng thời tăng thêm các biện pháp quản lý để hướng tới nền chăn nuôi hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng cao.

Cũng theo ông Lạng, nửa đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược Phát triển chăn nuôi. Trong tháng 8/2024, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 106/2024/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Cùng với đó, Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1/8/2024) đã bổ sung 9 nội dung về đất dành cho chăn nuôi. Như vậy, đến thời điểm này, ngành chăn nuôi đã có một thể chế khá hoàn thiện, có chiến lược, định hướng phát triển rõ ràng để phát triển bền vững trong tương lai.

Công ty Chứng khoán Maybank đánh giá, ngành chăn nuôi lợn trong nước đang trải qua những thay đổi đáng kể, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước. Triển vọng tăng trưởng của ngành đang được củng cố khi mô hình chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức công nghiệp dần thay thế mô hình nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Ưu thế của các “ông lớn”

Từ những yếu tố vĩ mô và thị trường nói trên, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, một số doanh nghiệp chăn nuôi đang đứng trước cơ hội mở rộng thị phần nhờ tiềm lực lớn hơn, có nền tảng và lợi thế cạnh tranh hơn để tiếp cận nguồn vốn (vay tín dụng, phát hành cổ phiếu, trái phiếu) so với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Thậm chí, nếu giá lợn giảm xuống dưới giá vốn, những “ông lớn” ngành chăn nuôi này vẫn có thể cầm cự và giành lấy thị phần của những nông hộ nhỏ lẻ (không bám trụ được, phải rời bỏ thị trường). Trong khi đó, doanh nghiệp thường có chi phí chăn nuôi thấp hơn so với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo ước tính của Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam, chi phí chăn nuôi của hộ dân từ 52.000 - 54.000 đồng/kg, còn ở doanh nghiệp chỉ khoảng 47.000 đồng/kg.

Trong Báo cáo triển vọng ngành chăn nuôi công bố cuối tháng 6/2024, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, các doanh nghiệp chăn nuôi có lợi thế cạnh tranh về quy mô, tối ưu hoá hoạt động và chuỗi giá trị 3F hoàn chỉnh (Feed – Farm – Food: thức ăn - trang trại - thực phẩm).

“Chúng tôi tin rằng chìa khóa cho tăng trưởng trung hạn nằm ở tối ưu chi phí sản xuất để tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của giá lợn hơi”, BSC nhận định.

Để đón đầu cơ hội và nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua, các “ông lớn” ngành chăn nuôi liên tục đầu tư để mở rộng quy mô chăn nuôi, chế biến, tối ưu hoá chuỗi giá trị khép kín, cải thiện lợi nhuận.

Theo đó, Nông nghiệp BaF Việt Nam vừa ký kết với Muyuan Foods Co., Ltd, một tập đoàn chăn nuôi lớn có thâm niên hơn 30 năm của Trung Quốc để hướng đến chuyển giao thiết bị công nghệ chăn nuôi thông minh. Trước mắt, đối tác này sẽ giúp BAF mở rộng quy mô chăn nuôi, với 450.000 con lợn nái và 10 triệu con lợn thịt vào năm 2030. Năm 2024, BAF đặt mục tiêu chăn nuôi 75.000 heo nái và 800.000 heo thương phẩm.

Giai đoạn 2024 - 2025, BSC kỳ vọng Nông nghiệp BAF đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế là 1.763% và 27% khi sản lượng lợn hơi tăng mạnh nhờ bảo vệ đàn trước sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi và sự đóng góp đáng kể từ việc nâng cấp trang trại mới lên tổng đàn. Biên lợi nhuận gộp được kỳ vọng cải thiện từ mức 6,6% (năm 2023) lên 16,75% vào năm 2024 và 18,21% vào năm 2025 nhờ giá lợn hơi trung bình duy trì quanh mức 60.000 đồng/kg cùng sự sụt giảm của nguyên liệu đầu vào từ 10 - 20%.

Với Dabaco, thời gian qua, tập đoàn này đã có hàng loạt động thái tăng vốn, bao gồm phát hành 12 triệu cổ phiếu ESOP, chào bán gần 81 triệu cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông hiện hữu. Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Tập đoàn cũng hé lộ kế hoạch chào 20% vốn (tương đương 48,4 triệu cổ phiếu) cho cổ đông chiến lược để mở rộng quy mô, nâng cao vị thế cạnh tranh trong ngành.

Việc chọn bạn đồng hành có tiềm lực tài chính, có tiềm năng để thực hiện các dự án, kế hoạch kinh doanh là bước đi chiến lược của Dabaco trong thời gian tới. Công ty Chứng khoán SHS dự báo, doanh thu năm 2024 của Dabaco sẽ đạt khoảng 13.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 794,5 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức 25 tỷ đồng trong năm 2023.

Dabaco là một trong ba doanh nghiệp nghiên cứu thành công vắc-xin dịch tả lợn châu Phi và đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vắc-xin với công suất 200 triệu liều/năm, được chứng nhận GMP-WHO vào đầu tháng 8/2024 và đang tiến rất gần đến mục tiêu phê duyệt thương mại. Lợi thế này sẽ giúp Công ty bước vào thị trường vắc-xin với tiềm năng tỷ USD.

Năm nay, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đặt mục tiêu doanh thu 7.750 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.320 tỷ đồng, tăng 20,2% về doanh thu và giảm 26% về lợi nhuận so với mức thực hiện trong năm 2023. Hoạt động kinh doanh của HAG đang có sự hậu thuẫn của hệ sinh thái LPBank. Cuối năm ngoái, nhà băng này đã ký hợp đồng cấp khoản tín dụng 5.000 tỷ đồng cho HAG; trong đó, 3.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân ngay giai đoạn đầu để hỗ trợ HAG đẩy mạnh đầu tư trồng cây ăn trái và chăn nuôi heo.

Trong đợt phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu HAG cho ba nhà đầu tư lớn vào tháng 4 năm nay, có sự tham gia của các thành viên trong hệ sinh thái LPBank (Công ty cổ phần Chứng khoán LPBank mua 50 triệu cổ phiếu, Tập đoàn Thaigroup mua 52 triệu cổ phiếu). Với nguồn vốn mới, HAG đã đầu tư tăng đàn trở lại, dự kiến 4 - 5 tháng sau sẽ có sản phẩm và từ quý IV/2024 và năm 2025, HAG có thể thu về lợi nhuận đáng kể từ chăn nuôi.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục